Thôn "thần chết" 41 năm gần 60 người bỏ mạng vì bom

Người ta gọi đó là thôn "thần chết", chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1km2, tính từ sau 1975, thôn này đã có gần 60 chết, 45 người bị thương vì bom mìn.

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ nhưng đâu đó trên mảnh đất hình chữ S vẫn còn những chết chóc, thương vong vì bom đạn.

Sau chiến tranh, thôn 6B, xã Hải Thái, Gio Linh, Quảng Trị được coi là nơi nhiều bom nhất Việt Nam vẫn còn những tiếng nổ chát chúa đưa đến đau thương cho con người.

Hơn 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, trong từng thước đất thửa ruộng, mảnh vườn hay dưới cả những nếp nhà nào cũng ẩn chứa bom mìn chưa nổ.

Trưởng thôn Hoàng Văn Tùng bảo ở dưới những rặng cao su, dưới những trạt hoa sim tím ngắt bên hai bên vệ con đường đất đỏ kia còn bom mìn.

“Bộ đội đào lên nhiều lắm rồi. Nhưng không ai dám chắc còn nữa không. Bom mìn nhiều lắm. Như khoai”, trưởng thôn nói.

Thôn "thần chết" 41 năm gần 60 người bỏ mạng vì bom - 1

Bom vùi dưới lòng đất

Cũng đúng thôi bởi thời chiến những quả đồi xung quanh thôn 6B là các căn cứ quân sự nổi tiếng của lính Mỹ như Cồn Tiên, đồi C2, đồi Máu, đồi Cù Đinh. Mỹ tập trung ở đây lực lượng lớn quân cùng đạn dược nhằm cắt đứt đường tiến vào Nam của bộ đội miền Bắc, đồng thời chi viện cho căn cứ chiến lược Khe Sanh (Quảng Trị).

Một thống kê đáng buồn rằng có đến 70% người dân 6B từng đào bom, gỡ đạn. Một nghề kiếm cơm đích thực. Những cục sắt kia đong gạo cho bà con, nhưng cũng lấy mạng nhiều người.

Có quãng thời gian, 6B hầu như năm nào cũng có người chết. Có nhà mất 3 anh em vì bom đạn. Người chết rải rác, bị cụt tay, cụt chân rất nhiều. 6B có vài chục hộ nhưng có đến 18 hộ là nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh.

Thôn "thần chết" 41 năm gần 60 người bỏ mạng vì bom - 2

Bom đạn lấy đi đôi mắt anh Lâm

Một năm, ông Nguyễn Xảo 3 lần cúng giỗ cho 3 người con. Con ông Xảo mất vào 3 ngày khác nhau nhưng đều vì bom đạn.

Hàng xóm ông Xảo là Trần Nậy còn đau đớn hơn. Ông Nậy kể: “Thằng con đầu tiên của tôi chết năm 1988, mới được 15 tuổi. Hôm đó nó vác cuốc xẻng cùng thằng anh cả lên Cồn Tiên đào bom. Nó đào được quả DKZ, loại này có gắn một đoạn bạc ở chóp đầu. Nó dùng cuốc gõ vào bom để gỡ ra. Bom nổ làm thằng em chết, thằng anh đứng bên miệng hố nhìn sang thì bị mảnh găm trúng bụng làm đứt nhiều khúc ruột. Năm 1990, thằng anh cả chết trong lúc cố gắng tháo ngòi nổ một quả đạn pháo. Cách đó 5 ngày, bố vợ nó từ dưới Vĩnh Linh lên Cồn Tiên cắt tranh, dẫm phải mìn nổ bay mất xác”.

Đau đớn chưa rời bỏ gia đình ông khi năm 1991, người con thứ ba tên Trần Quốc Sự (17 tuổi) cũng lìa đời sau tiếng nổ long trời từ quả đạn cối. Ba cái chết trẻ thương tâm thức tỉnh ông bỏ hẳn nghề tháo bom đạn.

Anh Phan Lâm năm nay đã ngoài 50 tuổi, hơn nửa cuộc đời phải sống trong bóng tối. Thuốc nổ đã cướp đi đôi mắt của anh từ thuở mới đôi mươi.

Anh Lâm kể: “Hồi đó, tôi theo chân các thanh niên trong xã đi tháo đạn lấy thuốc nổ bán. Không may, trong một lần tháo đầu nổ, quả đạn pháo đã phát nổ. Hai người trực tiếp tháo đã chết. Tôi đứng sau, bị hỏng mắt”.

Về sau, anh Lâm đã kết hôn với chị Nguyễn Thị Sáng, người cùng xã và bị cụt tay cũng do mìn trong một lần đi làm nương. Hai mảnh đời éo le gặp nhau và họ quyết tâm vượt lên số phận.

Nơi được coi như mảnh đất chết này sự sống vẫn nẩy sinh. Hy vọng, thôn 6B và hàng trăm hàng nghìn thôn làng trên khắp mọi miền đất nước, bom mìn rơi vãi của chiến tranh không còn làm nước mắt rơi thêm lần nào nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Báo Gia đình & xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN