TNGT: Những chuyện buồn không muốn kể
Một ngày cuối tuần ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), những căn phòng hồi sức, điều trị sau phẫu thuật, thời gian dài như mỗi nhịp máy trợ thở. Bùi Thị Chúc (10 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định) nằm mê man bất tỉnh. Cô bé con mắt nhằm nghiền, đôi chân nhỏ bé duỗi đơ.
Cách đây không lâu, Chúc trong một lần đi xe đạp bất ngờ bị ô tô đâm khiến vỡ lách độ 3, gãy xương đòn trái và chấn thương sọ não nặng. Từ đó, Chúc thở và ăn bằng máy.
Bố mẹ là những nông dân chân lấm tay bùn, phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đóng viện phí.
Không xa nơi Bùi Thị Chúc nằm là giường hồi sức của nữ sinh viên có gương mặt xinh xắn Trần Thị Huệ (22 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định). Huệ cũng bị chấn thương sọ não.
Bác sỹ cho biết, em có thẻ Bảo hiểm Y tế, nhưng do bị hôn mê ngay từ đầu nên không ai biết tìm ở đâu. Huệ nằm đó với đống máy móc duy trì sự sống, nhưng món nợ bệnh viện 20 triệu đồng đang treo lơ lửng trên đầu người nhà.
Cháu Bùi Thị Chúc (10 tuổi, quê Nam Định) vẫn bất tỉnh. Ảnh: Minh Đức
Nhỏ nhoi và ngơ ngác trong một góc phòng là cháu bé Hoàng Gia Bảo Nam (14 tháng tuổi, ở Chi Lăng, Lạng Sơn). Trong một lần được bố mẹ chở đi chơi, TNGT bất ngờ cướp mất cả bố lẫn mẹ, riêng Nam bị chấn thương sọ não. Dù mới tỉnh, nhưng chưa ai biết cháu sẽ ra sao. Trực bên giường bệnh, bà ngoại Nam nước mắt như mưa.
Có lẽ kiên cường nhất là cậu bé Nguyễn Thanh Tú (quê Vụ Cầu, Hạ Hoà, Phú Thọ) - bệnh nhân quen thuộc tại Khoa Phẫu thuật Nhi (Bệnh viện Việt Đức), có thâm niên 3 năm thường trực tại bệnh viện này, với 12 lần mổ và chưa biết khi nào mới chấm dứt điều trị. Một gã tài xế say xỉn tông xe vào cậu khiến rách nát cả thành bụng của cậu bé 9 tuổi.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, 9 tháng đầu năm nay có 16. 447 nạn nhân nam và 5.714 nạn nhân nữ bị TNGT tới cấp cứu. Trong số đó, có 16.084 nạn nhân tuổi 20 - 50; khoảng 2.000 người có nồng độ cồn trong máu. |
Nếu có trường hợp nào gây ám ảnh ngay từ phút đầu gặp thì đó là bệnh nhân Nguyễn Duy Vinh (34 tuổi ở Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên).
Vinh là chiến sỹ công an 12 năm trong ngành. TNGT khiến từ thắt lưng trở xuống phải tái tạo lại nhiều bộ phận: Hậu môn, đại tràng, một chân mất hẳn (chân còn lại đang tích cực để cứu), chưa kể phổi tổn thương nặng... Vinh nhận biết điều đó.
Hoàn cảnh 2 vợ chồng cũng khó khăn. Người vợ mới 21 tuổi (làm công nhân) cứ thảng thốt với thực tại kinh hoàng mà gia đình chị phải gánh chịu.
Bệnh viện Việt Đức có những bản danh sách các nạn nhân TNGT dài hun hút như hành lang phòng hậu phẫu.
Nhà chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1990, đường Âu Cơ, Yên Phụ, Tây Hồ), từng có 5 thành viên. Năm 2010, bố mẹ và em trai đã tử vong trong một lần đi qua đường sắt.
Bố mẹ Hằng chở em trai lúc đó mới 3 tuổi bằng xe máy, đoạn đường sắt giao đường bộ không có rào chắn, đã thế một rạp đám cưới mở loa nhạc to hết cỡ đã chắn tầm nhìn và át tiếng còi tàu hoả đang lao tới. Hai chị em Hằng giờ sống nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm.
Căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Dung (sinh năm 1971, ngõ Quỳnh, Thanh Nhàn, Quỳnh Lôi, Hà Nội) thật u ám. TNGT cướp mất đi người chồng và khiến chị Dung tàn phế nằm liệt giường.
Ba đứa con nhỏ bỗng dưng thành trụ cột gia đình. Đứa út mới vài tuổi được bà con cưu mang đưa đi nuôi hết nhà bác này đến bác kia ở nhiều tỉnh.
Hôm 3/11, nhân chuyến thăm hỏi các nạn nhân, một lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia đã huy động các Mạnh thường quân giúp xây lại căn nhà dột, trợ giúp chị Dung điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Đứa con trai đang học tại Học viện Bưu chính cũng được Ủy ban ATGT Quốc gia tác động để được miễn học phí.
Một lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia vừa đề xuất hằng tháng hoặc quý tổ chức những chuyến thăm trực quan các nạn nhân TNGT tại bệnh viện.