Theo dấu chân đàn voọc quý hiếm

Một đàn voọc xám Đông Dương lớn nhất từ trước đến nay vừa được phát hiện tại Thanh Hóa. Trong khi đó, ở Gia Lai và Kon Tum, hàng trăm con voọc chà vá chân xám cũng vừa được tìm thấy.

 

Theo dấu chân đàn voọc quý hiếm - 1

Voọc xám Đông Dương được phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: TUẤN MINH

Lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết nơi đây đang có 7 đàn voọc xám Đông Dương sinh sống với hơn 200 con. Đây là loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Hơn 2 năm điều tra

Theo ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên, trong quá trình điều tra, lập danh mục hệ động, thực vật tại vườn, cán bộ nơi đây cùng các nhà khoa học phát hiện hàng trăm loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ, trong đó có voọc xám Đông Dương.

Sự tồn tại của voọc xám Đông Dương trong Khu BTTN Xuân Liên đã được ghi nhận từ những năm 1998 nhưng chưa có các nghiên cứu chi tiết về quần thể và vùng cư trú của loài này, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Để đánh giá được số lượng chính xác, nơi sinh sống của loài này, các cán bộ khu bảo tồn đã đến những nơi từng ghi nhận có voọc xám Đông Dương tìm thêm tư liệu từ người dân và kiểm lâm trên địa bàn. Từ đó, các cán bộ hình dung được các khu vực phân bố và các sinh cảnh rừng mà đàn voọc thường hoạt động.

“Từ năm 2013-2015, chúng tôi đã thiết lập 20 tuyến điều tra với tổng chiều dài khoảng 200 km. Các tuyến có khả năng gặp voọc được khảo sát 3-4 lần. Khi gặp được đàn voọc, phải đếm số cá thể nhìn thấy được và ước tính số cá thể của cả đàn, ghi nhận tọa độ rồi chụp ảnh, quay video để kiểm tra lại” - ông Hải nhớ lại.

Sau 2 năm điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được 7 đàn với khoảng 200 con voọc sinh sống tại 8 tiểu khu xa dân cư thuộc 2 xã Bát Mọt và Yên Nhân, huyện Thường Xuân. “Những đàn voọc quý được tìm thấy chủ yếu sống ở vùng núi cao và hiểm trở, nơi con người ít đặt chân đến. Đây cũng là những khu vực giáp với Khu BTTN Pù Hoạt (Nghệ An) Nậm Xam (tỉnh Hủa Phăn - Lào), tạo một khu động, thực vật rộng lớn trên 160.000 ha, giúp cho nhiều loài động vật nguy cấp có không gian phát triển phong phú, đa dạng” - ông Hải nhận xét.

Hiếm khi bắt gặp

Thêm một tin vui khác: Qua điều tra, các nhà khoa học cũng vừa phát hiện nhiều đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm tại các Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) và Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum).

Một trong những người say mê với loài voọc này là ông Nguyễn Ái Tâm, hội viên Hội Động vật Frankfurt (Đức), chuyên nghiên cứu, bảo tồn loài linh trưởng. Vừa qua, ông Tâm cùng đoàn cán bộ của VQG Kon Ka Kinh tổ chức chuyến truy tìm đàn voọc này. Theo chân đoàn khảo sát, chúng tôi đã vào lõi VQG để tìm voọc.

Sau nhiều giờ lội bộ đường rừng, đoàn khảo sát đã đến đỉnh Đá Trắng - nơi được ông Tâm cho biết loài voọc chà vá chân xám thường đến kiếm ăn. Ngoài khu vực này, loài voọc thường xuất hiện ở thác Hà Ngoi, thác Ba Tầng.

“Số lượng voọc ở khu vực này có khoảng 100 con. Cứ nhặt những chiếc lá non rụng xuống, nghe mùi nước tiểu còn đọng lại trên lá là đoán được chúng đã xuất hiện ở đây được bao lâu, di chuyển theo hướng nào. Khu rừng này hiện có khoảng 200 cá thể voọc chà vá chân xám, chia làm nhiều đàn” - ông Tâm khẳng định.

Theo ông Tâm, voọc sống theo đàn ít nhất 3-5 con, có đàn lên tới khoảng 100 con. Thức ăn chủ yếu của chúng là lá cây non và các loại quả. Tuổi thọ của loài voọc chỉ khoảng 20 năm, mỗi con trưởng thành nặng 12-15 kg. Đặc biệt, trong suốt cả cuộc đời, vọoc chỉ sinh sản được 2 lần.

Xế chiều, đến được đỉnh thác Hà Ngoi, cao 1.411 m so với mực nước biển thì cả đoàn đã thấm mệt. Bất ngờ tại nơi đây, cả đoàn phát hiện đàn voọc chà vá chân xám có đến 8 con đang chuyền cành ăn lá non ở sát vách núi. Ông Tâm cho biết chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam, nằm trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp của thế giới cần được bảo vệ. Loài voọc này chỉ có mặt ở 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai và Bình Định.

Anh Ngô Đức Hiển, một người thường xuyên đi cùng các đoàn nghiên cứu về voọc tại VQG Kon Ka Kinh, cho biết trước đây, voọc chà vá chân xám rất dễ kiếm. Tuy nhiên, trước sự tấn công của con người, giờ phải khó khăn lắm mới bắt gặp được những đàn voọc quý này.

Mối lo từ nạn săn bắt, phá rừng

Theo ông Mai Văn Chuyên, Trưởng phòng Bảo tồn - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, duy trì và bảo vệ loài voọc xám Đông Dương sinh sôi phát triển trong tự nhiên là một bài toán nan giải. Ngoài công tác bảo vệ, ngăn chặn nạn săn bắn, phá rừng, cần phải nắm chắc số lượng đàn, cá thể, cấu trúc đàn, tập tính sống của voọc, qua đó theo dõi chặt chẽ biến động của đàn theo định kỳ để có những biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất.

Ông Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cho biết công việc chính nơi đây chủ yếu là bảo vệ, cứu hộ khi phát hiện có voọc gặp nạn. “Công tác bảo vệ rất chặt chẽ, lập các chốt bảo vệ ngay tại rừng để ngăn cấm săn bắt loài voọc này cũng như nhiều loài động vật khác” - ông Thủy nói.

Quần thể voọc xám Đông Dương lớn nhất

Tại Việt Nam, voọc xám Đông Dương phân bố ở 11 tỉnh, gồm: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thế nhưng, với tình trạng săn bắt động vật hoang dã chưa được kiểm soát và việc mất rừng trên diện rộng trong các thập kỷ gần đây đã làm cho đàn voọc không còn tồn tại ở nhiều khu vực.

Gần đây nhất, vào năm 2008, tại khu bảo tồn Mù Cang Chải (Yên Bái) và khu rừng lân cận thuộc huyện Mường La (Sơn La), các nhà khoa học đã ghi nhận được 12 đàn với tổng số ước tính khoảng 50-80 con. Đàn voọc xám Đông Dương mới được phát hiện ở Khu BTTN Xuân Liên được xem là quần thể voọc xám lớn nhất ở nước ta hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Minh - Hoàng Thanh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN