Thủ tướng: 5 bài học quý giúp Việt Nam thắng đại dịch
Việt Nam có những chủ trương mới mà thế giới chưa vận dụng để chiến đấu với dịch COVID-19. Đây chính là những chủ trương giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch.
Ngày 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương.
Thủ tướng nêu rõ đối với dịch COVID-19, chúng ta đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch và đã sớm kích hoạt hệ thống phòng bệnh quốc gia kịp thời, đưa ra giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực lực của đất nước. Những chủ trương mới mà thế giới chưa vận dụng được chúng ta đã triển khai như cách ly tập trung, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, phong tỏa khi cần thiết, phương châm bốn tại chỗ, xét nghiệm diện rộng khi cần thiết, đặc biệt là hệ thống chính trị vào cuộc với những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện.
TP.HCM đã quyết liệt thực hiện phong tỏa khu vực có người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: NT
Cuộc chiến chưa kết thúc, còn nhiều việc phải làm
“Sự vượt khó, nỗ lực của nhân dân, những tấm lòng hảo tâm, nhân ái trong xã hội - tất cả điều đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của một đất nước, một dân tộc để chúng ta vượt qua thách thức, giành thắng lợi trên các mặt trận, cả kinh tế và y tế” - Thủ tướng nói.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ cuộc chiến này chưa kết thúc và chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, cả nước không được chủ quan.
Đã chấn chỉnh để ngăn ngừa sốc phản vệ Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở y tế tiến hành tiêm vaccine COVID-19 phải vừa tiêm vừa theo dõi, đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn. Về trường hợp sốc phản vệ độ 3 là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới. Bộ trưởng NGUYỄN THANH LONG |
Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu lên năm bài học quý trong công tác chống dịch của Việt Nam: Thứ nhất là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là sự mẫn cán, trách nhiệm, tận tụy quên mình để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngành y tế, các lực lượng vũ trang.
Thứ hai, quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng hàng đầu đã tạo tiền đề cho mọi nỗ lực, đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội.
Thứ ba là xây dựng, vun đắp một tinh thần tự cường, tự chủ, nỗ lực vượt khó, đoàn kết một lòng trong phát triển ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể trong xã hội.
Thứ tư, chúng ta là một đất nước dân chủ, việc công khai, minh bạch trong phòng chống dịch bệnh, vai trò của công tác truyền thông trong cung cấp thông tin và tạo đồng thuận xã hội để người dân biết, kiểm tra, trao đổi, giám sát rất quan trọng.
Thứ năm là chú trọng vai trò hợp tác quốc tế, chủ động đưa ra các sáng kiến, tham gia có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, nâng uy tín và vị thế của Việt Nam.
Nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine”
Thủ tướng tiếp tục yêu cầu người dân vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
“Đây là một yêu cầu rất khó điều hành, xử lý. Chúng ta phải khéo léo, kịp thời. Khi khó khăn chúng ta bình tĩnh, khi có dịch bệnh thì chúng ta kiên quyết” - Thủ tướng nói.
Trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vaccine, tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.
“Tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tình hình dịch bệnh, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trên tinh thần “lúc khó thì bình tĩnh, lúc tốt không mất cảnh giác”” - Thủ tướng nói.
Riêng chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19, Thủ tướng đánh giá đây là quy mô tiêm chủng vaccine COVID-19 rất lớn nên một số ý kiến nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tiêm an toàn.
Đề cập vấn đề phản ứng sau tiêm vaccine AstraZeneca đang rất được người dân quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu cụ thể, đến cuối giờ chiều 16-3, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có năm người phản vệ độ 2 và một trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khỏe.
Việt Nam chưa có trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi: “Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vaccine COVID-19”. |
Nguồn: [Link nguồn]