Tái bùng phát cúm gia cầm tại miền Trung
Mấy ngày qua tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có hàng chục nghìn con gia cầm bị tiêu hủy và hàng triệu con đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Tại Quảng Nam, trong hai ngày 31/8 và 1/9, Chi cục Thú y tỉnh đã tiêu hủy khẩn cấp gần 5 ngàn con gà nhiễm cúm H5N1 tại trại gà của bà Trà Thị Chiến (thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn).
Trong 6 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn gà này gửi Cơ quan Thú y vùng 4 xét nghiệm, xác định có 3 mẫu dương tính với vi rút cúm type A/H5N1. Chi cục Thú y tỉnh cũng cho biết, trước đó từ tháng 2 đến tháng 5/2012 tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc có tổng cộng hơn 14 ngàn con gà và vịt bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy.
Tại Quảng Ngãi, dịch cúm gia cầm bắt đầu xuất hiện từ ngày 25/8, khi 500 con vịt trong đàn vịt 2.700 con của một gia đình ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh bị chết do nhiễm cúm H5N1. Một tuần sau, dịch đã lan mạnh trên diện rộng tại 16 xã ở 4 huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Sơn Tịnh khiến gần 50 ngàn con gia cầm bị chết phải tiêu hủy.
Phun thuốc phòng dịch trên đàn gia cầm ở Quảng Nam
“Hiện cơ quan chức năng đang tổ chức giám sát ổ dịch, kiểm dịch tại các chợ trên địa bàn và chi viện khẩn cấp 940 lít hóa chất Benkocid cùng hàng chục máy bơm giúp huyện Điện Bàn vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng. Hơn 100 lít hóa chất đã được đưa đến xã Điện Thọ để phun tiêu độc, ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng”, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết. “Điều đáng lo ngại hiện nay là virút cúm A/H5N1 rất khó kiểm soát vì nó đang tồn lưu trong môi trường, nhất là trên đàn thủy cầm sống (vịt, ngan…)", ông Nam lo lắng.
Đến chiều 31/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chính thức công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ 2 triệu liều vắc-xin và 20.000 lít hóa chất để phòng chống dịch. Cùng với đó ngành thú y đang phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm; khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc, khử trùng, hạn chế dịch lây lan trên diện rộng. Chi cục Thú y tỉnh cũng đang triển khai tiêm phòng 1 triệu liều văcxin cúm A/H5N1 tại 7 huyện, thành phố khu vực đồng bằng trên địa bàn tỉnh.
Theo cơ quan chức năng, công tác phòng chống dịch tại hai tỉnh này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ muốn khống chế, kiểm soát sự lây lan của dịch thì phải ít nhất 80% số gia cầm phải được tiêm vắc-xin. Thế nhưng phần lớn số gia cầm ở hai tỉnh trên vẫn chưa được tiêm ngừa. “Vắc-xin hiện nay không tương thích với vi-rút cúm A/H5N1 trên gia cầm tại miền Trung, trong khi vắc-xin mới chưa có và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài”, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết.