Sao không đấu thầu lễ hội pháo hoa Đà Nẵng?

Vẫn còn những dấu hỏi về việc, tại sao một công ty không có uy tín vẫn cứ được đồng ý cho nhận chính chương trình này trong nhiều năm, sao không đưa chương trình ra đấu thầu?

4,7 tỉ đồng - con số “tàn nhẫn”

Có một thực tế rằng rất nhiều chương trình lễ hội lớn hiện nay là rơi vào tay các công ty tư nhân và thân phận của nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật nhà nước, thậm chí ở cấp quốc gia là đi... làm thuê.

Dễ hiểu như ban ngày dù là “luật bất thành văn”, là các công ty tư nhân với bộ máy gọn nhẹ, cơ chế linh hoạt... thì chế độ ăn chia, “lại quả” cũng thông thoáng, xông xênh hơn hẳn, so với một đoàn nghệ thuật nhà nước. Bình luận về con số 4,7 tỉ đồng cho chương trình nghệ thuật pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và mức cátsê 6.000USD (nếu có) cho ca sĩ trong chương trình này, một giám đốc nhà hát cấp bộ (yêu cầu không đề tên) gọi đó là những con số “không phải tàn nhẫn mà là... quá tàn nhẫn, “tàn phá” đất nước”.

Là “tàn nhẫn”, vì theo tính toán sơ bộ của ông bầu dày dạn kinh nghiệm tổ chức biểu diễn này thì nếu “kéo quân” từ Hà Nội vào Đà Nẵng cho một chương trình trong bằng ấy thời lượng, ngôi sao... thì tổng chi phí cũng chỉ có thể lên đến 2,5 - 2,7 tỉ là cùng và thế cũng đã đủ để có lãi. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là sao không cho đấu thầu, như với các công trình nghệ thuật khác? Vì sao thay vì sự minh bạch cần có, lại là những động tác “đi đêm”? Dù người đưa ra kiến nghị này ngay sau đó cũng tỏ ra không được lạc quan cho lắm khi ngậm ngùi “tiên đoán”: “Nhưng kể cả có cho đấu thầu thì các đoàn nhà nước cũng dễ bị cho ra rìa lắm!”.

Tạp kỹ hay sự kiện quốc tế?

Trong khi đó, dư luận Đà Nẵng rất bất bình trước việc Cty Sơn Lâm liên tục nhận được  “thương vụ” lớn là sự kiện pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, bởi trong cả 5 lần trình diễn pháo hoa trước đây, phần nghệ thuật do Cty Sơn Lâm tổ chức chẳng khác nào một chương trình... tạp kỹ. Chỉ “lắp ráp” các tiết mục đơn điệu, “lắp ráp” ca sĩ đơn lẻ... mà không có chiều sâu, không làm nổi bật, tôn vinh đặc sắc  văn hóa địa phương.

Sao không đấu thầu lễ hội pháo hoa Đà Nẵng? - 1

Việc Đà Nẵng kịp thời và mạnh tay cắt giảm chi phí mà thành phố cho là vô lý trong chương trình nghệ thuật pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là điều đáng mừng.

Ông Nguyễn Hữu Chiến - PGĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng - “ta thán” về đơn vị tổ chức pháo hoa: “Cty Sơn Lâm hợp đồng với Đà Nẵng, cam kết chương trình nghệ thuật được thực hiện bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng nhiều năm trước đây họ toàn thuê lại các vũ đoàn, ca sĩ “tay ngang” tại địa phương, nhưng với giá... chuyên nghiệp. Với tư cách người phụ trách chuyên môn về chương trình nghệ thuật, tôi đã từng nhiều lần phản đối việc này. Năm 2012, chúng tôi buộc Sơn Lâm phải sử dụng nghệ sĩ chuyên nghiệp, duyệt từ Hà Nội”.

Đặc biệt, nhạc sĩ Trần Quế Sơn - tác giả ca khúc “Sắc hương thành phố” đã tố Cty Sơn Lâm quỵt tiền nhuận bút cho ca khúc của anh viết riêng cho chương trình nghệ thuật pháo hoa năm 2010, do ca sĩ Tấn Minh trình bày. “Trong khi Cty Sơn Lâm trả tiền cátsê cho ca sĩ 30 triệu đồng thì tác giả của ca khúc này không được trả nhuận bút và còn không được một vé mời nào trong đêm trình diễn ca khúc của mình” - Trần Quế Sơn bức xúc.

Năm nay, đến thời điểm này, Cty Sơn Lâm vẫn chưa hoàn thiện kịch bản chi tiết cho sự kiện, chương trình nghệ thuật.

Thế nhưng vì sao Sơn Lâm liên tục được nhận tổ chức sự kiện này, trong khi Đà Nẵng cũng có cả trung tâm tổ chức sự kiện? Ông Trần Quang Thanh - PGĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng - gần như “bế tắc” câu trả lời. Theo ông Thanh, “lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo sẽ lựa chọn đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp hơn cho lần tổ chức sau. Đặc biệt sẽ nâng cấp các đơn vị nghệ thuật, trung tâm tổ chức sự kiện lên tầm chuyên nghiệp hơn để phục vụ các sự kiện lớn tương tự”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thủy Lê - Thanh Hải (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN