Tại sao con cán bộ, nhà giàu "sợ" nghĩa vụ quân sự?

Ngày xưa tất cả con em Đảng viên, con Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, rồi con em Bí thư các tỉnh đều tham gia nghĩa vụ quân sự. Bây giờ thì vinh quang đó chỉ thuộc về con em nông dân, con nhà nghèo.

Chiều 21.5, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự, nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn, nói: “Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang, vinh quang không thể thay thế…” ngày xưa rất đúng, bây giờ vẫn đúng, nhưng thực tiễn đã khác.

Ngày xưa tất cả con em Đảng viên, con Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, rồi con em Bí thư các tỉnh đều tham gia nghĩa vụ quân sự, bây giờ thì không phải, mà chúng ta vẫn nói thế mà không có giải pháp để giải quyết tình trạng này thì vinh quang mà chúng ta nói đó chỉ thuộc về con em nông dân, con nhà nghèo.

“Nói thì đúng nhưng khi tổ chức thực hiện thì vênh nhau quá. Tại sao nói nghĩa vụ quân sự rất vinh quang, nhưng con em cán bộ, Đảng viên, con nhà giàu không nhận?”- ông Thuyền đặt câu hỏi.

Tại sao con cán bộ, nhà giàu "sợ" nghĩa vụ quân sự? - 1

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng)

Theo vị ĐBQH này, cần phải bổ sung một nghĩa vụ gì đó để nghĩa vụ quân sự thực sự là nghĩa vụ vinh quang đúng nghĩa, thực sự là nghĩa vụ của toàn dân, không phân biệt con nhà giàu, hay nghèo.

“Giả sử bây giờ 10 người chỉ gọi 1 vài người, còn lại miễn 7-8 người thì họ không làm gì, không đóng góp, không có trách nhiệm gì à? Như thế công bằng được sao được. Tôi đề nghị, phải nên phải bổ sung 1 nghĩa vụ gì đó để tất cả cùng đóng góp để đảm bảo công bằng. Đây là nghĩa vụ rất vinh quang, nhưng tại sao nhiều người không muốn nhận?” – ĐB Thuyền nhấn mạnh.

Ông Thuyền cũng nhắc tới chuyện thủ tục nhiêu khê trong việc công nhận cũng như tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự hiện nay đã không thu hút được sự tự nguyện tham gia xây dựng quân đội của đối tượng thanh niên hiện nay.

“Nghịch lý là đi nghĩa vụ công an nhân dân thì phải nộp đơn, xét tuyển lên xuống, còn nghĩa vụ quân sự thì phải kêu gọi, bắt buộc họ mới đi” – ông Thuyền nói và kể lại câu chuyện chậm trễ trong việc công nhận là liệt sĩ tại Hà Nam sau 40 năm trời gia đình khiếu nại, kêu oan.

“Dù có giấy báo tử đoàng hoàng nhưng chính quyền cứ nghi người ta là đầu hàng địch rồi không đi xác minh. Cuối cùng lại nói làm lại từ đầu. 40 năm họ theo đuổi giờ nói làm lại từ đầu thì tôi nói thẳng, 40 năm sau vẫn chưa công nhận liệt sĩ được. Tại sao không đi xác minh, và nếu đúng là oan thì trả tiền cho người tra… Nếu cứ nhiêu khê và hành xử như thế thì chẳng ai tham gia nghĩa vụ quân sự nữa”- vị ĐBQH tỉnh Lâm Đồng buồn rầu.

Chia sẻ với quan điểm của ĐB Nguyễn Bá Thuyền, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định) cho rằng thực tế chưa tạo điều kiện tối đa cho công dân tham gia nghĩa vụ quân sự. “Tháng 4 hàng năm gọi nhập ngũ lần đầu, điều này gây khó khăn cho công dân vì thường cứ sau Tết là thanh niên khăn gói đi làm. Quy định thời gian như vậy chỉ thuận cho cơ quan tuyển quân chứ không phải công dân”- ông Sơn nói và đề nghị, thời gian gọi nhập ngũ nên bắt đầu từ tháng 2 hàng năm.

Đề cập tới đối tượng sinh viên đại học tốt nghiệp, sau khi học 5-6 năm ở trường bị gọi đi nghĩa vụ quân sự nhưng nếu không được sử dụng đúng chuyên môn kỹ thuật, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định) cho là một sự lãng phí lớn. “Gọi ai, đối tượng nào thì phải tính đến nhu cầu của quân đội, để anh em yên tâm, phục vụ tốt hơn”- ĐB Sơn thẳng thắn.

Với đối tượng này, muốn họ tham gia đông, ĐB Thuyền cho rằng cũng phải có chính sách khuyến khích. Ví như, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về đối tượng này cần được ưu tiên miễn xét tuyển, không phải thi vào các cơ quan, lĩnh vực họ đã được đào tạo trước đây… Có như thế mới khuyến khích đối tượng này tham gia nghĩa vụ quân sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trường Giang (Infonet)
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN