Sẽ bỏ bớt thủ tục xét "Nghệ nhân nhân dân"?

"Cần đơn giản hóa đến mức có thể các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng danh hiệu".

Đó là ý kiến của các nhà khoa học tại Hội nghị góp ý vào dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Hội nghị do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 10/4.

Nghị định này qui định đối tượng, tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; một số qui định về chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Tại Hội thảo, các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được các đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá quốc gia quan tâm đến đặc thù khi làm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. GS Tiêu cho rằng, người lao động sáng tạo độc lập không thuộc biên chế một tổ chức nhà nước, vì thế, cần đơn giản hóa đến mức có thể các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng.

Theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, “số hoá, lượng hoá” ghi trong dự thảo cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Bởi quy định “có thời gian thực hành và phổ biến tri thức, kỹ năng đang nắm giữ” từ 25 năm trở lên đối với Nghệ nhân nhân dân và từ 20 năm trở lên đối với Nghệ nhân ưu tú là quá dài, khó có thể thực hiện được. Việc số hoá, lượng hoá như thế này rất có thể sẽ bỏ lỡ tài năng.

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư Ký Hội Di sản văn hoá Việt Nam cũng cho rằng, thời gian quy định như trong Nghị định là quá dài, nên rút bớt 5 năm. Cụ thể, còn 20 năm trở lên đối với Nghệ nhân nhân dân và từ 15 năm trở lên đối với Nghệ nhân ưu tú.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên cho phép một số tổ chức có trách nhiệm đứng ra làm hồ sơ giúp nghệ nhân. Lý do, trên thực tế có những nghệ nhân không biết chữ hoặc không còn đủ điều kiện sức khoẻ để trực tiếp thực hiện lập hồ sơ theo quy định.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, Tổ thư ký Hội thảo sẽ tổng hợp và báo cáo Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện, phấn đấu trong quý II sẽ hoàn thiện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Dự thảo Nghị định được trình bày gồm 5 Chương với 21 Điều. Dự thảo Nghị định cũng đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNND, NNƯT); Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT; Hội đồng xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT và quy trình, hồ sơ, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT.

Đối tượng được xét tặng của Nghị định này là cá nhân đang sinh sống trong và ngoài nước nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các lĩnh vực: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian.

(DỰ THẢO LẦN 3 NGHỊ ĐỊNH Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể).

Điều 5. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
2. Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương;
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống;
4. Tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng;
5. Đào tạo được nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
6. Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước thể hiện ở thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị rất cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;
7. Có thời gian thực hành và phổ biến tri thức, kỹ năng đang nắm giữ từ 25 năm trở lên;
8. Đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm đề nghị.

Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét phong tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 5 Nghị định này;
2. Có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương thể hiện ở thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;
3. Có thời gian thực hành và phổ biến tri thức, kỹ năng đang nắm giữ từ 20 năm trở lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN