Se sắt lòng trước điệp trùng bia mộ chưa biết tên

Tháng 7 về, đến Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào, về với các anh, chúng tôi xúc động tưởng nhớ tới các anh đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân. Lòng người se sắt khi đứng trước rừng mộ với hơn 1 vạn ngôi, trong đó hơn 70% chưa có tên.

Se sắt lòng trước điệp trùng bia mộ chưa biết tên - 1

Chiến sĩ Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 lau chùi mộ đồng đội chưa biết tên tại nghĩa trang Việt - Lào. Ảnh: Nguyễn Hồng Quân

Các anh không cô đơn

Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) Trần Văn Hiền cho biết, nơi đây có 10.741 ngôi mộ, vẫn còn hơn 7.000 ngôi mộ mòn mỏi chờ khắc tên.

Dù đã có tên hay còn chưa biết tên, nhưng yên nghỉ tại nơi đây, các anh không cô đơn.

Mặc cho cái nóng bức của thời tiết nơi miền tây xứ Nghệ những ngày cuối tháng 7, 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 Sư đoàn 324 (Quân khu IV) vẫn miệt mài nhổ cỏ, quét vôi, phát cây, quét dọn đường đi, lối lại trong khuôn viên nghĩa trang.

Ngày 24/7, công tác tổng dọn vệ sinh được đại đội 9, tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 đảm trách. Mồ hôi ướt đầm vai áo nhưng các anh vẫn cần mẫn với một cái cọ bằng nhôm cọ rửa tỉ mẫn từng ngôi mộ dưới sự chỉ huy của chính trị viên Nguyễn Mạnh Tuấn.

Trung tá Nguyễn Thế Dương, Phó Chính ủy Trung đoàn 335 cho biết: “Từ nhiều năm nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 thường xuyên về Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào tổ chức báo công, dâng hương, dọn vệ sinh môi trường và kiểm sát quân sự trong các dịp lễ, Tết.

Đây là nơi yên nghỉ của gần 11 nghìn liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn Lào. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi hôm nay luôn phấn đấu huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước. Khi nhận được kế hoạch tổng dọn vệ sinh từ Ban quản lý Nghĩa trang, Trung đoàn đã cử cán bộ xuống khảo sát khối lượng công việc, xây dựng kế hoạch, phân công, cắt cử cán bộ phụ trách.

Thông qua việc làm nêu trên, không chỉ góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ đơn vị truyền thống đạo lý "uống nước, nhớ nguồn", mà còn là sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và tình hữu nghị anh em của hai dân tộc Việt Nam – Lào”.

Ông Trần Văn Hiền cho biết, năm nay Nhà nước chỉ đạo tiếp tục lấy mẫu để làm xét nghiệm AND, dự định làm đến cuối năm 2016 để xét nghiệm gen. Bước tiếp theo sẽ thông báo cho các thân nhân để lấy mẫu đối chứng xác định danh tính sớm trả lại tên cho các anh.

Số lượng các phần mộ chưa có tên, địa chỉ chiếm gần 70%, Ban quản lý nghĩa trang đã và đang tích cực phối hợp các cơ quan, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân xác minh tên, địa chỉ cho các phần mộ liệt sĩ.

Hơn ai hết, ông Trần Văn Hiền, cảm thông được nỗi niềm của các thân nhân liệt sỹ, đặc biệt là những thân nhân chưa tìm được mộ phần người thân. Ông cho biết: “Hơn 7.000 phần mộ chưa biết tên nhưng lúc nào cũng được chúng tôi và thân nhân liệt sỹ chăm sóc hương khói cẩn thận. Ban quản lý rất nhiệt thành trong việc hợp tác phối hợp với cơ quan chức năng để tìm tên cho liệt sỹ”.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An phối hợp lấy mẫu xét nghiệm cho 1887 hài cốt liệt sỹ. Được biết, các liệt sỹ này có thân nhân ở trên 36 tỉnh, thành. Hiện nay, tổ công tác đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN để đối chứng trả lại danh tính cho các liệt sỹ. Trong tương lai, sẽ tiến hành lấy mẫu tất cả các mộ liệt sỹ chưa biết tên để từng bước xác định danh tính của các anh.

1 trong 7.000 câu chuyện liệt sĩ chưa biết tên

Những ngày này, khắp mọi miền đất nước, những đoàn xe thân nhân liệt sĩ trở về nghĩa trang Việt – Lào tri ân các anh. Như bao năm trước, ông Nguyễn Văn Hoàn ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phải tự đi xe máy với quãng đường gần 200 km để lên với nghĩa các anh. Ông Hoàn tin rằng giữa rừng điệp trùng bia mộ sẽ có anh trai mình nằm đâu đó.

Se sắt lòng trước điệp trùng bia mộ chưa biết tên - 2

Ông Nguyễn Văn Hoàn dâng hương trước trùng điệp ngôi mộ chưa biết tên. Ảnh: Nguyễn Hồng Quân

Anh trai của ông Hoàn là liệt sĩ Nguyễn Văn Chinh, sinh năm 1949, nhập ngũ tháng 7/1967, Tiểu đoàn D43, tỉnh đội Nghệ An sang nước bạn Lào chiến đấu và hy sinh ngày 24/2/1972. Hơn 40 năm qua, gia đình ông Hoàn vẫn chưa tìm được mộ người anh mình.

Ông Hoàn bảo, sinh thời, cha của ông đã tìm hỏi các đồng đội chiến đấu tại Lào nhưng vẫn không tìm được. Rồi cha qua đời, ông tiếp nối công việc tìm mộ anh trai. Các nghĩa trang liệt sỹ ở miền Trung đều đã in dấu chân ông. Các trung tâm, tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sỹ từ Lào về Việt Nam ông cũng đã đến nhưng vẫn không nơi nào có kết quả.

Ông Hoàn trầm buồn: “Anh tôi hy sinh và được mai táng tại Trạm Phẫu 51, huyện Thầm Khợp, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Tuy nhiên, địa điểm Trạm Phẫu 51 bây giờ đã bị đổi tên, nó thuộc xã nào, bản nào, các đồng đội của anh đều không nhớ. Đại tá Hồ Trọng Bình, Đội trưởng đội Quy tập Liệt sỹ tỉnh đội Nghệ An, rồi các đồng chí phụ trách quy tập khu vực Mương Khăm, khu vực Mường Mộc tỉnh Xiêng Khoảng, là những người tôi đã gặp. Sau khi trao đổi, họ đều khẳng định, địa bàn đó đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang Việt- Lào”.

Ngồi bên cạnh phần mộ các liệt sĩ chưa biết tên tuổi, quê hương bản quán, ông Nguyễn Văn Hoàn tâm sự với người đã khuất những câu chuyện về quê hương, về gia đình với hy vọng rất có thể anh mình đang ở rất gần đây, hoặc nằm đâu đó trong nghĩa trang có thể nghe ông kể chuyện.

Tuổi ngày một cao, đi lại khó khăn, nguyện vọng của ông Hoàn là hàng năm được đi cùng chuyến xe ô tô của huyện Quỳnh Lưu tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang Việt – Lào dịp 27/7. Tuy nhiên, khi ông đề xuất nguyện vọng đó thì không được cán bộ phòng chính sách huyện hợp tác.

Ông Hoàn cho biết: “Anh mình cũng chiến đấu rồi hy sinh tại mặt trận Lào như bao liệt sĩ khác, chỉ khác là mộ anh chưa có tên nên gia đình mình không có tên trong danh sách thân nhân của các liệt sỹ ở nghĩa trang. Đó là lý do gia đình mình không được mời đi theo đoàn thân nhân do huyện tổ chức lên thắp hương. Đáng buồn hơn, lúc chương trình Trở về từ ký ức ra số thứ 3, mình có làm hồ sơ gửi cho chương trình, lên phòng chính sách huyện xin đóng dấu chứng nhận là thân nhân liệt sỹ. Cán bộ trong phòng chính sách huyện còn làm khó dễ, nói nặng lời với mình: "Đã trở về thì làm gì có ký ức". Theo ông này là không có chương trình đó”.

“Gần lắm, có thể người thân đang nằm bên cạnh mình, ở lối đi vừa bước qua. Nhưng cũng có thể anh nằm ở một nơi nào đó mình chưa đặt chân đến”, đó là tâm niệm mà ông Nguyễn Văn Hoàn khắc ghi và cũng là của rất nhiều thân nhân chưa tìm được mộ người thân để rồi tháng 7 về họ chẳng quản đường sá xa xôi lại trở về với các anh, về với niềm tây xứ Nghệ.

Chiến trường đã lắng mùi khói súng hơn 4 thập kỷ, đau thương còn dai dẳng đến hôm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Thành (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN