Thủy điện "đánh thức" động đất ở Sông Tranh?

Ba tháng dung tích hồ chứa không lên, không xuống đột ngột mà động đất lại xảy ra dồn dập, lan rộng không chỉ ở Bắc Trà My còn dư trấn ở Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước... Thêm trận động đất sáng 7/9 khiến một số nhà khoa học bắt đầu nghĩ đến khả năng đứt gãy gần nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang hoạt động.

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Trần Tân Văn, Viện trưởng viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Theo bản đồ thì vị trí ba trận động đất lớn nhất vừa xảy ra đều không nằm trong quần tụ rung chấn quanh thủy điện Sông Tranh 2. Thay vào đó, chúng đều nằm rất gần với một đứt gãy địa chất mang tên Hưng Nhượng-Tà Vi chạy theo hướng đông-tây nằm ở mạn nam đập thủy điện Sông Tranh. Một số nhà khoa học đã bắt đầu nghĩ đến khả năng đứt gãy gần Sông Tranh 2 “cựa quậy”, TS có thể cho biết ý kiến của mình?

- Đây cũng có thể là một khả năng. Tuy nhiên, nếu là động đất do đứt gãy đang hoạt động thì không phải bây giờ mới phát hiện ra. Bởi nếu đứt gãy hoạt động nó sẽ kéo dài và thường xuyên, sẽ xảy ra nhiều trong quá khứ chứ không phải chờ đến bây giờ. Tất nhiên đứt gãy có thể tái hoạt động sau một thời gian ngừng nghỉ. Nhưng tái hoạt động vào đúng thời điểm này xem ra hơi khiên cưỡng.

Theo logic, nếu đứt gãy hoạt động thì nó đã được ghi nhận trước đó. Khi nói về đứt gãy hoạt động thì các nhà khoa học thường tìm kiếm những biểu hiện của nó trong một khoảng thời gian dài, hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn năm. Và biểu hiện hoạt động của đứt gãy không chỉ có động đất mà còn là một vài hay nhiều hiện tượng khác cùng đi kèm như dịch trượt, đứt gãy, nứt vỡ, bức xạ các loại khí có nguồn gốc từ dưới sâu, thậm chí phun trào núi lửa v.v.

Nhưng có ý kiến khẳng định nếu đứt gãy không hoạt động thì động đất đã không xảy ra như vậy, TS có thể lý giải?

- Chỗ này cần phân biệt rõ, động đất là một biểu hiện của đứt gãy hoạt động. Nhưng một đứt gãy hoạt động không nhất thiết chỉ biểu hiện qua động đất mà còn có cả những hiện tượng như đã nêu trên. Nhiều trường hợp hoặc nhiều kiểu loại đứt gãy hoạt động nhưng không kèm theo động đất.

Vậy có thể hiểu, động đất tại Sông Tranh 2 là do tích nước vào lòng hồ hay do đứt gãy hoạt động, hay do cả hai yếu tố trên?

- Động đất do đứt gãy hoạt động không gọi là động đất kích thích. Người ta chỉ gọi động đất kích thích khi nó xảy ra do tích nước hồ chứa hoặc nói chung do con người tác động làm thay đổi trường ứng suất biến dạng trong vỏ Trái Đất. Nhưng không phải cứ tích nước vào lòng hồ là gây ra động đất kích thích. Bình thường vỏ Trái Đất luôn ở trong trạng thái tích lũy ứng suất, để rồi khi đạt đến một ngưỡng nhất định vượt quá sức bền của đất đá thì sẽ xảy ra đứt gãy, dịch động hoặc động đất, nói cách khác là một hình thức "xả stress", không cứ là ở khu vực hồ chứa nước và vào thời điểm tích nước.

Tuy nhiên, các hồ chứa nước, nhất là các hồ thủy điện, thường được xây dựng trên các dòng sông, mà các dòng sông, nhất là sông ở miền núi, thì thường nằm trùng với các đứt gãy. Khi tích nước tức là đã chất thêm một tải trọng lớn, làm gia tăng ứng suất lên đất đá dưới lòng hồ và các khu vực lân cận. Nếu ở đó ứng suất kiến tạo đã tích lũy gần đến ngưỡng giới hạn thì chính ứng suất gia tăng đó sẽ kích thích để gây ra "xả stress". Đó là lý do người ta gọi động đất kích thích và thường gắn nó với việc tích nước hồ chứa.

Đương nhiên là khi trường ứng suất kiến tạo ban đầu chưa đủ lớn thì có tích nước vào cũng khó gây ra động đất kích thích, và hồ chứa càng lớn thì càng nhiều khả năng xảy ra động đất kích thích lớn. Nhưng các thống kê trên thế giới cho thấy hầu hết các trận động đất kích thích thường nhỏ, không vượt quá 4-5 độ Richter, không vượt quá cường độ một trận động đất tự nhiên có thể xảy ra ở khu vực đó và không vượt quá cường độ kháng chấn của công trình đập nếu như tính toán đủ, thiết kế và thi công đảm bảo.

Có thể thấy khu vực Sông Tranh 2 là khu vực có đầy đủ những điều kiện khiến động đất kích thích phát sinh. Vậy tại sao những nhà máy thủy điện vẫn được xây ở đây?

- Trên thế giới, động đất kích thích là một phần của cuộc sống. Khi xây dựng một nhà máy thủy điện người ta không dễ gì chọn được một khu vực lý tưởng. Chỉ có điều là trước khi tiến hành, họ phải điều tra, khảo sát đầy đủ các đặc điểm tự nhiên, thí dụ xem khu vực đó có khả năng xẩy ra động đất mạnh đến cấp mấy...để dự phòng.

Khu vực Sông Tranh 2 không phải là vùng động đất mạnh có thể xảy ra. Kể cả tích nước hồ chứa chắc cũng không làm thay đổi đáng kể nhận thức đó. Vì thế, nếu có điều tra, khảo sát, nghiên cứu đầy đủ, thiết kế, thi công bài bản, chất lượng... thì động đất kích thích ở đây là câu chuyện bình thường, giải phóng hết ứng suất nó sẽ dần ổn định mà động đất kích thích, nếu có thì thường cũng hết nhanh.

Các dư chấn kéo theo động đất kích thích được thống kê trên thế giới chỉ ở mức 3 - 4 độ Richter, cùng lắm là 5 độ Richter. Trong khi công trình xây dựng được thiết kế kháng chấn ở mức 7-8 độ Richter. Do đó, động đất kích thích không ảnh hưởng đến công trình đập nếu thi công tốt. Chỉ có điều là động đất kích thích có thể tác động tiêu cực đến các công trình và cộng đồng xung quanh, ít nhất là về mặt tâm lý, vì rõ ràng là ở đó từ trước đến giờ người ta chưa phải biết đến động đất và các công trình xây dựng, đặc biệt là nhà dân, có khi chưa tính đến khả năng có động đất.

TS có thể cho biết thêm về hoạt động địa chất của khu vực này, nếu thực sự có hoạt động đứt gãy xảy ra thì có những dự báo nguy hiểm gì?

- Đây là khu vực có đặt điểm địa chất, kiến tạo khá đặc biệt, biểu hiện tân kiến tạo tích cực, thí dụ như các hiện tượng sông thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông, bờ biển, trượt lở... thuộc loại mạnh nhất cả nước. Tuy nhiên, những biểu hiện như hoạt động núi lửa hay động đất mạnh thì chưa xảy ra. Do đó, chắc người dân sẽ phải lưu ý nhiều hơn tới sạt lở, trượt lở ở vùng núi và xói lở bờ sông, bờ biển.

TS có lời khuyên gì với những người dân Quảng Nam đang rất lo lắng? Đồng thời dự báo gì về hoạt động địa chất của khu vực này trong thời gian tới?

- Đứt gãy hoạt động thì không biết bao giờ nó xảy ra và xảy ra trong bao lâu, bao lâu lại lặp lại. Nhưng như đã nói ở trên, khi nó xảy ra sẽ có những biểu hiện mà nếu để ý nghiên cứu, và nghiên cứu đầy đủ, bài bản, thì chúng ta có thể sẽ dự báo được trước để phòng ngừa.

Tôi có thể khuyên gì người dân ở Quảng Nam đây? Tôi ngồi ở đây bình yên, và đi nói với họ rằng không nên quá lo lắng ư? Tôi chỉ nghĩ là nếu cung cấp được một ít thông tin để hiểu biết thêm, lường trước về đứt gãy hoạt động hay động đất kích thích, về quy mô của hiện tượng thì chắc là cũng tốt. Tôi cầu chúc cho người dân Quảng Nam vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Xin cảm ơn TS!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lam ([Tên nguồn])
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN