Thứ trưởng Bộ Y tế: Nghiên cứu để ứng phó với bệnh nhân Covid-19 tái nhiễm

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đến giờ, rất nhiều người tiêm đủ liều vẫn nhiễm Covid-19, như vậy vẫn chưa đạt được hiệu quả bảo vệ.

Dù tỷ lệ tiêm phòng vaccine đạt ngưỡng cao, song Việt Nam hiện đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 hơn 100 nghìn mỗi ngày.

Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề khi nào thì được coi là đạt miễn dịch cộng đồng, cũng như ứng phó của ngành Y tế trước việc ca nghiễm vẫn không ngừng tăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Xin ông cho biết, để đạt miễn dịch cộng đồng thì cần tiêu chí gì và Việt Nam hiện đã đạt được điều đó hay chưa?

Tính theo tỷ lệ phủ vaccine phòng Covid-19, hiện nay Việt Nam đã có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu đúng theo miễn dịch cộng đồng thì phải đủ khả năng bảo vệ của cơ thể khi có sự xâm nhập của virus. Nhưng đến giờ, rất nhiều người tiêm đủ liều vẫn nhiễm Covid-19, như vậy vẫn chưa đạt được hiệu quả bảo vệ.

Nếu các chủng virus trước đây, khi đã được tiêm vaccine thì sẽ không có khả năng bị tái nhiễm, ví dụ như bại liệt, ho gà, bạch hầu… Nhưng với chủng virus SARS-CoV-2 (biến chủng Omicron) này, dù tiêm vaccine rồi vẫn có thể bị nhiễm.

Mặc dù vậy, phải khẳng định nếu tiêm vaccine thì tỷ lệ nhập viện, bệnh nặng cũng như tử vong cũng vẫn khống chế được. Đây là một ưu điểm cần cân nhắc trong thời điểm biến chủng Omicron vẫn đang hoành hành hiện nay.

Số ca mắc tăng cho thấy biến chủng Omicron tạo lên làn sóng mới. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, với đặc tính lây lan nhanh và nhẹ hơn so với biến chủng trước, vậy liệu điều đó có tạo nên miễn dịch cộng đồng không, thưa ông?

Với virus SARS-CoV-2 này, miễn dịch tự nhiên có nhưng khác với các chủng khác là không bền vững.

Cho nên việc tiêm chủng để củng cố lại sau đáp ứng miễn dịch tự nhiên bằng miễn dịch chủ động bằng vaccine là cần thiết để đạt hiệu quả bảo vệ.

Với sự xuất hiện phổ biến của biến chủng Omicron, hiện tượng tái nhiễm khá nhiều, kể cả với những người đã tiêm đủ 3 mũi. Vậy nên nhìn nhận thế nào về ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vaccine?

Theo đánh giá của các nhà khoa học và tổ chức Y tế thế giới - WHO thì vaccine vẫn được coi là biện pháp cơ bản tạo miễn dịch cộng đồng, mặc dù với biến chủng Omicron gặp nhiều trường hợp tái nhiễm dù tiêm đủ 3 mũi.

Mới đây, Bộ Y tế đã họp để chuẩn bị cho một nghiên cứu nhanh đánh giá về đối tượng nguy cơ, đối tượng nhiễm lại để xem khả năng đáp ứng miễn dịch của họ như thế nào.

Và trên cơ sở đó để có đề xuất liệu có nên tiêm tăng cường mũi nhắc lại thứ 2 (hay còn gọi mũi 4).

Để quyết định điều này phải dựa trên cơ sở khoa học của các chuyên gia từ WHO và hiện họ đang khuyến cáo Việt Nam nên có một nghiên cứu riêng để vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của mình, vừa củng cố thêm kho tàng dữ liệu của thế giới.

Vì thế Việt Nam cũng đã đề nghị hỗ trợ để tiến hành nghiên cứu và sau khi nghiên cứu xong sẽ có quyết định có tiêm mũi thứ 4 hay không, đặc biệt với các đối tượng nguy cơ cao có bệnh nền, có bệnh lý suy giảm miễn dịch và người cao tuổi.

Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Vậy, với tình hình dịch phức tạp như hiện nay, giải pháp, chính sách chống dịch liệu có thay đổi gì so với trước? Hệ thống y tế của chúng ta sẽ thế nào nếu các ca nhiễm vẫn không ngừng tăng?

Hệ thống y tế hiện vẫn tiếp tục củng cố để đáp ứng việc điều trị, nhằm mục tiêu hạn chế số nhập viện, nặng và tử vong.

Và hiện nay, nếu nói coi Covid-19 như cúm mùa, không cần điều trị gì là không thể được.

Trong lúc chờ đợi những điều chỉnh về chính sách, hệ thống y tế vẫn căng mình tiêm chủng, tăng cường các bệnh viện điều trị Covid-19…

Trong thời gian tới sẽ có nhiều khuynh hướng.

Thứ nhất, có thể giảm cấp độ dịch theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng những điều chỉnh này cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học và thực tiễn, không thể nhìn qua sơ lược tình hình dịch mà đưa ra quyết định ngay được.

Cho nên hiện ngành Y tế vẫn đang theo dõi, chuẩn bị những dữ liệu cần thiết.

Thứ hai là đánh giá miễn dịch cộng đồng.

Thứ ba, với đối tượng chưa được tiêm chủng vẫn cần tiếp cận với những loại vaccine có thể tiêm chủng được nhất là với các em nhỏ từ 5 - 11 tuổi…

Cảm ơn ông!

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu lý do phải đếm số ca mắc COVID-19 mỗi ngày

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lý giải vì sao phải công bố số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong tình hịch dịch bệnh hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Vũ ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN