Tin tức 24h qua: Một huyện rà soát lại số tiền ca sĩ Thủy Tiên từ thiện nhưng không có danh sách

Một huyện rà soát lại số tiền ca sĩ Thủy Tiên từ thiện nhưng không có danh sách; Đề xuất người dân ở tỉnh, thành có mức sinh thấp sinh con được tặng tiền... là những tin nóng nhất 24h qua.

Một huyện rà soát lại số tiền ca sĩ Thủy Tiên từ thiện nhưng không có danh sách

Liên quan đến hoạt động từ thiện cứu trợ lũ lụt năm 2020 của ca sĩ Thủy Tiên, lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, đến nay địa phương đã gửi báo cáo đến Bộ Công an và vẫn tiếp tục cho rà soát số tiền còn lại do chưa khớp nhau.

So với số tiền Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Thanh Chương xác nhận ngày 12/11/2020 là 6,889 tỷ đồng, tổng số tiền mà huyện Thanh Chương sau rà soát và đã báo cáo với Bộ Công an chỉ có 6,787 tỷ đồng, ít hơn số xác nhận 102 triệu đồng.

Đoàn từ thiện của Thủy Tiên trao tiền cứu trợ tại huyện Thanh Chương

Đoàn từ thiện của Thủy Tiên trao tiền cứu trợ tại huyện Thanh Chương

Giải thích về việc thiếu hụt này, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương cho biết, trong quá trình trao quà của đoàn ca sỹ Thủy Tiên có nhiều hộ dân đã xin được hỗ trợ trực tiếp do hoàn cảnh quá khó khăn, mà không nằm danh sách được lập từ các xã trước đó. Hiện, phòng đang yêu cầu các xã tiếp tục rà soát những hộ được hỗ trợ nằm ngoài danh sách để bổ sung báo cáo Bộ Công an.

Đề xuất người dân ở tỉnh, thành có mức sinh thấp sinh con được tặng tiền

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề cương Luật Dân số. Một trong những nội dung đáng chú ý trong lần chỉnh lý tháng 10/2021 lần này đó chính là các biện pháp điều chỉnh mức sinh.

Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh có mức sinh thấp bằng cách hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất, và ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.

Bên cạnh đó, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập, miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập.

Hiện nay có 21 tỉnh, thành phố được phân vào vùng mức sinh thấp, trong đó, TP.HCM được xếp vào địa phương có mức sinh thấp và cần khuyến khích sinh.

Trong khi đó mức lương tối thiểu vùng hiện nay thực hiện theo Nghị định 90/2019. Với mức cao nhất là 4.420.000 đồng/tháng (đối với các địa bàn thuộc vùng I) và thấp nhất là 3.070.000 đồng/tháng (đối với các địa bàn thuộc vùng IV). Nếu như dự thảo Luật được thông qua thì phụ nữ sinh con tại TP.HCM và 20 tỉnh, thành khác không những được nhà nước hỗ trợ tiền mà còn được hỗ trợ nhiều mặt khác trong đời sống.

Lãnh đạo xã ở Thanh Hóa lên tiếng về yêu cầu người dân phải có bảo hiểm y tế mới được tiêm vắc xin COVID-19

Liên quan đến thông tin "người dân phải có bảo hiểm y tế mới được tiêm phòng vắc xin COVID-19", lan truyền trên mạng xã hội, lãnh đạo UBND xã Minh Lộc, Thanh Hóa cho biết, ở địa phương đúng là có việc ai chưa có bảo hiểm y tế sẽ chưa được tiêm vắc xin.

Theo lãnh đạo xã Minh Lộc, trong văn bản cấp trên chỉ đạo người dân đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải kê khai 3 thông tin, trong đó có thông tin về bảo hiểm y tế. Ai chưa có bảo hiểm y tế phải tham gia mua bảo hiểm y tế, bởi trong quỹ vắc xin có một phần hỗ trợ của bảo hiểm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo xã Minh Lộc cũng lý giải thêm, giờ vắc xin ít nên những người có đầy đủ thông tin sẽ được ưu tiên tiêm trước. Khi nào có đủ vắc xin về chính quyền sẽ tiêm cho toàn dân.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Bí thư Huyện Ủy Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết, không có việc cấp trên chỉ đạo xã Minh Lộc không tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân không có bảo hiểm y tế.

Theo ông Tuấn, trên địa bàn toàn huyện đang lập danh sách để tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở đợt này. Trong quá trình lập danh sách, UBND xã Minh Lộc vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cách vận động không khéo, nói theo kiểu áp đặt như trên là không đúng.

Hà Nội đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc

Với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội vừa cùng với đơn vị tư vấn xây dựng xong phương án 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Các trạm này được đặt tại đường vành đai và thực hiện thu phí phương tiện từ 5h đến 21h mỗi ngày.

Hầu hết các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Đường phố Hà Nội ùn tắc trong những ngày qua.

Đường phố Hà Nội ùn tắc trong những ngày qua.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải nói rằng, ông ủng hộ các giải pháp để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường được thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ đưa ra.

Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, để giải quyết được vấn đề ùn tắc, cần nắm rõ bản chất của ùn tắc giao thông tại Hà Nội là gì. Khi thu phí vào nội đô, cần có giải pháp đồng bộ, khoa học.

Theo ông Tâm, vấn đề ùn tắc ở Hà Nội hiện nay là do hạ tầng giao thông phát triển mất cân đối so với tốc độ đô thị hóa, trong đó có xây nhà cao tầng, dẫn đến tình trạng dân cư tập trung ngày càng đông vào khu vực trung tâm.

 TPHCM cho mở hàng quán ăn uống tại chỗ từ 28/10

Ngày 27/10, Bộ Y tế công bố 4.404 ca mắc COVID-19 trong nước. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 895.793 ca, trong đó có 809.497 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tại TPHCM, từ ngày 28/10, UBND TPHCM chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ nhưng phải kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày và không bán, không phục vụ rượu bia, trừ quận 7 và TP Thủ Đức. 

Tại Hà Nội, ổ dịch liên quan đến tiệm tóc Mẹ Ớt có tổng 10 ca dương tính SARS-CoV-2. Ngoài ra, chùm ca bệnh này còn lây lan sang 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.

Nguồn: [Link nguồn]

Yêu cầu người dân có bảo hiểm y tế mới được tiêm vắc xin, lãnh đạo xã ở Thanh Hóa nói gì?

Lãnh đạo xã Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lên tiếng trước thông tin người dân phải có bảo hiểm y tế mới được tiêm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Quân ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN