Người thu phục sát thủ săn voọc quý

Anh Tú khoe năm rồi thu nạp được một tay săn voọc khét tiếng, cảm hóa thành người bảo vệ loài thú quý hiếm này.

Bữa cơm tất niên ở nhà anh Nguyễn Thanh Tú (Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) bên núi Thiết Sơn lạnh cóng, hơi lèn phả ra đến tê người. Anh Tú là lính biên phòng về hưu, mỗi ngày tình nguyện vào rừng bảo vệ voọc gáy trắng.

Thu phục sát thủ

Anh Tú chỉ tay giới thiệu với chúng tôi về người bên cạnh, Nguyễn Văn Hồng ở làng Còi, xã Đồng Hóa. “Hồng vốn là thợ săn điêu luyện, hắn đặt bẫy ở mô là đàn voọc quý sa lưới ngay. Trong vùng, từ nhỏ đến lớn hắn giết hại không biết bao nhiêu con thú hiếm được đưa vào sách đỏ này. Tui nói với Hồng: “Em đang trẻ mà sát sinh như thế nên tội với rừng. Nhà có đến năm đứa con, phải làm răng cho chúng hiểu bọ (ba) là người sống có nghĩa không chỉ với bà con mà còn với động vật hoang dã ở đây”. Hồng ngộ ra mà bỏ thói săn voọc tàn nhẫn” - anh Tú nói.

Trong bữa cơm giữa núi rừng mùa tết, Hồng kể: “Tui là kẻ săn sừng sỏ từ lúc 16 tuổi, chừ cũng đã gần 50 tuổi rồi, nghe anh Tú nói về loài thú quý này tui mới biết trên thế giới chúng chỉ còn ở Quảng Bình là nhiều nhất. Anh Tú nói rằng voọc quý là linh hồn núi rừng ở đây, tui mà không bỏ thì khó mà sống được với đời để bà con, chòm xóm tin yêu. Rứa là tui nhờ anh Tú dẫn dắt đọc tài liệuˮ.

Nói đoạn, Hồng nhìn vào góc núi xa xa như tự vấn: “Ngày trước chưa cấm pháo, chỉ cần đưa băng pháo vào đúng nơi chúng trú ngụ, đốt lên, pháo nổ, cả bầy mấy chục con run chạy rơi vô bẫy là bắt thôi. Nhờ anh Tú cảm hóa mà tui hiểu làm rứa thiệt ác. Thấy chúng là con vật còn lo cho nhau, đằng này mình con người mà đi tàn sát, lại săn loài quý hiếm có ngày đi tù như chơi. Nghĩ rứa mà phải theo anh Tú bảo vệ chúng”.

Người thu phục sát thủ săn voọc quý - 1

Đàn voọc ở sau lưng nhà Nguyễn Văn Hồng. Ảnh: MINH QUÊ. 

Người thu phục sát thủ săn voọc quý - 2

Anh Tú dùng ống nhòm cùng Nguyễn Văn Hồng quan sát bảo vệ voọc. Ảnh: MINH QUÊ

Đoạn tuyệt con đường ác

Từ cuối năm 2014, Hồng không còn là kẻ đi săn trộm loài voọc quý. Giới nhà hàng, quán xá bán đồ rừng tiu nghỉu vì không còn mối nhập hàng tốt như Hồng. Đám săn trộm của các xã lân cận thất vọng. Bữa rượu nào họ mời mọc, rủ rê Hồng quay lại với nghề làm bẫy, anh cũng nhất quyết không. Cuối năm 2015, một thợ săn hành nghề ở Lào về quê ăn tết tại Đồng Hóa vào rừng đặt bẫy, Hồng phát hiện báo công an và buộc tay thợ săn đó phải đi gỡ bẫy trên núi, xin lỗi dân làng cùng địa phương không tái phạm.

Từ ngày Hồng “gác kiếm” không là sát thủ voọc, đám thợ săn cũng không bén mảng với các đàn voọc ở Đồng Hóa, bởi dân trong nghề ai cũng kiêng nể Hồng. Hồng điểm mặt từng tên săn trộm và tuyên bố: “Đứa nào muốn đặt bẫy bắt voọc quý hiếm ở xã này thì phải bước qua xác thằng Hồng này. Tao đã rửa tay gác kiếm, quyết định bảo vệ chúng thì không được thợ săn mô vào Đồng Hóa mà đưa theo bẫy. Vô làng chơi, ghé nhà uống nước thằng Hồng mời, còn vô với mục đích tàn sát thú rừng thì không xong đâu”.

Bên trên gác nhà của gia đình Hồng là một khu rừng đầy ắp tiếng chim, đàn voọc 12 cá thể sau hiên nhà từ lúc không bị bắt đến nay đã sinh sôi ra nhiều con mới và chúng rất yên tâm trú ngụ ở đây. Không chỉ thế, gà rừng, chim cu gáy, nhiều loài lông vũ khác cũng sinh sôi dày đặc hơn trước. Người làng Còi nói có được điều đó là nhờ Hồng cả.

“Chừ nghĩ lại, mình phải chuộc lỗi với chúng để sau này con cái lớn lên còn nghĩ về bọ hắn mà có chút tự hào, chứ săn thú quý hiếm mãi thì chả ra gì. Tui tính rồi, chăn nuôi bò mỗi năm thu nhập rất tốt, còn đi săn bắt thú quý của rừng làng thì chả có gì hay ho mà còn nghèo rớt nữa” - Hồng nói như rút ruột, tỏ lòng sám hối khi năm mới sắp sang.

Giữ voọc xuyên tết

Tự nguyện giữ voọc và không có chút thù lao nào nhưng cuối năm anh Tú vẫn làm bữa cơm tất niên mời anh em tình nguyện đến nhà tỏ lòng ấm cúng. Chị Tâm - vợ anh Tú nói: “Anh em ở quê ai cũng khó khăn cả, gia đình có anh Tú hưởng lương hưu bộ đội biên phòng, bữa cơm cuối năm sum vầy đạm bạc nhưng là tụ lại tình cảm anh em chung lưng đấu cật mà bảo vệ đàn voọc quý cho thế hệ cháu con của làng”.

Ngồi với nhau bữa cuối năm, hỏi gia đình tết nhất thế nào, chị Tâm trả lời: “Vẫn như bình thường, ngày hai buổi anh Tú vào rừng giữ voọc, trưa về hương khói, chiều muộn đi thăm bà con chòm xóm, nội ngoại thì ở gần nên qua lại cũng nhanh, con cái lớn cả rồi cũng chả lo chi nhiều. Chừ lo cho đàn voọc thôi”.

Từ ngày còn ở đơn vị bộ đội biên phòng, mỗi bận cuối năm anh Tú đều xuyên tết với đàn voọc gáy trắng. Ba năm nay nghỉ hưu anh cũng xuyên tết như thế. Tết này anh vẫn lọc cọc chiếc xe máy cũ cùng cuốn ống nhòm đi đếm từng đàn một.

Chúng tôi theo chân anh Tú cả năm nay, đàn nào ở vị trí nào, ở ngọn núi nào anh đều biết khá tường, ngày nào có cá thể mới đều được anh hướng dẫn nhận biết. Tết năm nay chúng đông đúc hơn, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và ngày nào chúng tôi vào rừng cũng đều thấy chúng xuất hiện.

___________________________________

Khi Nguyễn Văn Hồng gác kiếm thì voọc sinh sôi nhiều đàn, các ngọn núi đá vôi lân cận xuất hiện khá nhiều, với đà này thì tương lai chúng sẽ như vườn thú chứ không phải chuyện chơi. Cả Nguyễn Thanh Tú và Hồng đều có công lớn.

Kiểm lâm viên HOÀNG MINH HUỆ, phụ trách địa bàn

Nhờ công sức anh Tú, anh Hồng, anh Sử, anh Năm... mà đàn voọc bây giờ đông đúc hơn, dạn dĩ hơn, khi chúng thấy nông dân đi làm rẫy đã không bỏ chạy như trước. Tui đi xe máy gặp voọc chạy rào rào qua đường để kiếm ăn cả đàn, suýt nữa bị tai nạn, tui phải dừng xe khẩn cấp nhường cho chúng đi qua. Chỉ hành động nhỏ như thế thôi mà cũng ấm lòng huống chi anh Tú bỏ thời gian quanh năm canh giữ chúng, thiệt đáng phục!

Ông CHIẾN, người dân ở làng Thiết Sơn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quê (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN