Thiết bị nào khai thác được thông tin tích hợp trên thẻ căn cước?

Thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trên thẻ căn cước sẽ do Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, sử dụng phần mềm chuyên dụng...

Tại báo cáo gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước, Chính phủ đã làm rõ về quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Đây là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá thêm.

Về vấn đề này, Chính phủ cho biết tại Điều 23 dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước.

Thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước.

Thẻ căn cước sẽ được tích hợp nhiều thông tin, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Minh Phong

Thẻ căn cước sẽ được tích hợp nhiều thông tin, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Minh Phong

Qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...

Việc tích hợp thông tin, theo Chính phủ được thực hiện bằng 2 biện pháp kỹ thuật. Thứ nhất, nạp thông tin tích hợp vào chíp, mã QR code trên thẻ căn cước khi người dân thực hiện thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (không tốn chi phí việc tích hợp). Thứ hai, nạp thông tin tích hợp vào căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID); việc tích hợp này được thực hiện trực tuyến, không tốn chi phí.

Cũng theo Chính phủ, việc khai thác thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được thực hiện bằng các phương thức sau: Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước; Sử dụng thông tin trên thẻ căn cước để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua thiết bị chuyên dụng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có căn cước điện tử.

Chính phủ cho biết việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.

"Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý"- báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ khẳng định thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và lưu trữ trong thẻ căn cước là thông tin cần bảo vệ. Theo đó, Luật Căn cước đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, chặt chẽ và an toàn.

Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chip. Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được bảo đảm đủ các điều kiện kỹ thuật, chỉ có thiết bị chuyên dụng đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mới có thể khai thác được thông tin tích hợp trong thẻ căn cước (thiết bị sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã số riêng, truy nguyên được chủ thể sử dụng).

Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được người dân đó đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng di động VNeID (người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID).

Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước nếu bị người khác sử dụng thẻ căn cước trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp trong chíp khi cần phải được chủ thẻ xác nhận trên thiết bị chuyên dụng hoặc ứng dụng VNeID.

Về lợi ích đem lại cho cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ cho biết hiện nay thẻ căn cước gắn chip đã được sử dụng trong đăng ký khám, chữa bệnh theo thẻ Bảo hiểm y tế. Bộ Công an cũng đang triển khai các thiết bị đầu đọc mã Qrcode trên thẻ căn cước phục vụ các điểm đón tiếp người dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu ở một số địa phương. Qua triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả tốt, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan, tổ chức.

Việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp đã được tích hợp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân...

Đối với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, khi các thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước, Chính phủ đánh giá sẽ không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính như bưu chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau...

Đồng thời, không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân.

Trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước thì có thể lựa chọn các cách thức khác để khai thác thông tin của người dân kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công...

Về cơ bản hiện nay, Bộ Công an đã bảo đảm các yêu cầu để thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa số liệu, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để phục vụ việc tích hợp thông tin; đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống, mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu công tác, đáp ứng việc chuyển đổi số ở bộ, ngành, địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Đổi thẻ “căn cước công dân” thành thẻ ”căn cước” không tác động chi phí của xã hội

Dự thảo Luật Căn cước sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thẻ căn cước công dân gắn chip Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN