Sở Y tế TPHCM lên tiếng vụ mắng người nhà bệnh nhân vì... đóng ít tiền
“Qua bài báo, chúng tôi thấy cách xử lý sai phạm của các cá nhân có liên quan đã rõ. Bệnh viện sẽ báo cáo ban đầu dựa trên giải trình của các đương sự, sau đó lập hội đồng xử lý và báo cáo kết quả về cho sở”, đại diện Sở Y tế thành phố nói.
Báo Tiền Phong số ra ngày 28/1 đăng bài Mắng người nhà bệnh nhân vì “đóng ít tiền”, phản ánh vụ việc các điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đứng chống nạnh, chỉ tay, la mắng, thách thức người nhà bé trai 27 tháng tuổi Đỗ Đức Huy bị tai nạn giao thông cụt mất 2 chân, đang nằm điều trị tại đây.
Ảnh cắt từ video clip cho thấy điều dưỡng đang mắng người nhà bệnh nhi.
Ngay trong sáng ngày báo ra sạp 28/1, Sở Y tế TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong. Đại diện Sở cho biết đã yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 báo cáo về vụ việc.
“Qua bài báo, chúng tôi thấy cách xử lý sai phạm của các cá nhân có liên quan đã rõ. Bệnh viện sẽ báo cáo ban đầu dựa trên giải trình của các đương sự, sau đó lập hội đồng xử lý và báo cáo kết quả về cho sở”, đại diện Sở Y tế thành phố nói.
Quan điểm của sở đó là sai phạm của 2 điều dưỡng Khoa và Lâm là hành vi của cá nhân, không đại diện cho cả bệnh viện.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Hồ Điệp - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết, ngoài điều dưỡng Khoa và Lâm, cả điều dưỡng trưởng của khoa bỏng - chỉnh trực cũng phải làm tường trình vì bị người nhà bé Huy phản ánh về thái độ và đã không báo cáo sớm việc người nhà bệnh nhi được giúp số tiền quá lớn. Đây là những nhân viên lâu năm của bệnh viện nhưng lại mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Điệp, bệnh viện có tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo để tiếp nhận tấm lòng từ nhà hảo tâm và hỗ trợ trường hợp người bệnh khó khăn.
“Với thương tật của bé Huy, chúng tôi thương bé không hết và xác định tiền cũng không thể bù đắp được. Nhưng bệnh viện vẫn sẽ hỗ trợ viện phí cho bé. Tôi cũng trấn an người nhà yên tâm, bác sĩ chỉ cứu người chứ không bao giờ trù dập ai cả, dù chuyện gì đã xảy ra”, bà Điệp chia sẻ.
Trước đó như đã đưa tin, chị Tô Nữ Nhật Thi (25 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết, ngày 3/1 khi chở con trai Đỗ Đức Huy (27 tháng tuổi) và mẹ chồng là bà Đỗ Thị Lý (47 tuổi) đi công việc bằng xe máy thì va chạm với một xe tải chạy cùng chiều khiến cả 3 người trên xe máy ngã ra đường. Một xe tải khác từ phía sau không xử lý kịp đã cán qua người bà Lý làm bà tử vong tại chỗ. Bé Huy bị bánh xe cán qua hai chân. Chị Thi bị gãy xương đòn.
Bé Huy được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM trong tình trạng dập nát hai chân, gãy tay trái, hoại tử bụng. Bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ hai chân, giúp bé qua cơn nguy kịch rồi chuyển bé vào khoa bỏng - chỉnh trực tiếp tục điều trị.
Nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm và giúp đỡ tiền bạc. Theo lời một người thân, số tiền mà các ân nhân cho gia đình chỉ trong vài tuần đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Chính vì lý do này, theo chị Thi, một số điều dưỡng khoa bỏng - chỉnh trực đã có thái độ khó chịu, thậm chí chửi mắng người thân của chị, vì cho rằng “được cho nhiều tiền mà lại không chịu đóng tạm ứng nhiều cho bệnh viện”.
Tiếp xúc với chúng tôi, chồng chị Thi cho biết video clip được tung lên mạng là do anh quay lại vì quá bất bình với cách hành xử của các điều dưỡng. Trong đoạn video, người chồng chất vấn nam điều dưỡng tên Khoa rằng tại sao nhân viên bệnh viện mà lại nói với thân nhân kiểu “người ta cho nhiều thế mà sao lại đóng có năm trăm?”.
Sau đó là hình ảnh ông Khoa sừng sổ chống nạnh, chỉ tay vào mặt chồng chị Thi quát: “Quay đi, quay đi… Bà thấy chưa, bây giờ dám quay tôi phải không… Anh nên nhớ một điều như vầy nè, con anh bệnh rất nặng, người ta cho anh bao nhiêu tiền, anh nghĩ làm sao mà đóng có năm trăm nghìn…”.
Tiếp theo đó, nữ điều dưỡng tên Lâm cũng hùa theo chỉ tay vào mặt người chồng thách thức: “Nãy giờ quay được cái gì rồi? Biết cách tung lên phây không, đưa đây để chỉ cho cách tung clip lên phây”. Cô điều dưỡng lặp lại nhiều lần điều này. Theo chồng chị Thi, không thể chấp nhận cách hạnh họe người dân như thế. “Người của bệnh viện không thể nói như vậy? Hóa đơn ghi đóng 500 nghìn, thì tôi đóng 500 nghìn, bảo đóng bao nhiêu, tôi đóng bấy nhiêu”, anh nói.