Tạp chí ôtô làm lộ tàu ngầm tuyệt mật của Nga

Từ hình ảnh của bài báo viết về cuộc đua của các siêu xe Mercedes-Benz GL 450 thành phố Arkhangelsk, Tây – Bắc nước Nga, tạp chí ôtô Top Gear bất ngờ để lộ ảnh về một trong những tàu ngầm hạt nhân bí ẩn nhất của Nga có tên AS-12, biệt danh Losharik thuộc dự án 10.831.

Tạp chí ôtô làm lộ tàu ngầm tuyệt mật của Nga - 1

Bức ảnh của tạp chí Top Gear phiên bản tiếng Nga chụp bên bờ Biển Trắng, nơi chiếc xe Mercedes-Benz GL 450 được cho là trung tâm.

Tuy nhiên, một chiếc tàu ngầm vô tình lọt vào khuôn ảnh để rồi "bất ngờ tiết lộ hình ảnh có chất lượng cao đầu tiên về Losharika, một trong những tàu ngầm bí mật nhất của hải quân Nga”, theo tờ Lenta.

Trên thực tế, tàu ngầm hạt nhân bí ẩn AS-12, biệt danh Losharik (NATO còn gọi là NORSUB-5) thuộc dự án tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Nga.

Theo các nguồn tin quân sự, tàu ngầm thuộc dự án 10.831 được Ban Giám đốc tình báo trung ương thuộc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga trực tiếp chỉ đạo. Bản thân Moscow chưa bao giờ có ý định công khai dự án này.

Tuy vậy, các nguồn tin bị rò rỉ cho biết, tàu ngầm bí mật Losharik có chiều dài 60m chứa các khoang hình cầu bằng titanium. Cấu trúc của vỏ tàu cho phép tàu chịu được áp suất cực lớn ở độ sâu đến 6.000 m.

Losharik được cung cấp năng lượng từ một lò phản ứng hạt nhân nhỏ và đạt tốc độ lên đến 30 hải lý/giờ. Về lý thuyết, nó không bị giới hạn thời gian lặn. Để vận hành tàu ngầm tối mật này, Nga cần đến 25 sĩ quan.

Chiếc tàu bí ẩn này được cho là đồn trú tại vịnh Olenya, nơi đóng đô của các gián điệp hải quân Nga. Nó được thiết kế để triển khai các chiến dịch thu thập thông tin tình báo ở độ sâu vượt quá ngưỡng hoạt động của bất cứ loại tàu bè nào trên thế giới.

Một số thông tin còn cho rằng tàu Losharik được thiết kế để mang theo ngư lôi nhiệt hạch T-15 với đường kính đến 1,5 m vốn có từ thời Liên Xô. Loại ngư lôi này, nếu được khai hỏa ở độ sâu 6 km, có thể tạo nên trận sóng thần đủ sức cuốn trôi toàn bộ bờ Đông hoặc Tây của Mỹ xuống đáy đại dương.

Hồi cuối tháng 10/ 2012, có tin Losharik đã tham gia thăm dò đáy Bắc Cực và thu thập mẫu vật địa chất phục vụ Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Dương (Tiền Phong/Lenta)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN