Tết nay đã khác Tết xưa

Các chuyên gia văn hóa và nhà tâm lý đánh giá: Giá trị của Tết Nguyên đán vẫn được lưu giữ nhưng một mặt nào đó đang bị chi phối bởi hơi thở của thời đại.

Những cảm xúc khác nhau khi Tết đến, Xuân về

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Anh Tuấn (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần Viet Idea): Mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau khi Xuân về, Tết đến, nhưng nhìn chung đa số đều cảm thấy háo hức, mong chờ năm mới.

Còn trên thực tế, có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của những hoàn cảnh khác nhau, địa vị khác nhau, lứa tuổi khác nhau. Có những lo toan khi không đủ tiền về quê của những công nhân lao động xa nhà, có những suy tư của người lao động nghèo không biết lấy gì cho con ăn Tết,…

“Lẽ dĩ nhiên, người lớn có nhiều nỗi lo hơn trẻ em. Càng lớn trách nhiệm của chúng ta càng nhiều, không chỉ lo cho bản thân mà còn phải lo cho gia đình và nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là trong dịp Tết. Để làm tròn trách nhiệm của mình, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị rất nhiều. Còn trẻ em thường rất mong chờ Tết vì đó là khoảng thời gian “sung sướng” nhất, được nghỉ học, đươc vui chơi, ăn uống thoải thích và được “lì xì”…”, ông Tuấn đánh giá.

Tết nay đã khác Tết xưa - 1

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn: “Tết mà, sẽ có nhiều mâu thuẫn tâm lý xảy ra”.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận: “Nhìn chung, khi Xuân về, Tết đến, người ta có cảm giác nôn nao, chờ đợi. Nhưng Tết mà, sẽ có nhiều mâu thuẫn tâm lý nảy sinh. Hàng loạt những suy nghĩ như: Sẽ đi đâu, làm gì, ăn gì, có an toàn không, thời gian thu xếp thế nào… Tất cả đều có thể trở thành áp lực nhất định với người lớn”.

Không khí Tết đang phai nhạt dần?

Thực tế, không ít người đã đưa ra đánh giá không khí Tết ngày càng phai nhạt dần. Trước đánh giá này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, khó mà nói được Tết ngày nay buồn hơn so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một thực tế: Ngày nay, người ta chú trọng nhiều hơn về hình thức, vui chơi và dần dần buông rơi bớt đi những giá trị của lễ, hội.

“Tôi cho rằng đây là sự thay đổi rất bình thường của con người, đặc biệt khi người Việt Nam chúng ta đã phát triển lên một mức mới về cuộc sống, nhận thức; việc tận hưởng cuộc sống giờ đây không chỉ ăn no, ăn đủ. Có người cho rằng văn hóa xê dịch của người châu Âu có phần nào tác động đến sự thay đổi này, nhưng theo tôi, ngay trong văn hóa người Việt đã có sự thay đổi”, ông Sơn nói.

Còn chuyên gia văn hóa Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những giá trị truyền thống của ngày Tết luôn tồn tại trong mỗi  người, mỗi gia đình Việt. Tuy nhiên, không khí Tết ngày nay đang bị chi phối bởi sự hiện đại hóa và các thiết bị công nghệ.

Theo ông Tuấn, theo thời gian, mọi thứ sẽ thay đổi, thay đổi để phát triển và phù hơp với thời đại. Cái hay là thay đổi nhưng vẫn giữ được cái hồn, cái chất vốn có. Trải qua bao giai đoạn, ý nghĩa và vai trò của Tết vẫn được giữ gìn và phát huy, đó vẫn là Tết đoàn viên, sum họp gia đình, Tết của những lễ hội, trò chơi

Có thể một số hình thức, phong tục, nghi lễ thờ cúng không giống ngày xưa nữa, nhưng ý nghĩa thiêng liêng vẫn được lưu giữ. Có điều, nhịp sống thời đại nhanh hơn, cuộc sống công nghệ lớn mạnh thì không khí Tết cũng mang hơi thở hiện đại: Có những phương tiện số hóa thay thế những đồ dùng thời xưa, có một số người trẻ chạy theo những công nghệ số,...

Bàn thêm về văn hóa biếu quà dịp Tết, ông Tuấn nói: “Của cho không quý bằng cách cho. Tết cũng là dịp để mọi người bày tò sự yêu thương, lòng biết ơn với gia đình, người thân, bạn bè,… bằng nhiều cách thể hiện khác nhau. Gần đây, có một số hiện tượng tặng quà “khủng” cho sếp, hay những phong bao lì xì mừng tuổi “nặng ký”. Cái quan trọng ở đây là người tặng có đù điều kiện để tặng quà như vậy không? Mục đích cho là thật sự tri ân hay vì lý do nào khác? Người nhận có xứng với mòn quà?”

“Đã gọi là văn hóa thì đó là những nét đẹp được lưu giữ lại. Còn những “biến tướng” trong ý nghĩa của quà tặng Tết khiến nó không còn là văn hóa, sẽ bị đào thải dần dần”, ông Tuấn khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN