Sống bên "cung đường đen"

Người cha rút điện thoại, thẫn thờ như cái máy: “Mang cháu về nhà, mang cháu về nhà”. Hai tuần sau tai nạn, gặp chúng tôi ở nhà, ông vẫn chưa thể nói tròn một câu chuyện.

Ngày 18/11/2012 tới đây, lần đầu tiên “Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” sẽ được tổ chức trên toàn quốc. Thật khó mà quên những con số, những bản tin tai nạn giao thông đã trở nên quá quen thuộc đến mức dễ trôi đi trong dòng thời sự, dễ tạo cảm giác thờ ơ trong người đọc. Nhưng, chín tháng đầu năm 2012 đã có tới gần 7.000 người phải ra đi, để lại bao hậu quả và nỗi đau cho người ở lại.

Sống bên "cung đường đen" - 1

Hiện trường vụ ôtô tải bị mất thắng đâm liên hoàn vào bốn xe khiến ba người chết, sáu người bị thương xảy ra tại đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) ngày 4/4. Đây cũng là điểm đen xảy ra nhiều tai nạn trên quốc lộ 14

Vừa đến vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chúng tôi đã thấy một đám đông đứng vòng trong vòng ngoài. Một chiếc xe máy đổ, một chiếc mũ bảo hiểm lăn lóc, chiếc xe tải chở đầy thùng sắt đậu mé bên kia đường và một tấm chiếu lùm lùm... Một thanh niên 18 tuổi, vừa qua kỳ thi đại học, đã phải dừng lại cuộc đời. Giữa vòng người đông đúc, gương mặt thất thần của cô chị gái vẫn nổi rõ. Giữa xôn xao dòng người, ồn ào xe cộ, tiếng kêu thất thanh của người cha vừa đến nơi khi nghe hung tin vẫn không lẫn vào đâu được.

Tim thon thót

Sơ kết chín tháng đầu năm trên toàn quốc, tai nạn giao thông giảm ở mức độ đáng mừng: hơn 20% trên cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết, thiệt hại tài sản, nhưng độ nghiêm trọng của tai nạn lại tăng lên. Có hơn 48 tỉnh thành được khen thưởng vì giảm tai nạn giao thông trên 10%, lại có sáu tỉnh thành bị phê bình vì tai nạn tăng. Đồng Nai là một trong những nơi có số tai nạn giao thông cao nhất, và trên địa bàn Đồng Nai, ngã ba Dầu Giây là một điểm đen nổi bật.

Người cha rút điện thoại, thẫn thờ như cái máy: “Mang cháu về nhà, mang cháu về nhà”. Hai tuần sau tai nạn, gặp chúng tôi ở nhà, ông vẫn chưa thể nói tròn một câu chuyện. Nỗi đau sẽ còn dài mãi trong lòng cha mẹ, dài hơn cả tháng năm đã nuôi lớn những đứa con. Và với tai nạn giao thông thì không chỉ có cha mẹ, người thân mới thấy đau. Ông Quyết, một tài xế xe ôm ở vòng xoay Tam Hiệp, người đã chứng kiến từ đầu tới cuối vụ tai nạn, đã chạy bộ chặn đầu chiếc xe tải, nói như than: “Thảm quá, thảm quá” với bất kỳ ai trong đám đông. Hơn mười ngày sau, ông lại thảng thốt gọi điện cho chúng tôi: “Lại tai nạn chết người nữa cô ơi, cũng ngay vòng xoay đó. Thảm quá, cô ấy đang mang thai...”.

Sống bên cung đường đen thì luôn phập phồng, kể cả với những người đàn ông.

Ông Trình Văn Bay suốt mấy chục năm sống ở điểm đen trên quốc lộ 1 ở chân cầu Bình Điền (Bình Chánh, TP.HCM) chừng như đã quá quen với các vụ tai nạn. Ông có thể ngồi cả ngày để kể về những chiếc xe tải, xe container, xe ben, những hung thần mỗi ngày đi qua cửa nhà ông suốt từ sáng đến khuya, và cứ dăm bữa nửa tháng nó lại trở thành tử thần. “Ngồi trong nhà buôn bán nhưng tai tui cứ ngóng ra đường, hễ nghe rầm rầm, người la í ới là biết rồi. Tui chạy ra liền, chạy bằng xe máy dù chỉ vài chục, vài trăm mét thôi, là để chở họ đi cấp cứu mà...”.

Ông Bay có thể kể hàng chục, hàng trăm vụ tai nạn khác nhau mà ông đã tận mắt chứng kiến và cứ ám ảnh mãi. “Có lần đang đi mua đồ từ hướng đường Nguyễn Văn Linh về nhà thì gặp vụ tai nạn khiến hai vợ chồng trẻ chết tại chỗ. Đứa con nhỏ khoảng 4 tuổi may mắn thoát chết, hoảng loạn tới mức nhiều người thân trong gia đình đến mà cháu không hề nhận ra ai, chỉ kêu khóc bên xác ba mẹ, ai thấy cũng đau lòng... Rồi lại có tai nạn làm cụt nát đôi chân một cô bé mới mười mấy tuổi. Cô bé đang cùng bạn đạp xe đi dự sinh nhật, vừa băng qua đường ở ngã tư dưới chân cầu thì bất ngờ gặp tai họa, đôi chân bị xe tải nghiến nát”. Ông lắc đầu, chép miệng thở dài: “Không biết giờ mấy đứa nhỏ ra sao”. Rồi đến bản thân mình, cách đây mấy tháng, đang đứng trên vỉa hè trước nhà, một chiếc xe máy chạy ngược chiều bất ngờ chệch tay lái leo lên lề tông ông gãy chân.

Ông Bay bật cười kể ở Bệnh viện huyện Bình Chánh, ông quen từ bảo vệ tới giám đốc, bác sĩ, y tá, hộ lý đủ cả. “Không phải vì có bệnh nhiều mà vì tui thường xuyên chở người bị nạn đi cấp cứu. Lại cả công an nữa, có tai nạn là tui cùng bảo vệ hiện trường, dẹp đường, ổn định giao thông. Cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, đội xử lý tai nạn tui đều quen ráo trọi, chỉ vì có nhà ở trên cung đường đen thôi”.

Mạnh miệng thế nhưng ông Bay bảo rằng bản thân ông cũng thon thót trong lòng mỗi khi ra đường: “Phải hết sức cẩn thận. Có chút rượu bia là không lên xe. Đi xa trời tối cũng không lên xe. Thấy đèn vàng là lập tức đạp thắng...”.

Sống bên "cung đường đen" - 2

Một vụ tai nạn giao thông gây chết người tại vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai

Đội cứu hộ tự nguyện

Ngay tại ngã ba Dầu Giây, chúng tôi gặp một đội xe ôm mặc áo đồng phục xanh có thêu phù hiệu trên tay áo. Ngồi trên xe, mắt đăm đăm nhìn ra đường, mấy người đàn ông mặt sạm nắng gió gật đầu lia lịa khi nghe hỏi: “Tai nạn hả? Ở đây hơi bị nhiều à nha”. Anh Diệp Minh Huê mau mắn móc bóp ra một cái thẻ: “Đây, coi cái này thì biết liền”. Đó là thẻ chứng nhận cấp cứu viên do Hội Chữ thập đỏ cấp.

“Ngã ba này đông xe, đường ngoặt, đủ kiểu tai nạn: xe chở quá tải đứt thắng, xe khách chạy quá tốc độ mất lái, lật xe, tông vào cột điện, xe máy vi phạm luật... Anh em tụi tui ở đây phải chở người bị nạn đi cấp cứu liền liền, lâu dần, xã vận động đi học sơ cấp cứu. Thì đi, không thì lại lỡ tay làm họ bị thương nặng thêm. Đội dân phòng thành lập, bên cạnh việc chạy xe mưu sinh, chúng tôi cũng cắt người trực tại chỗ nữa”. Anh Cống Tấn Bậu đứng bên cạnh tiếp lời kể: “Mới tháng trước có anh cảnh sát hình sự đi xe máy tới ngã ba thì bị xe container đụng phải, chết ngay. Tai nạn ở đây hễ xảy ra là có chết người, khiếp lắm. Tụi tui hành nghề ở đây mới trở thành cấp cứu viên chuyên nghiệp vậy đó”. Anh Toàn ngồi bên cạnh trầm ngâm: “Chứng kiến tai nạn thường xuyên ngoài quốc lộ, công việc lại cũng buộc phải di chuyển thường xuyên ngoài quốc lộ, đôi khi tôi cũng run tay lắm. Một lần chở khách lên Sài Gòn, trước khi về mấy anh bạn rủ uống vài chai. Lần đó tôi bị té xe, may mà cũng chỉ trầy xước ngoài da. Tởn luôn, lần sau không dám uống mà đi xe nữa...”.

Chúng tôi còn chưa kịp rời khỏi ngã ba Dầu Giây nhiều ám ảnh thì cái tin thảm khốc về vụ tai nạn giao thông ở Núi Thành đã đến. Một tích tắc buông lơi vôlăng, không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, chiếc xe lao vào lề đường đã gây ra thảm họa cho cả mấy gia đình, cướp đi sinh mạng của những bà mẹ, những đứa trẻ đang vui mừng đón một ngày mới. Tám cuộc đời, trong đó có năm cuộc đời đáng lý sẽ còn rất dài, rất nhiều ước mơ, hi vọng của năm đứa trẻ thế là không còn nữa. Thay cho những niềm vui thì giờ đây là những nỗi đau xót sẽ còn triền miên trong gia đình những nạn nhân của tai nạn giao thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Vũ - Bảo Ân (Tuổi Trẻ)
Tai nạn giao thông - Nỗi đau để lại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN