Tai nạn ở Sêrêpôk: Rất khó khởi tố vụ án

Chiều 18/5, tại cuộc họp do UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức để giải quyết vụ TNGT làm 34 người chết và 21 người khác bị thương trên địa bàn, đại tá Nguyễn Văn Định - Phó Giám đốc Công an tỉnh - cho biết: “Cả hai tài xế đều bị tử nạn nên rất khó khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn doanh nghiệp vận tải thì chỉ có trách nhiệm hành chính”.

Còn thông tin từ “hộp đen” cho biết, chiếc xe này lưu thông với tốc độ 42km/h trên chiếc cầu nát bắc qua sông Sêrêpốk.

34 người chết dưới sông

Sau một tiếng va chạm không lớn lắm vào lúc 22 giờ ngày 17.5, chiếc xe khách loại 50 chỗ hành trình từ huyện M’Đrắc đi TPHCM đã rơi xuống sông Sêrêpốk. Đây là xe khách chất lượng cao BKS 47V-2371 của HTX vận tải Quyết Thắng (huyện Krông Pắc), do Phạm Ngọc Lâm (trú huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) điều khiển. Theo lộ trình thì khoảng cách từ nơi xuất phát đến vị trí xe bị nạn khoảng 110km, chiếm 1/5 tổng hành trình, thời gian lưu thông khoảng 3 giờ rưỡi.

2 giờ sau khi bị nạn, chiếc xe được cẩu lên khỏi mặt nước. Hậu quả 34 người tử vong và 20 người bị thương. Trong số này, nhiều hoàn cảnh thương tâm như ông Bùi Đức Thuận - xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc - có 2 đứa con, hay anh Lê Công Bằng và vợ là Trần Thị Thanh Trúc - xã Ea Yông, Krông Pắc - cùng bị tử nạn. Sáng 18.5, UBND tỉnh Đắc Lắc đã cử 3 đoàn công tác do chủ tịch và 2 phó chủ tịch về từng gia đình nạn nhân thăm hỏi, hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết và 3 triệu đồng/người bị thương. Hội Chữ thập Đỏ tỉnh  hỗ trợ 1 triệu đồng/người chết, 500.000 đồng/người bị thương.

Chiều cùng ngày, Uỷ ban ATGT Quốc gia hỗ trợ 1 triệu đồng/người chết và 500.000 đồng/người bị thương, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN hỗ trợ mỗi người chết và mỗi người bị thương 1 triệu đồng. HTX vận tải Quyết Thắng hỗ trợ 30 triệu đồng/người chết ngoài tỉnh, 20 triệu đồng/người chết trong tỉnh, 25 triệu đồng/người cấp cứu tại TPHCM, 2 triệu đồng/người điều trị tại Đắc Lắc.  Chi nhánh Bảo hiểm PJICO Đắc Lắc đã tạm ứng tiền mai táng, điều trị cho những người bị nạn...

Tai nạn ở Sêrêpôk: Rất khó khởi tố vụ án - 1

Nạn nhân Trịnh Văn Mùi vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn. Ảnh: Công Hoan

42km/h qua cầu nát!

Điều dư luận quan tâm nhất là nguyên nhân nào dẫn đến vụ TNGT thảm khốc? Anh Trịnh Văn Mùi - trú tại xã Cư Prao, huyện M’Đrắc - đang điều trị tại BVĐK Đắc Lắc - cho biết: “Tôi đang ngủ thì nghe một tiếng động mạnh, có cảm giác xe đang rơi xuống sông hay vực gì đó. Sau đấy tôi bất tỉnh”. Cũng như anh Mùi, các nạn nhân sống sót khác cũng ngủ say vào thời điểm trên, không ai biết cái gì đã đẩy chiếc xe mang theo họ xuống dòng Sêrêpốk.

Tại cuộc họp chiều 18.5 tại trụ sở UBND tỉnh, đại tá Nguyễn Văn Định - Phó Giám đốc CA tỉnh - nói: “Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn đang làm nên chưa thể cho biết nguyên nhân vụ tai nạn được. Cả hai tài xế đều chết nên rất khó khởi tố vụ án. Còn chủ xe thì chỉ có trách nhiệm hành chính, khắc phục hậu quả vụ tai nạn”.

Ông Lê Xuân Biểu - GĐ Sở GTVT - cho biết: “Chiếc xe bị tai nạn có lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen - PV) theo quy định. Cơ quan chức năng xác định trước khi vào cầu Sêrêpốk, nó lưu thông với tốc độ 42km/h, trong khi đoạn đường này cho phép lưu thông tới 70km/h.

Theo phản ánh của người dân thì khi đang lưu thông trên cầu, xe này gặp 2 xe máy đang rượt đuổi nhau phía trước, trong đó một xe do bọn trộm chó điều khiển. Để tránh 2 xe máy, xe khách đã lao sang phải, đâm gãy lan can cầu và rơi xuống sông”. Từ thông tin trên, có thể thấy tài xế Phạm Ngọc Lâm đã không làm chủ được tốc độ khi lưu thông trên cầu Sêrêpốk, bởi mặt cầu rất hẹp. Còn mặt đường trên cầu thì  cả hai đầu cầu lẫn đoạn giữa cầu đều có rất nhiều “ổ gà”, “ổ voi”.

Trong điều kiện bình thường, xe ôtô chỉ có thể lưu thông qua cầu với tốc độ 5 - 10km/h mới đảm bảo an toàn, mặc dù tốc độ tối đa cho phép theo biển báo là 70km/h. Nếu không kể việc chở quá 5 người so với quy định (55/50 người) thì rất có thể tài xế chạy nhanh và không làm chủ tốc độ là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này.

Ngày 18.5, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc xử lý vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại cầu Serepok. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đắc Lắc chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương cấp cứu người bị nạn, thăm hỏi gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn; Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắc Lắc có các giải pháp khắc phục sự cố cầu Serepok, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường này và tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng xe khách, tránh xảy ra tai nạn tương tự; Bộ CA chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắc Lắc, Bộ GTVT khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông trên. Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông và gửi lời thăm hỏi đến những người bị nạn.     H.U.Y

Điện thăm hỏi của Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN. Ngày 18.5, đồng chí Huỳnh Đảm - Chủ tịch UBTƯMTTQVN - đã gửi điện thăm hỏi đến các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Đắc Lắc và các gia đình có người bị tai nạn giao thông tại tỉnh Đắc Lắc. Bức điện có nội dung: Được biết, khoảng 22h ngày 17.5.2012, tại cầu Sêrêpôk quốc lộ 14, thuộc xã Hoà Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới các gia đình có người bị chết, bị thương. Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN và Ban Cứu trợ Trung ương xin gửi tới các gia đình, các nạn nhân 5.000.000 đồng/người chết và 3.000.000 đồng/người bị thương, qua UBMTTQ và Ban Cứu trợ tỉnh Đắc Lắc để góp phần giúp đỡ các gia đình và nạn nhân do vụ tai nạn gây ra.   V.T

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Bá - Trung Kiên ([Tên nguồn])
Xe khách rơi xuống sông Sêrêpôk Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN