Thực hư "mầm mống hủy diệt" trên sao Hỏa
Nhiều năm qua, con người đã "rục rịch" chuẩn bị cho một nơi ở mới, đề phòng khi trái đất quá tải hoặc "đại họa đang đến gần". Các nhà khoa học và thiên văn học không ngừng tìm kiếm sự sống trên các hành tinh xa xôi trong hệ mặt trời. Một trong các điểm đến đáng hy vọng nhất chính là hành tinh Đỏ - sao Hỏa.
Hành tinh Đỏ - điểm đến mới của sự sống
Mặc dù việc đặt chân lên sao Hỏa vẫn nằm trên giấy tờ và trong kế hoạch của các nhà khoa học nhưng nhiều công ty tại Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và phương tiện để đưa con người lên sao Hỏa một cách "an toàn". Tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập đồng thời cũng là CEO của Công ty thám hiểm không gian tư nhân Space X bày tỏ hy vọng sẽ đưa các phi hành gia lên sao Hỏa trong vòng 15 năm tới. Trong khi đó, công ty Mars One của Hà Lan lại mong muốn đưa con người chứ không phải chỉ là phi hành gia lên hành tinh Đỏ vào năm 2023.
Viễn cảnh con người khai phá hành tinh Đỏ
Tỷ phú Elon Musk cho biết, chương trình định cư trên sao Hỏa sẽ bắt đầu bằng việc phát triển một loại tàu vũ trụ sử dụng năng lượng khí oxy và metan dạng lỏng để đưa một nhóm khoảng chục người lên hành tinh Đỏ. Trong buổi nói chuyện tại Cơ quan vũ trụ Hoàng gia Anh ở London, tỷ phú Musk bày tỏ: "Trên sao Hỏa, bạn có thể bắt đầu một nền văn minh mới và phát triển nó thành một vùng rộng lớn, dần dần hành tinh này sẽ trở thành một hành tinh xanh, nơi con người có một sự sống mới". Ngoài những người tiên phong khai phá sao Hỏa thành nơi ở mới của con người, tàu vũ trụ cũng mang theo một lượng khổng lồ các thiết bị, bao gồm cả máy móc sản xuất phân bón, khí metan và oxy từ nitơ và CO2 có trong khí quyển của hành tinh Đỏ và bề mặt nước đá của hành tinh này. Ngoài ra, họ còn được trang bị vật liệu xây những tòa nhà mái vòm trong suốt có thể chịu được áp lực khí CO2 trong khí quyển của sao Hỏa. Bằng cách đó, người ta có thể trồng các loại cây trong kiến trúc vòm, tạo ra khí oxy cần thiết cho con người. Ngay khi con người trên sao Hỏa có thể tự cung cấp mọi thứ cho sự sống, tàu vũ trụ sẽ vận chuyển thêm nhiều người và giảm bớt lượng vật liệu.
Tỷ phú Musk cho biết, sứ mệnh đưa con người lên khai phá sao Hỏa sẽ sử dụng tàu vũ trụ dùng một lần, có khả năng tự hủy mà không ảnh hưởng đến môi trường, ít nhất trong chuyến bay đầu tiên. Ông cũng khẳng định sẽ không sử dụng tàu vũ trụ Dragon hiện đang được phát triển để đưa các nhà phi hành lên Trạm không gian quốc tế (ISS) và trở về Trái đất. Dự kiến, dự án đưa con người lên sao Hỏa khởi động khi dân số Trái đất đạt 8 tỷ người và khoảng 1/100.000 dân số hành tinh của chúng ta, tương đương 80.000 người sẽ được di cư lên hành tinh Đỏ. Giá vé của một chuyến bay lên sao Hỏa vào khoảng 500.000 USD/vé. "Giá vé cần vừa phải để phần lớn những người sống tại các quốc gia phát triển có thể mua được vào giữa những năm 2040. Mức giá này hoàn toàn phù hợp, nó chỉ tương đương với việc mua một ngôi nhà ở bang California của Mỹ", ông Musk giải thích. Với việc khai phá hành tinh Đỏ, ông Musk hy vọng con người sẽ có cuộc sống đảm bảo hơn và thoải mái hơn hiện tại.
Mầm mống hủy diệt đe dọa sao Hỏa?
Theo Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967, các quốc gia phải có trách nhiệm với các hoạt động liên hành tinh của các công ty tư nhân trong biên giới nước mình và có thể phải ra toà án quốc tế nếu bị cáo buộc làm ô nhiễm hành tinh khác. Với hiệp ước này, các chuyên gia vũ trụ bắt đầu cảnh báo, hàng nghìn tỷ vi khuẩn mà con người mang theo có thể đe dọa môi trường nguyên thủy trên hành tinh Đỏ. Một số lượng khổng lồ khoảng 100.000 tỷ vi khuẩn sẽ đồng hành cùng phi hành gia "đổ bộ" lên sao Hỏa là điều không thể tránh khỏi. Có những vi khuẩn là mầm mống giúp con người tiến hóa trong hàng ngàn năm qua từ việc tiêu hóa thức ăn đến bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công của các loại vi trùng lạ xâm nhập vào cơ thể.
Nhưng khi lên đến sao Hỏa, những loại vi khuẩn tốt này sẽ phản ứng ra sao với môi trường hoàn toàn mới và chúng có bị biến thể thành loại vi khuẩn có hại hay không? Chuyên gia Cynthia Phillips thuộc Viện Tìm kiếm trí tuệ ngoài Trái Đất (SETI) nhấn mạnh: "Chúng ta phải có trách nhiệm với sự sống trên hành tinh Đỏ. Việc khử trùng các phi hành gia là nhiệm vụ bất khả thi. Họ sẽ thải ra hàng nghìn vi khuẩn mỗi giây. Đó thực sự là một vấn đề lớn, những vi khuẩn này có thể hủy diệt sự sống trên sao Hỏa". Chuyên gia này nói thêm, trong khi những thiết bị máy móc hiện đại như tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đáp xuống bề mặt sao Hỏa hôm 15/8 vừa qua chỉ có thể khử trùng một cách tương đối để đảm bảo hạn chế khoảng trên 300.000 mầm vi khuẩn có thể lan truyền vào môi trường hành tinh Đỏ, thì sẽ không có cách nào để "tẩy sạch" hoàn toàn vi khuẩn có sẵn trên con người.
Tỷ phú Elon Musk với dự định đưa con người lên sao Hỏa
Mặc dù các nhà công ty tư nhân về vũ trụ đã lên sẵn lịch trình bay nhưng theo các nhà nghiên cứu, phải cần nhiều thập kỷ nữa con người mới có thể đặt chân lên sao Hoả. Tuy nhiên, các cơ quan nghiên cứu không gian vũ trụ cũng đã phải nghĩ đến biện pháp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm đối với môi trường hành tinh "sắp xanh" này. Thậm chí Uỷ ban về Nghiên cứu Không gian vũ trụ đã thiết lập một nghị định thư vào năm 2008 nhằm bảo vệ Trái Đất khỏi bất kỳ sự ô nhiễm nào từ sao Hỏa và ngược lại. Nghị định thư được đưa ra sau khi các công ty tư nhân hy vọng sẽ đưa con người lên sao Hỏa trong khoảng hai thập kỷ tới. Mọi dữ liệu tàu thăm dò Curiosity thu thập được về bề mặt sao Hỏa kết hợp với những khám phá bằng thiết bị máy móc trong tương lai sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về sự nhạy cảm của bề mặt hành tinh Đỏ trước khi đưa con người lên sinh sống và tìm ra cách ngăn chặn sự ô nhiễm từ vi khuẩn có hại do con người mang đến.
Theo nghiên cứu, khi các tàu không gian đáp xuống sao Hỏa, các loại vi khuẩn không hoàn toàn bị tiêu hủy bởi sức nóng hay các phóng xạ. Vì vậy vi khuẩn ngoài việc bắt nguồn từ cơ thể con người, chúng còn bám vào thành tàu không gian và xâm nhập vào môi trường hành tinh Đỏ. Ban đầu, các nhà khoa học nhận định, tầng khí quyển khá mỏng của sao Hỏa cho phép các bức xạ tử ngoại trong tàu không gian cực mạnh tiến đến bề mặt hành tinh này khiến cho bất kỳ sinh vật sống nào tiếp xúc với phi thuyền đều lập tức bị tiêu diệt. Trên thực tế, số lượng các phóng xạ cực tím trên sao Hỏa có thể tiêu diệt một số loài vi khuẩn chỉ trong 2 giây. Nhưng vẫn có những loại vi khuẩn có thể tồn tại được do có khả năng chịu đựng khá dai.
Hiện nay, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã kiểm nghiệm khả năng thích nghi của một chủng vi khuẩn đặc biệt là cyanobacterium - tảo xanh lam, vốn phát triển mạnh trong các sa mạc khô cằn từ Nam Cực cho đến Israel. Loài vi khuẩn có thể phục hồi hết sức nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu nhận thấy bào tử của vi khuẩn này hầu như chết sau năm phút chịu tia cực tím trên sao Hỏa. Tuy nhiên, vi khuẩn này lại có thể sống sót đến 24 giờ nếu chúng được bảo vệ bởi lớp đất chỉ 1mm. Điều này khiến họ vừa mừng vừa lo, mừng vì sao Hỏa thực sự có thể nuôi dưỡng sự sống và là nơi con người có thể tồn tại, lo bởi vi khuẩn cũng như con người, chúng sẽ sinh sôi và gây hại cho môi trường của hành tinh Đỏ. Hơn hết, các nhà nghiên cứu chưa xác định được mức độ chịu đựng của hành tinh này nếu một số lượng lớn vi khuẩn xâm nhập và tràn lan khắp hành tinh.
Vi khuẩn sao Hỏa "xâm chiếm" trái đất Mặc dù cho đến nay, vấn đề có hay không sự sống trên sao Hỏa vẫn còn đang được tranh cãi nhưng với nhiều nhà khoa học, sự tồn tại của một số loại virus, vi khuẩn đặc biệt trên sao Hỏa là hoàn toàn có thể khi người ta đã tìm thấy dấu vết của chúng ở một số tảng thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa. Các trận mưa thiên thạch xuống trái đất là điều kiện rõ nhất khiến trái đất đứng trước nguy cơ lây nhiễm các vi khuẩn lạ từ sao Hỏa. Do đó, một ủy ban kỳ lạ có tên Ủy ban quốc tế chống khứ hồi mẫu vật lây nhiễm (ICAMSR) đã được thành lập nhằm lý giải và nghiên cứu rõ ràng mọi dạng sinh vật sống trên sao Hỏa. ICAMSR cảnh báo, khi tàu không gian trở về trái đất, vi khuẩn sao Hỏa sẽ theo tàu và "xâm chiếm" và tàn phá hành tinh xanh của chúng ta. |