"Bom nổ chậm" bủa vây khu dân cư
Những vựa phế liệu chất hàng cao đến nóc, từ trong nhà ra lề đường với đủ các loại ve chai, bình hàn khí đá, bình gas cũ, phế liệu chiến tranh khiến những người dân sống kế bên nơm nớp lo sợ. Sau vụ nổ gây thiệt hại nghiêm trọng tại khu đô thị mới Văn Phú (Hà Nội), các cửa hàng, xưởng tái chế phế liệu ở nhiều địa phương tiếp tục hoạt động nhộn nhịp như không có chuyện gì xảy ra.
Bủa vây khu dân cư
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hai ngày sau vụ nổ gây nhiều thương vong, gần 10 cửa hàng cơ khí, mua bán phế liệu sắt thép tại Khu đô thị Văn Phú vẫn mở cửa hoạt động nhộn nhịp như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bên trong các cửa hàng này, máy cắt hàn, vòi khò sắt thép hoạt động và xả khói ra ngoài đen kịt.
“Lâu nay các dãy nhà liền kề bỏ không và cho thuê kinh doanh thiếu kiểm soát đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Cùng với khoan cắt, hàn xì ồn ào, khói bụi từ các xưởng này làm cho không khí khu chung cư ô nhiễm nặng. Với vụ nổ gây thiệt hại nghiêm trọng vừa qua, chúng tôi mong các cơ quan có trách nhiệm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục”, ông Nguyễn Đình Tư, người dân ở tòa nhà Victoria, khu đô thị Văn Phú nói.
Tình trạng khu biệt thự, nhà liền kề bỏ không và cho thuê thiếu kiểm soát cũng xảy ra với nhiều khu chung cư lớn trên địa bàn Hà Nội, trong đó có các khu đô thị Xa La, Đại Thanh, Linh Đàm, Đại Kim… Tại chung cư Đại Thanh, án ngữ cổng ra vào phía Nam là một kho thu mua, tái chế phế liệu hoạt động từ sáng đến tối. Bên trong các khu nhà liền kề của chung cư Đại Thanh cũng có nhiều căn hộ cho thuê buôn bán gas, khí đốt. Tại căn hộ số 43, khu liền kề 5 còn buôn bán hóa chất… Với các khu vực đông dân cư như Phùng Khoang, Triều Khúc, Đa Sỹ, Đại Từ, Vĩnh Tuy… không chỉ thu mua phế liệu, các xưởng cắt xẻ, tái chế sắt, đồng nát cũng mọc lên với số lượng nhiều.
Điểm thu mua sắt vụn nằm trước cổng ra vào chung cư Đại Thanh. Ảnh: Anh Trọng
Tại TPHCM, khoảng trưa 21/3, vựa thu mua phế liệu trên đường Công Chúa Ngọc Hân (phường 13, quận 11) ồn ào với những tiếng búa đập, máy dập phế liệu chát chúa. Gần chục người thu gom ve chai, phế liệu đến bán cho cơ sở này hàng chồng bao tải đựng đủ loại phế liệu chất kín từ trong nhà ra tận đường.
Theo ghi nhận của PV, vựa phế liệu, có mặt tiền nằm trên con đường Công Chúa Ngọc Hân, xung quanh là quán cơm, quán cà phê và nhà ở của người dân, chất đống các loại bao tải lớn, chỉ còn chừa lại lối đi chưa đầy một mét. Mùi dầu nhớt từ máy móc cũ bốc lên nồng nặc. Những bình gas cũ, bình oxy, bình chữa cháy nằm lăn lóc khắp nơi. Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận 11) bán nước đối diện vựa này cho biết, mỗi ngày có hàng chục người thu mua phế liệu về nhập cho cơ sở này. Mỗi khi có món hàng gì cần tháo như bình gas, bình hàn khí đá đều được nhân viên mang ra trước cửa để cắt: “Lâu lâu họ lại mang mấy bình giống như bình gas, bình khí đá ra sát lề đường cắt thành từng mảnh, nghĩ mấy thứ đó là sắt vụn nên chắc không sao”, chị Mai nói.
Tập trung nhiều vựa ve chai lớn hơn là khu vực cuối con đường Chu Văn An thuộc phường 26, quận Bình Thạnh. Đoạn đường chỉ hơn 100m nhưng có đến 4 điểm thu mua ve chai nằm đan xen với nhà dân, quán ăn. Nhà nằm giữa hai vựa phế liệu lớn suốt ngày phải nghe tiếng búa, tiếng máy cắt sắt, dập lon hoạt động và nơm nớp lo sợ hỏa hoạn, anh N.T.V (36 tuổi) cho biết, các cơ sở này hoạt động thâu đêm, suốt ngày. Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào. “Những bao tải chứa lon nước ngọt, vỏ chai nhựa rồi bìa các tông chất cao hơn 3m, sâu vào trong nhà. Trời nắng nóng thế này mà họ cứ mang máy ra cắt sắt, tia lửa bắn tung tóe không biết gây họa khi nào”, anh V. cho biết.
Theo lời một chủ vựa phế liệu, ngôi nhà dùng để chứa hàng được ông thuê lại của người khác. Gọi là phế liệu nên hầu như món gì ông cũng thu mua từ những người đi mua ve chai dạo trừ các loại đạn, bom thì ông không mua và không dám tháo vì sợ nổ. Khi được hỏi về việc có phải xin phép gì hay không thì chủ vựa này lắc đầu. Bảo làm ăn nhỏ nên không xin phép, chỉ lâu lâu có người ở phường xuống nhắc nhở nên thu gom gọn gàng, không để lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trịnh Xuân Hoàn, Trưởng công an phường Phú La cho biết, ngoài trường hợp của nạn nhân Cường, tại Khu đô thị Văn Phú còn có một cơ sở nữa cũng chuyên thu mua phế liệu. Công an địa phương cũng thường xuyên kiểm tra.
Hàng năm, 2 cơ sở này đều đăng ký với chính quyền địa phương, thậm chí ký cam kết không tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Đã có một số lần, các cơ sở này mang nộp cả một số loại vũ khí thô sơ trong quá trình thu mua được nhưng chưa thấy có trường hợp nào mang các vật liệu nổ như các loại bom, đạn đến nộp cho cơ quan công an. Khi được hỏi về trách nhiệm của cơ quan công an, bài học kinh nghiệm rút ra sau vụ việc này, ông Hoàn từ chối trả lời và mời phóng viên liên hệ với công an quận Hà Đông để có câu trả lời.
Liên quan đến vật liệu gây nổ hôm 19/3 làm gần 10 người thương vong ở Khu đô thị Văn Phú, thượng tá Nguyễn Viết Nội, Phó trưởng phòng Giám định kỹ thuật pháp lý, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cho rằng, các phế liệu hầu như đã hoen gỉ hết, không còn nguyên hình thù ban đầu. Người dân lại không hiểu biết gì về bom, mìn. Kể cả công an được học, được đào tạo bài bản nhưng nhìn vật liệu hoen gỉ bên ngoài cũng khó phân biệt đấy là vật gì vì bom, mìn muôn hình muôn vẻ.
Cũng theo thượng tá Nội, người dân thấy vật liệu gì nghi ngờ bom, mìn thì không được cưa, cắt, đập. “Các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, các tỉnh phía Nam thương vong do phá bom, mìn rất nhiều. Chẳng hạn ở Tiền Giang có cả một lò cố tình mua bom về để cưa, gây nổ chết người”- thượng tá Nội cho biết.
Về phần mình, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong thiết kế cũng như phê duyệt chức năng các tòa nhà chung cư, khu biệt thự, nhà liền kề đều ghi rõ, xây dựng là để ở. Theo ông Trung, khi sản phẩm (từng căn hộ) đã bàn giao cho người mua thì việc sử dụng hay cho thuê thì với trách nhiệm quản lý địa bàn của mình chính quyền địa phương, đặc biệt là cảnh sát khu vực phải nắm bắt, theo dõi được. Nếu biết việc sử dụng các căn hộ trên gây nguy hiểm cho cộng đồng thì cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương phải biết và xử lý.
Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, đang giao cho công an kiểm tra, rà soát những khu vực, khu chung cư có nhà cho thuê kinh doanh cơ khí, thu mua, tái chế phế liệu để lên danh sách xử lý.
Hai nạn nhân bị nặng nhất sau vụ nổ đang điều trị tại bệnh viện Quân y 103, là Nguyễn Thị Lệ (23 tuổi, Thanh Thủy, Thanh Oai, Hà Nội) và Đặng Cao Thủy (32 tuổi, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội). Theo các bác sĩ khoa Điều trị tích cực, hiện bệnh nhân Thủy vẫn đang trong tình trạng hết sức nguy kịch, mạch nhanh, phải thở máy, phải theo dõi trước khi phẫu thuật. Còn chị Lệ đến ngày 21/3 đã được mở khí quản và tiếp tục điều trị tích cực do não vẫn bị phù, sốt cao, mạch nhanh. |