Săn cá "quý" trên sông Trà
Khi tới mùa sinh sản, cá bống thường di cư về phía thượng nguồn sông Trà Khúc nên người dân dựa vào đó để đặt bẫy, bắt loài cá quý hiếm này
Cá bống sông Trà - một đặc sản nức tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi. Cái tên cá bống sông Trà cũng đã được đưa vào rất nhiều tác phẩm thơ ca cũng như ký ức của những ai từng đến Quảng Ngãi thưởng thức món đặc sản này.
Mỗi năm chỉ có 1 mùa
Khác với nhiều nơi, cá bống sông Trà sống trong môi trường là lớp cát trắng tinh của dòng sông Trà Khúc (còn có tên là sông Trà), ăn sinh vật phù du trên cát. Có lẽ vì thế mà loài cá này sau khi được chế biến đã mang hương vị đặc trưng, không nơi nào sánh bằng.
Đổ ống bắt cá bống trên sông Trà Khúc
Ông Nguyễn Văn Định (70 tuổi; ngụ thôn Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), người đã gắn bó cả đời với công việc mưu sinh trên dòng sông Trà, cho biết cá bống sông Trà hiện có nhiều loài khác nhau nhưng phổ biến thì có 2 loài chính là cá bống cát và cá bống dừa.
Cá bống cát, theo ông Định mô tả, thường có màu vàng óng, thịt trong và chủ yếu phân bổ trên đoạn sông khoảng 3-5 km từ chân cầu Trà Khúc 2 đến khu vực các xã Tình Hà và Tịnh Sơn của huyện Sơn Tịnh. Khác với nhiều loài khác, cá bống cát chỉ đặc biệt ưa sống ở nơi nước chảy, lòng sông có cát trắng, ăn rong, tảo, sinh vật phù du nên thịt thơm ngon và đây là loài cá có giá trị nhất.
Ông Nguyễn Văn Định sau hơn 2 giờ đổ ống bắt cá bống sông Trà Khúc
Ngược lại, cá bống dừa ít có giá trị hơn, hương vị cũng không thơm ngon bằng và loài này sinh sống chủ yếu ở khu vực nguồn nước bị xâm nhập mặn như vùng các xã Tịnh Long và Tịnh An của TP Quảng Ngãi hiện nay. Thân cá có màu nâu sẫm, không vàng như cá bống cát.
Vì đặc tính sinh sản nên mỗi năm, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 7 âm lịch, cá bống di chuyển về phía thượng nguồn sông sông Trà Khúc để sinh sản nên người dân dựa vào đó mà đặt bẫy, săn bắt loài cá này.
Phải nhẹ nhàng, nhanh tay
Để bắt cá bống thì có nhiều cách khác nhau nhưng ông Nguyễn Văn Định nói họ chủ yếu dùng lưới và đặt bẫy bằng ống tre. Dùng lưới thì có thể bắt được các loài cá khác lẫn lộn vào, nếu dùng ống tre thì chủ yếu là bắt được cá bống cát do chúng kéo nhau vào đó sinh sản.
Ống tre là dụng cụ làm bằng thân cây tre đã được cưa thành từng khúc, phơi khô, dài hơn nửa mét. Bên trong ống, vách ngăn giữa các mắt tre được đục bỏ, 2 đầu ống để trống cho cá chui vào. Ở giữa thân ống, người ta gắn cọc để cắm xuống nước. Thời điểm thả ống thường cuối tháng 3 đến hết tháng 7 âm lịch là lúc cá bống di cư sinh sản. Vị trí cắm ống phải là chỗ nước chảy, có độ sâu tới ngực.
Để đánh dấu vị trí chỗ có đặt bẫy cá bống bằng ống tre, người ta thường cắm một cây sậy hoặc cây nọc làm hoa tiêu. Sau khi thả ống khoảng 10-15 ngày cho ống "chín", cá mới bắt đầu vào trong ống trú ẩn. Việc dốc ống để bắt cá được bắt đầu vào mỗi buổi sáng hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Kiềng cho biết cá bống sông Trà Khúc ngày càng khan hiếm
Theo ông Định, khi đổ ống cũng phải nhẹ nhàng, nhanh tay, tránh gây nên tiếng động mạnh làm cho cá bống ở trong ống chạy ra ngoài; đồng thời người ta dùng tay bịt chặt ở hai đầu rồi đổ cá vào rổ hoặc giỏ, xong cắm xuống lại để ngày hôm sau dốc tiếp.
"Chỉ cần bịt hai đầu ống dốc lên, nếu có cá sẽ kêu ro ro bên trong. Tùy theo ống, cũng có ống không con cá nào vào ở, có ống được tới 2-3 con, thậm chí 4 con cá bống ở chung trong đó. Nếu cá nhiều, người đổ ống rất ham, làm không biết mệt" - ông Định nói.
Theo nhiều người dân, mỗi buổi sáng họ đi đổ từ 200-300 ống bẫy như vậy. Lượng cá bống bắt được khoảng từ 1-2 kg, thu về 200.000 - 300.000 đồng. Lượng cá bống bắt được không đều, có năm nhiều nhưng cũng có năm ít. Năm ngoái được mùa, mỗi buổi sáng đổ chừng 200 ống, có thể kiếm được 3-4 kg cá bống, năm nay chỉ còn 1-2 kg.
Dần cạn kiệt
Ngồi bệt xuống đất nghỉ mệt sau hơn 3 giờ lặn lội thả lưới, bà Nguyễn Thị Kiềng (74 tuổi, ngụ thôn Liên Hiệp 2) cho biết mấy năm nay cá bống dần cạn kiệt, mỗi ngày đánh bắt được càng ít.
Hơn 74 tuổi, cả đời gắn bó với dòng sông Trà Khúc, từ công việc cào don, cào hến, đánh lưới, thả ống… đến những công việc nặng nhọc như đi đãi sạn, bà Kiềng chứng kiến bao câu chuyện buồn vui cùng dòng sông Trà Khúc.
Cá bống sông Trà Khúc
Bà Kiềng kể ngày xưa, khi sông Trà Khúc còn có những bãi cát trắng mênh mông, cá tôm rất nhiều. Đặc biệt là cá bống cát, tôm càng. "Mỗi buổi sáng thả lưới ở những gò cát như thế, bà cũng kiếm được 4-5 kg cá với rất nhiều loại khác nhau nhưng chủ yếu là cá bống. Còn bây giờ, thức dậy đi thả lưới từ lúc 4 giờ đến 8 giờ mà nhiều lắm cũng chỉ được 1 kg cá" - bà Kiềng nói.
Rồi bà Kiềng cho biết nguyên nhân chính khiến cá tôm ở sông Trà Khúc cạn kiệt chủ yếu là do nạn khai thác cát, ô nhiễm môi trường và đánh bắt bằng xung điện (chích điện).
Đang loay hoay dỡ những chiếc ống cuối cùng để đưa lên bờ, ông Phạm Bồng (72 tuổi ngụ xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) thở dài cho biết vì nay đã cuối mùa nên đưa ống lên bờ để đó chứ chưa chắc sang năm có thả ống tiếp tục được nữa không. Bởi theo ông Bồng, cá mỗi năm mỗi ít nhưng người chích điện mỗi ngày mỗi nhiều. Ngay cả cá thài bai (tên gọi khác của cá bống khi còn nhỏ bằng cây tăm - PV), bây giờ cũng rất hiếm.
"Ngày xưa, mỗi đêm dùng đó đơm cá thài bai, sáng ra xúc được cả mủng cá. Giờ thì chỉ nửa chén là cùng. Nhiều người trước đây cũng kiếm sống qua ngày nhờ thả lưới, đặt ống, đơm cá… nhưng giờ họ chuyển qua nghề khác hết" - ông Bồng nhấm nhẳng.
Cá nhỏ bắt xong phải thả ra "Sông Trà Khúc ngày càng ít cá bống, vậy sao tiểu thương vẫn thu mua được nhiều cá bống sông Trà?". Nghe tôi hỏi câu này, ông Phạm Bồng cười: "Cá bống đó đa phần được người ta đánh bắt ở vùng sông của huyện miền núi Trà Bồng hoặc tận ngoài tỉnh Quảng Nam chuyển vào, trộn với cá bống sông Trà Khúc mới nhiều vậy đó. Tui đánh bắt, thả ống mấy chục năm qua nên biết rất rõ chuyện đó" - ông Bồng khẳng định. Rồi ông nói tiếp: "Tôi đi thả ống, đánh lưới, gặp cá nhỏ bắt xong phải thả ra để cho nó lớn, sinh sôi nảy nở, chứ không bắt theo kiểu tận diệt, bất chấp. Nếu mình đánh bắt theo kiểu tận diệt như chích điện, không chừa cho tôm cá đường sống, lấy gì mai mốt con cháu mình còn có nữa mà ăn". |
"Cứ vài ba hôm lại thấy có người đi ghe, chích điện thì làm sao tôm cá sống nổi. Kiểu này, vài ba năm nữa, cá bống chắc sẽ không còn con nào” - bà Nguyễn Thị Kiềng than thở. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ba con rùa núi Viền quý hiếm, thuộc nhóm nguy cấp cần bảo vệ - được một người dân tại Quảng Bình tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để chăm sóc, bảo tồn.