Theo chân thợ gác kèo ong ở 'vùng đất cuối trời’

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa công nhận xác lập kỷ lục đối với tổ ong mật lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong ở Cà Mau. Nhân sự kiện này, phóng viên có dịp theo chân 'thợ săn' ong mật để tìm hiểu công việc gác kèo, cách lấy ong… cái nghề cha truyền con nối ở “vùng đất cuối trời”.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) có diện tích hơn 8.000ha với nhiều loài động thực vật phong phú và đa dạng. Đặc biệt là cây tràm, loài cây phổ biến của rừng có hoa thơm bát ngát và sinh ra nguồn mật dồi dào thu hút loài ong hội tụ về hút mật và xây tổ. Với điều kiện lý tưởng đó dần dần hình thành nên nhiều tổ ong tự nhiên ở rừng U Minh Hạ.

Người dân U Minh đặc biệt có nghề truyền thống là đi “ăn ong” hay còn gọi là gác kèo ong. Lúc đầu, người dân chỉ biết lấy mật ong từ những tổ ong đã làm tổ sẵn trong trong thiên nhiên, nghĩa là ong tự đóng tổ rồi con người tìm đến để lấy mật mang về. Lâu dần, bằng những kinh nghiệm dân gian, người dân để ý thấy ong thường làm tổ trên những cành cây và những chỗ có phần rậm rạp và họ nghĩ ra cách gác kèo để ong về xây tổ… rồi nghề gác kèo ong được ra đời và phổ biến khắp U Minh Hạ.

Hơn 20 năm “làm nhà” cho ong

Du khách trải nghiệm 'ăn ong' rừng U Minh Hạ.

Du khách trải nghiệm 'ăn ong' rừng U Minh Hạ.

Anh Phạm Duy Khanh - người làm du lịch tâm huyết với rừng tại điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt (huyện U Minh) cho biết, hàng năm, điểm du lịch rộng 60ha của anh có thể thu hoạch hàng ngàn tổ ong, phục vụ khoảng 300 đoàn khách tham quan du lịch trong năm.

Tổ ong được xác lập kỷ lục Việt Nam là tổ ong được lấy tại điểm du lịch của anh Khanh. Tổ ong nặng 43kg, dài 2,2m, rộng 1m, thu hoạch khoảng 15 lít mật.

Nhân sự kiện này, phóng viên có dịp theo chân anh Huỳnh Vũ Hoàng – (40 tuổi, ngụ huyện U Minh – cộng sự của anh Khanh) trải nghiệm ‘ăn ong’. Anh Hoàng là người có thâm niên trong lĩnh vực này, với 24 năm “làm nhà’ cho ong ở. Để chuẩn bị đi ‘ăn ong’, anh Hoàng mang theo dao, bó đuốc và không quên đội mũ lưới xuống tận cổ để bảo hộ, tránh trường hợp bị ong tấn công.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng với 24 năm gác kèo ong ở U Minh Hạ.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng với 24 năm gác kèo ong ở U Minh Hạ.

Theo chân thợ gác kèo ong ở 'vùng đất cuối trời’ - 3

Sau khi chuẩn bị xong, anh Hoàng chở xuồng máy đưa chúng tôi len lỏi vào khu rừng rộng 60ha, nơi có khoảng 600 kèo ong mà anh gác trước đó. Khi đến gần tổ ong dài cả mét, anh khẽ đưa đuốc cuốn bằng xơ dừa rồi quơ qua lại, khói toả ra nhưng không gây ngạt, vài con ong bắt đầu bay ra khỏi tổ. Vừa làm, anh vừa giải thích, ‘ăn ong’ phải đi vào sáng sớm là tốt nhất vì còn sương đọng trên lá, an toàn về phòng cháy chữa cháy và buổi sáng ong chưa hoạt động nhiều.

Chỉ mất vài phút, anh Hoàng cùng một người đi theo, phụ gỡ kèo ong xuống. Lúc này, mật ong đặc quánh, vàng óng, toả hương thơm ngào ngạt. Anh Hoàng kể: “Làm nghề này mà bị ong đánh là chuyện thường. Năm 15 tuổi, tôi đã theo cha đi ‘ăn ong’ và không ít lần đi bị ong đánh nên cũng sợ lắm, nhưng phải có bảo hộ cho an toàn”, anh Hoàng vui vẻ nói.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng thu hoạch mật ong.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng thu hoạch mật ong.

Anh Hoàng chia sẻ thêm, việc gác kèo ong là một nghệ thuật và người thợ phải vận dụng tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng để đẽo gọt cây kèo và chọn vị thế hợp lý (còn gọi là trảng) sao cho thu hút đàn ong về xây tổ. Đối với nghề gác kèo ong việc chọn trảng là vô cùng quan trọng. Kèo ong có thể được làm từ cây cau, cây bình bát… nhưng anh thường chọn cây bình bát, do cây nhanh khô, vỏ cây ít mủ nên tỷ lệ gác kèo thường đạt 40 – 50% so với các cây khác.

Nơi chọn trảng để gác kèo ong phải rộng, thoáng và và phải có ánh nắng len lỏi vào thân kèo. Ngoài ra, cây kèo không bị ẩm mốc. Vị trí đặt kèo trụ cao nhất cao khoảng 2,6m và trụ thấp nhất khoảng 1,4m (hướng kèo gác phải dóc) để có tỷ lệ mật được nhiều hơn, nếu gác kèo ngang thì mật đạt không cao. Thời gian ong xây tổ đến thời điểm thu hoạch khoảng 15- 20 ngày.

Từ tháng 11 âm lịch kéo dài tới tháng 3 âm lịch là mùa “ăn ong”, đây là thời điểm chính trong năm. Trung bình, mỗi tổ ong cho khoảng 3-5 lít, tổ to thì trên 10 lít mật.

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ là đặc sản nổi danh, quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng.

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ là đặc sản nổi danh, quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng.

Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Theo anh Hoàng, những người ăn ong chuyên nghiệp họ không lấy hết phần tổ ong mà chỉ cắt khoảng 3/4 hoặc 4/5 tổ ong (tùy vào tổ lớn hoặc nhỏ) để ong có thể tiếp tục xây tổ trên nền tổ đã được cắt đi. Tổ ong sau khi được thu hoạch mang về có nhiều thành phẩm như mật ong, sáp ong, ong non, phấn ong.

Mật ong là nguyên liệu quý trong y học, chế biến thực phẩm. Ong non là món ăn khoái khẩu của nhiều người có thể chế biến thành nhiều món ăn như: ong non nấu cháo, chiên bột, làm gỏi, mắm ong,.... Phấn ong có công dụng phục hồi sức khỏe rất có tác dụng cho người già, người suy nhược cơ thể. Sáp ong là phần xác tổ ong sau khi đã vắt sạch mật, có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất đèn cầy, đèn thắp sáng…

Ngoài mật ong, rừng U Minh Hạ còn có nguồn lợi thuỷ sản dồi dào như cá, lươn, ốc...

Ngoài mật ong, rừng U Minh Hạ còn có nguồn lợi thuỷ sản dồi dào như cá, lươn, ốc...

Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau, cho biết, nghề gác kèo ong là một trong những nghề rất đặc biệt được truyền từ đời này, sang đời khác và là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ. Nghề gác kèo ong được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Tổ ong mật xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Ảnh Nhật Huy.

Tổ ong mật xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Ảnh Nhật Huy.

“Để tiếp tục phát huy di sản đó, Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau tổ chức các lớp tập huấn, truyền nghề, học tập trao đổi kinh nghiệm để góp phần duy trì và phát huy nghề truyền thống của người dân nơi đây. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người U Minh đến với du khách trong và ngoài nước về sản phẩm du lịch trải nghiệm đi ‘ăn ong” độc đáo của rừng U Minh Hạ”, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau thông tin thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo chân dị nhân đi săn ong rừng và những bí mật trong nghề chưa từng tiết lộ

Đối với dị nhân “vua ong” Bùi Duy Nhất, có những thời điểm anh cùng bạn bè đi săn ong khắp các cánh rừng tại vùng Tây Bắc. Những chuyến đi này ngắn thì trong ngày, dài thì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Huy ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN