Tết Đinh Dậu nói chuyện cúng gà kỳ lạ

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Vào dịp Tết, mỗi dân tộc lại có tập tục cúng gà theo cách khác nhau. Người Mông mỗi năm chỉ cúng đúng một con gà vào chiều 30 Tết. Còn người Tày cúng gà là để làm lễ cho đứa con sinh ra được đẹp, được xinh…

Tết Đinh Dậu nói chuyện cúng gà kỳ lạ - 1

Thầy mo Ly Sùng giới thiệu bàn thờ của người Mông. Ảnh: T.G

Cúng lễ “sạch”, ít sát sinh

Người Mông không đón Giao thừa. Họ ăn Tết rất sớm, bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp rải rác tới Tết. Mốc năm mới của đồng bào được đánh dấu bằng tiếng gà gáy đầu tiên của sớm mùng Một. Đêm Giao thừa họ bày một mâm thịt chín, rồi cùng nhau ăn cơm uống rượu tới khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Ngày Tết, những vật dụng, nông cụ được dán giấy trắng, xếp gọn gàng hai bên bàn thờ - với quan niệm đánh dấu cho chúng được nghỉ ngơi để năm sau có sức khỏe làm việc, giúp bà con có mùa màng bội thu.

Thầy mo kiêm thầy cúng Ly Sùng (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chia sẻ về phong tục cúng của người Mông. Theo ông, bàn thờ gia tiên của người Mông giản dị, rất “sạch” và khác các vùng. Bàn thờ hướng ra chính giữa cửa đi, cao hơn nền nhà khoảng 1,5m, dài khoảng 50cm, sâu khoảng 30cm - chỉ vừa đủ đặt bát hương. Bàn thờ có dán một tờ giấy trang trí các hình thù biểu tượng cho sức khỏe.

Nói bàn thờ rất “sạch”, bởi họ không bày bất cứ thực phẩm, hoa quả nào lên bàn thờ, không như các vùng có gì quý hiếm là dâng lên gia tiên. Ông Ly Sùng chỉ bàn thờ đính túm lông gà chính giữa, bảo rằng con gà cúng ma nhà (tổ tiên) được chọn là con gà trống đẹp (thường là trống tơ), nhưng không đặt cả con lên cúng, mà chỉ đem tới chân bàn thờ cắt tiết, rồi nhổ tại chỗ mấy cái lông đầu, lông cánh, lông đuôi buộc túm lại treo lên giữa ban thờ. Túm lông gà này sẽ tượng trưng là gà cúng gia tiên cả năm. Mỗi năm vào dịp Tết (thường là 30 Tết), con cháu mới phải cắt tiết gà mới, thay lông gà một lần.

Cách dâng cúng của người Mông cũng rất đặc biệt. Ngày Tết lễ vật cúng tổ tiên ngoài con gà, còn có chiếc bánh dầy to và một ít hoa quả, nhưng chỉ bày mâm bên dưới, không đặt trên ban thờ. Quan niệm của đồng bào là ngay từ lúc sống đã không cần mâm cỗ cúng đầy tú hụ, nên cúng tổ tiên chỉ đơn giản là cắt tiết con gà dưới ban thờ, lấy lông tượng trưng để cúng.

Cúng gà để con khỏe, con xinh

Tết Đinh Dậu nói chuyện cúng gà kỳ lạ - 2

Ba lông gà treo chính giữa bàn thờ.

Theo nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Tày Dương Thuấn, con gà có mặt trong đời sống tâm linh của người Tày từ khi được mẹ sinh ra, tới khi lớn, với nhiều lễ cúng rất đặc biệt, trong đó có Tết Nguyên đán. Tùy lễ mà gà được cúng cả con, hay chặt thành miếng. Mỗi dòng họ, gia đình lại cúng khác nhau. Nhưng thịt gà luôn là phẩm vật quý giá, để cúng trời đất, thần linh, hương linh tổ tiên… từ lúc sinh ra đời.

Các bà mẹ người Tày ngay sau khi sinh con được làm lễ “Cáy nặm khinh” – là bữa ăn đầu tiên sau sinh. Người nhà sản phụ sẽ mổ một con gà trống choai nấu cho ăn. Con gà dành cho người mẹ ăn lần đầu sau sinh được chọn rất cẩn thận. Đó phải là con gà trống khỏe mạnh, vóc dáng đẹp, quan trọng nhất là phải có chiếc mào đỏ tươi, lông vàng rực rỡ, đôi chân cũng màu vàng... Sau khi gà sơ chế sạch, sẽ chặt ra thành miếng nhỏ để nấu canh với hai thứ gia vị là gừng tươi và nghệ tươi. Thịt gà này để cho bà mẹ ăn cùng với cơm nếp nấu nghệ.

Người Tày quan niệm rằng, người mẹ ăn thịt gà khỏe mạnh và có màu vàng thì đứa con sau này mới khỏe mạnh, da dẻ mới mịn màng và hồng hào, khỏe mạnh, xinh đẹp. Vì thế, mẹ nào sinh con ít nhất 1 tháng, hoặc nhiều hơn nữa phải ăn cơm nghệ với thịt gà choai nấu canh có gia vị gừng nghệ để khỏe mạnh, có nhiều sữa cho con, và con sẽ là những bé trai, bé gái bụ bẫm, xinh xắn, khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Còn theo y học, ăn những món bổ lành, ấm áp giữ cho bà mẹ thân nhiệt ổn định, làm tan các cục máu đông, làm lành các vết thương trong cơ thể người mẹ… do lúc sinh con gây ra.

Khi trẻ có ý thức, con gà được dùng vào lễ “Cáy tắc”. Bố mẹ làm lễ này nhằm cho con một thứ cây, hoặc con vật nào đó để làm riêng (hết sli). Con trẻ tự chăm sóc và đến khi thu hoạch sẽ là sản phẩm của riêng đứa bé. Thứ của riêng đó có thể là một cây ngô ở trong nương ngô, một khóm mía trong bãi mía, một khóm lúa trong ruộng lúa, một con lợn con, hay con gà, con vịt bé trong đàn... Cũng có khi cha mẹ cho hẳn cả một con nghé hay con bê.

Nhưng thông thường nhất mà hầu hết đứa bé nào cũng có là một con gà con. Hàng ngày đứa bé sẽ tự chăm sóc con gà (hay vịt con, cây con…) của riêng mình, đến khi nó lớn (hoặc thu hoạch nếu là cây, là lúa ngô), thì bán đi. Sản phẩm thu hoạch đứa bé tự dành làm của riêng, hoặc “sung” vào kho quỹ của gia đình do đứa bé tự quyết định. Có nhiều bé khi nuôi gà lớn đã giao cho ông nội làm thịt để cả đại gia đình cùng ăn và bữa “cáy tắc” như thế rất vui.

“Cáy khoăn” là một lễ hay dùng cho trẻ em để gọi vía. Người Tày rất quan tâm đến việc trẻ em đi ra sông suối chẳng may bị trượt chân ngã lăn xuống sông suối bị nước cuốn đi, rồi được ai đó vớt lên bờ. Hoặc đi vào rừng gặp rắn to, hay gặp hổ báo hoảng sợ chạy… rất dễ bị mất vía. Về nhà đứa trẻ hay bị giật mình, hoảng sợ… do hồn vía đã bị bay ra khỏi thân thể, đi lang thang, làm cho đứa trẻ bị ốm, bị ảnh hưởng nguy hại đến tinh thần… Với những đứa trẻ bị như vậy, gia đình nhất định phải làm lễ “cáy khoăn” để gọi vía trở về.

Con gà để làm lễ “cáy khoăn” được chọn to bằng một nắm tay người lớn, đẹp mã, được cho vào một chiếc vợt xúc cá (hoặc bỏ vào trong một chiếc túi vải chàm), đem tới nơi mà đứa bé bị trượt chân ngã lăn xuống nước, hoặc đến bìa rừng nơi đứa bé gặp hổ báo, rắn rết làm hoảng sợ, giật mình để gọi vía. Người gọi vía sẽ mấp máy môi đọc thầm thì khấn gọi vía trở về, và giơ tay ra để vơ vía bỏ vào chiếc vợt (hoặc túi vải chàm có con gà) rồi chạy về nhà. Khi về đến nhà, việc đầu tiên của người gọi vía là thả con gà vào trong chuồng và nói rằng “Vía đã về nhà và hãy ở nhà mãi mãi, đừng đi nữa nhé”.

Tết đến, người Tày có lễ “cáy pài chiêng”. Gà cúng Tết của gia đình phải là con gà thiến béo và ngon nhất. Để có gà cúng Tết, khoảng tháng tư Âm lịch người Tày bắt đầu thiến gà. Những con gà trống choai mới bắt đầu tập đạp mái được chọn, nhốt riêng vào trong lồng để thiến, xong mới thả lại cho nó theo đàn ra rừng, ra nương kiếm ăn. Đến mùa thu mát mẻ thì lại bắt nhốt vào lồng, chỉ cho gà ăn cơm nguội, hoặc ngô bung từ đó tới Tết. Chẳng mấy chốc gà thiến béo tròn, Tết đến thịt sẽ vừa mềm, vừa thơm để làm mâm cúng tổ tiên.

Người Tày quan niệm rằng, bữa cơm sáng mùng 1 Tết quan trọng nhất, nên tổ tiên phải được ăn uống đầy đủ, phải cúng các cụ những thứ ngon nhất, trong đó có thịt gà thiến. Sau khi cúng các cụ tổ tiên xong xuôi rồi thì mới đến lượt cả gia đình cùng ngồi ăn bữa cơm đầu năm mới thật vui vẻ. Cả gia đình phải cùng ngồi ăn bữa cơm sáng mùng 1 Tết có món thịt gà thiến rồi mới được đi chơi, hoặc đi chúc Tết các nơi...

Theo ông Ly Sùng, hình thức cúng của đồng bào Mông tất cả là cái tâm, sống cúng thế nào thì lúc về với tổ tiên cũng chỉ mang theo cái tâm “đã được cúng con gà” - cũng là nét cúng lễ rất đẹp, ít tốn kém, ít sát sinh của đồng bào. Đồ cúng tâm niệm thanh sạch, cộng với thứ hương thanh sạch của riêng người Mông đã làm nên nét văn hóa thờ cúng đậm bản sắc riêng của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Dương (Gia đình xã hội)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN