Sập nhà ở HN: "Chúng tôi không kịp cảnh báo người dân"

“Do nhà đổ sập xuống quá nhanh nên những cán bộ làm việc ở trong ngôi nhà chỉ kịp hò nhau chạy ra ngoài chứ không kịp hô cảnh báo cho những người dân ở xung quanh khu vực”, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Vào lúc 12h40 phút ngày 22.9.2015, tòa nhà cổ ở địa chỉ 107 đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội bất ngờ đổ sập. Thông tin ban đầu, 2 người tử vong, 5 người khác bị thương.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tòa nhà đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây cũng khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.

Sập nhà ở HN: "Chúng tôi không kịp cảnh báo người dân" - 1

Hiện trường ngôi nhà sập đổ khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi giải phóng Thủ đô Hà Nội, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội đã tiếp quản, quản lý tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo. Năm 1966, UBND TP. Hà Nội đã cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thuê (không có thời hạn) lại ngôi nhà trên.

Hiện tại, tòa nhà do cán bộ công nhân viên Ban quản lý Dự án khu vực 1 sử dụng. Hằng ngày, có 35 cán bộ, nhân viên đến làm việc. Toàn bộ tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà đều được sử dụng làm phòng làm việc.

“Cán bộ nhân viên, làm việc trong tòa nhà khi phát hiện tường bị nứt đã báo cáo lãnh đạo ban, đồng thời tổ chức sơ tán ra khỏi tòa nhà. Đến khoảng 12h40, toàn bộ tầng 2 tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sập đổ, đè vào một số người dân ở gần khu vực”, ông Hoạch thông tin.

“Do nhà đổ sập xuống quá nhanh, nên những cán bộ làm việc ở trong ngôi nhà chỉ kịp hò nhau chạy ra ngoài chứ không kịp hô cảnh báo cho những người dân ở xung quanh khu vực. Thời điểm xảy ra sự việc, có nhân viên chạy ra ngoài, vấp ngã đã bị thương”, ông Hoạch nói thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thông tin, thời gian nhân viên phát hiện ra ngôi nhà bị nứt lúc 12h35 phút và đến 12h40 phút ngôi nhà đổ sập. Như vậy, vẫn có khoảng 5 phút để cho cán bộ nhân viên ở trong tòa nhà chạy ra ngoài và cảnh báo người dân biết.

Liên quan đến nội dung này, ông Hoạch cho hay, thời gian trong báo cáo, chỉ là ước lượng, chưa thực sự chính xác. Bởi vì, thời điểm xảy ra sự việc rất nhanh, cán bộ, nhân viên không thể nhớ chính xác là ngôi nhà bị nứt vào thời gian nào, sau bao lâu đổ.

Ông Hoạch cho hay, tòa nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc, theo kiểu kiến trúc biệt thự, diện tích khoảng 600m2. Ngôi nhà gồm 2 tầng. Nhà không có cột trụ bê tông, xây bằng gạch. Hằng năm, đơn vị, vẫn duy tu, sửa chữa, kiểm tra mức độ an toàn của ngôi nhà. Ngoài ra, cách đây hơn 10 năm, tầng 1 của toà nhà được cho một đơn vị tư nhân thuê làm phòng khám. Sau khoảng 3 năm hoạt động, đơn vị đã ngừng cho thuê và bố trí khu vực này làm phòng làm việc của cán bộ nhân viên ngành đường sắt.

Trước thời điểm xảy ra tai nạn, ngôi nhà không có dấu hiệu nghiêng nứt, đe dọa về an toàn. Các cán bộ công nhân viên vẫn làm việc bình thường.

“Nếu phát hiện ngôi nhà nghiêng nứt, hay có dấu hiệu bất thường, chúng tôi sẽ ngừng sử dụng và có cảnh báo cho người dân xung quanh. Nhưng đằng này, chúng tôi không thấy ngôi nhà có dấu hiệu đe dọa an toàn”, ông Hoạch chia sẻ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng các cơ quan chức năng (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) trực tiếp chỉ đạo; đồng thời điều động 36 dân quân tự vệ ngành đường sắt cùng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Trong chiều ngày 22.9, đại diện lãnh đạo Công ty trực tiếp đến thăm hỏi các hộ gia đình trong khu vực bị ảnh hưởng và đến bệnh viện thăm các nạn nhân bị thương do sự cố này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN