Tết xưa, tết nay…

Đã có lúc tôi tự hỏi: Khoảng vài chục năm nữa, cảnh ăn tết của người Sài Gòn có khác so với hiện nay?

Khi những trận lũ lụt giữa mùa đông dần vơi, ánh nắng rụt rè xuất hiện trên bầu trời màu xám tro là lúc tôi và những đứa bé khác ở các làng quê miền Trung bắt đầu cảm nhận được cái tết đang dần đến. Sự háo hức chờ đợi tết òa vỡ khi một chiều gần cuối đông, sau giờ tan trường, bước vào cổng nhà bỗng ngửi thấy tết ngập tràn trong không gian bởi mùi gạo nếp đang rang trên bếp lửa. Những hạt gạo nếp rang ấy sau đó sẽ được đưa vào cối giã thành bột để mẹ tôi ngào với đường làm ra những chiếc bánh đặc trưng của vùng quê miền Trung từ các khuôn gỗ chỉ mang ra sử dụng mỗi năm một lần vào dịp tết: bánh nổ, bánh tổ, bánh thuẫn…

Từ tín hiệu qua khứu giác với mùi bánh ngọt, dần dần tết hiển hiện qua thính giác với tiếng pháo nổ ran trong đêm giao thừa, để những ngày sau đó thị giác sẽ tràn ngập hình ảnh hội hè mùa xuân ở làng quê: Các cuộc tế lễ ở đình làng và nhà thờ họ tộc, trò chơi bài chòi của cộng đồng dân cư và những đêm hát bộ mừng xuân với các tuồng tích mà từ đứa nhỏ đến người già đều đã thuộc nằm lòng…

Đi xem hát bộ đầu xuân đối với không ít người lớn trong làng tôi hồi ấy là để tự đoán xem “vận mạng” của chính mình trong năm mới tốt xấu ra sao. Vì thế họ sẽ không đến xem hát ngay từ lúc khai diễn mà sẽ vào xem lúc tuồng hát đang diễn dở dang. Lúc đó nếu sân khấu diễn cảnh chồng vợ trùng phùng sau thời gian dài ly biệt, hoặc các vai tướng quân của phe chính diện thắng trận hồi trào… thì ấy là điềm tốt lành cho người xem. Ngược lại, nếu gặp cảnh trung thần mắc nạn bởi lời xiểm nịnh của kẻ gian, cảnh thất trận, hoặc cảnh chia ly áo não… thì nó là điềm báo một năm mới nhiều rủi ro, xui xẻo … Cũng có thể tiên đoán may rủi trong năm bằng cách bói Kiều, tự lật ngẫu nhiên tập truyện thơ Kim Vân Kiều, thấy trang thơ mô tả hoàn cảnh của Kiều hoặc các nhân vật nào đó trong truyện ra sao thì người bói Kiều suy ra hoàn cảnh của chính mình sẽ tốt xấu thế nào trong năm mới…

Tết xưa, tết nay… - 1

Xum vầy. Ảnh: NGUYỄN Á

Mùi gạo nếp rang cùng những tín hiệu báo tết từ thiên nhiên ở một vùng quê miền Trung thời thơ ấu, những cảnh hội hè hát xướng, những kiểu tiên đoán vận mạng hên xui đầu xuân đậm màu văn hóa truyền thống… chẳng bao giờ còn gặp lại nữa kể từ lúc tôi trở thành người đô thị. Hơn 50 năm, di trú qua nhiều thành phố ở các vùng miền khác nhau của đất nước, cuối cùng tôi định cư hẳn tại Sài Gòn, thành phố lớn nhất của miền Nam, dần làm quen với những dấu hiệu báo tết khác hẳn.

Đầu tiên là sự xuất hiện của họ hàng nhà lịch với đủ loại lịch tường, lịch bloc, lịch để bàn… Chúng xuất hiện khoảng ba tháng trước tết, treo lủng lẳng trong các nhà sách, các sạp bán báo trên hè phố. Những bìa lịch với hình ảnh đủ loại từ phong cảnh, hoa trái đến con người, trong đó chiếm nhiều nhất là hình ảnh về con người, chủ yếu là người đẹp, từ vô danh ít ai biết đến kẻ hữu danh trong giới hoa khôi, người mẫu hoặc các diễn viên trong làng ca nhạc, sân khấu, điện ảnh… Những hình ảnh trên bìa lịch với sắc màu rực rỡ, với nụ cười quyến rũ của các mỹ nhân sẽ được khách hàng đem về nhà treo lên tường thay cho những tranh gà, tranh lợn mà thế hệ cha ông ngày xưa vẫn dùng chơi tết.

Sau sự xuất hiện của họ hàng nhà lịch, tín hiệu tết của đô thành Sài Gòn sẽ là hình ảnh của những dòng người nhớn nhác, chen chúc trước quầy vé của ga tàu lửa hoặc các bến xe khách để mong mua trước một chiếc vé bán đúng giá, hầu cuối năm kịp về quê ăn tết. Họ phần lớn là giới lao động nghèo từ đủ mọi miền đất nước đến Sài Gòn để mưu sinh, là đám sinh viên từ miền Trung xa xôi hoặc từ vùng sông nước Cửu Long… theo học tại Sài Gòn. Khi đám lưu dân dần dà vơi đi cũng là lúc hàng loạt quầy sạp bày bán thực phẩm tết xuất hiện trên hè phố với bánh, mứt, lạp xưởng, dưa món, củ kiệu… Chúng sẽ được bổ sung thêm các loại bánh chưng, bánh tét… vào những ngày cận tết. Thế rồi dấu hiệu của ngày cận tết ở Sài Gòn trở nên rõ ràng hơn khi quần áo, giày dép… ồ ạt xuống đường với giá rẻ, cũng là lúc dưa hấu vun thành núi ở mọi đường phố.

Tín hiệu cuối cùng báo tết sẽ hiển hiện vào buổi trưa cuối năm khi các hội hoa xuân kết thúc, trên đường phố thưa thớt người là những khách hàng cuối cùng của chợ hoa chở sau xe máy chậu hoa cúc hay hoa vạn thọ… với giá cực rẻ vào giờ chót.

Thế rồi tết đến với cái nắng gay gắt đầu xuân hệt như mùa hạ ở miền Trung hay Bắc. Và những ngày khởi đầu năm mới ở Sài Gòn sẽ là sự trái ngược ghê gớm so với những ngày thường trước đó: Đường phố không còn cảnh xe cộ chen chúc ken dày nữa, không gian như loãng ra với sự yên tĩnh khác thường.

Đã có lúc tôi tự hỏi: Khoảng vài chục năm nữa, cảnh ăn Tết của người Sài Gòn có khác so với hiện nay? Có thể hình dung được cảnh ăn tết của người Sài Gòn cách nay 74 năm qua phóng sự của Trần Văn Lai, đăng trên báo Ngày Nay số đặc biệt mừng Xuân Kỷ Mão 1939. Bài phóng sự cho thấy sinh hoạt trong những ngày tết của Sài Gòn hồi đó nổi bật nhất là những trò cờ bạc. Người lớn thì túm tụm trong các hẻm phố chơi bông vụ, sóc dĩa, bầu cua… Trẻ con thì rủ nhau đến khu cầu Mống hoặc trước chợ Khánh Hội tham gia các trò chơi nhảy bao bố, cạp chảo, leo cột mỡ… mà phần thưởng là ô, giày, bánh kẹo…

Thế còn các thiếu nữ Sài Gòn lúc bấy giờ? Phóng viên Trần Văn Lai cho biết: “Thiếu nữ Sài thành năm nay đẹp quá! Năm nay các cô tân thời lắm nên không nịt vú nữa. Bởi vậy tết nay thanh niên Sài Gòn tha hồ mà chết đứng trước cặp tuyết lê tròn tròn nổi lên mình áo lụa mùi hồng hay mùi lá xanh non…”. Cũng theo phóng viên Trần Văn Lai thì “dẫu đã biết dùng áo tân thời, thả vú, cưỡi xe đạp…” nhưng các thiếu nữ Sài thành hồi đó chơi xuân “lành” lắm, chủ yếu là rủ nhau đến nhà chị em bạn: “Lại nhà chị Hồng ăn chà là, uống nước. Xong kéo vào nhà chị Lan ăn dưa hấu với đường. Rồi đến chị Yến, chị Nguyệt ăn bánh tét với dưa cải mặn, uống nước cam, chanh…”.

74 năm trước người Sài Gòn ăn tết như thế, 74 năm sau người Sài Gòn sẽ ăn tết ra sao? Biết đâu lúc đó người Việt sẽ ăn tết theo dương lịch giống như người Nhật hiện nay. Biết đâu đấy!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Khắc Nhượng (Pháp luật TPHCM)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN