Rộn ràng tát đìa bắt cá đồng ăn Tết ở miền Tây

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Tát đìa (tát ao) là cách bắt cá mang đậm nét đặc trưng của người dân miền Tây và nhiều vùng quê khác. Hình ảnh người nông dân “chân lấm, tay bùn” hì hục mò từng con cá dưới lớp bùn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống dân dã miền quê mỗi khi năm cũ sắp qua.

Vùng quê rộn ràng mùa tát đìa

Tờ mờ sáng, anh Đào Việt Triều (ngụ ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đã dậy chuẩn bị máy bơm để hút nước đìa (ao) gần nhà bắt cá ăn Tết. Ông Tư Chiến (cha ruột anh Triều) sửa soạn xô, thau, rổ… chờ đìa cạn bắt cá. Mấy người cháu của ông Tư Chiến cũng tranh thủ qua phụ giúp một tay.

Ngồi chờ đìa cạn, ông Tư Chiến kể lại hồi ức tát đìa ăn Tết thuở trước. Theo ông, ngày xưa, nguồn lợi cá đồng nhiều vô số, mỗi lần nhà nào tát đìa thu hoạch, cá nhiều cho cả xóm ăn Tết. “Hồi đó cá dữ lắm, có thể 100 – 200kg. Chủ đìa bắt sơ qua lượt hết cá lớn rồi cho hàng xóm bắt cá hôi nên một nhà tát đìa cả xóm cùng ăn. Nghe tát đìa là bà con đến đông vui lắm”, ông Tư Chiến nhớ lại.

Tát đìa hiện nay thuận tiện hơn nhờ có máy và dụng cụ bơm nước.

Tát đìa hiện nay thuận tiện hơn nhờ có máy và dụng cụ bơm nước.

Nhấp chén trà nóng, ông Tư kể tiếp: “Hồi xưa tát đìa đông vui lắm. Trong xóm có nhà nào tát đìa là mình đến phụ giúp, rồi tới nhà mình tát đìa, hàng xóm tiếp lại, kiểu làm dằn công với nhau. Nhưng bây giờ cá ít quá nên mạnh nhà nào nhà nấy làm, không còn dằn công như xưa nữa. Nhớ lại, cũng có chút tiếc nuối".

Theo ông Tư Chiến, mùa tát đìa thường diễn ra trước Tết khoảng mười ngày, nếu quá sớm, cá rộng (nhốt cá) lâu sẽ chết hoặc ốm (gầy). Tát đìa chỉ bắt cá lớn, không bắt cá nhỏ nên mùa sau lại có cá ăn tiếp. Năm nào cũng vậy, cúng xong ông Táo gia đình ông xách máy ra bơm nước tát đìa.

"Chiến lợi phẩm” buổi tát đìa - một con cá lóc nặng hơn nửa ký.

"Chiến lợi phẩm” buổi tát đìa - một con cá lóc nặng hơn nửa ký.

Nói đến chuyện tát đìa ăn Tết, anh Ngô Minh Chiểu (ngụ Thành phố Cà Mau – đồng nghiệp với anh Triều) cho hay, tát đìa vui nhất là lúc bắt cá. Lúc đó, khoảng 4 - 5 người trong nhà kéo xô, rổ, dàn hàng ngang bắt cá, kể nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm để quên đi mệt nhọc.

“Bắt cá xong, mặt mũi ai nấy cũng lấm lem bùn đất. Mệt nhưng vui, vì được sống gần gũi với thiên nhiên. Về quê tôi thấy không khí trong lành, thoải mái. Mình cũng xuất phát từ nông dân nên mỗi lần nhìn thấy cảnh tát đìa là mê lắm”, anh Chiểu tâm tình.

Cá lóc đồng nướng trui

Khi nước cạn dần cũng là lúc mặt đìa lục ục những bọt khí của những con cá đang ngoi lên do mắc cạn. Anh Chiểu và mấy anh em trong xóm nhanh chân xuống đìa bắt cá kịp trời nắng lên. Họ lê từng bước nặng trịch dưới lớp bùn lún ngang đầu gối để lùng sục những con cá lóc lớn “ém” dưới lớp bùn.

Một con, 2 con, 3 con... rồi đầy xô cá! Những con cá lóc, cá trê trắng, cá trê vàng, cá rô, cá thác lác... lần lượt vào rọ qua đôi bàn tay của những thợ sát cá.

Anh Chiểu từ phố về quê cùng gia đình đồng nghiệp tát đìa ăn Tết.

Anh Chiểu từ phố về quê cùng gia đình đồng nghiệp tát đìa ăn Tết.

Hơn 30kg cá đủ loại, ông Tư Chiến phân loại cá. Ông vừa làm vừa chia sẻ: “Ở đây mình làm ruộng 2 vụ nên mỗi năm tát đìa 2 lần. Vụ tát cho đồng khô để sạ lúa, cá thu được chủ yếu loại cá non nửa mùa. Vụ Tết, cá lớn hơn, cá to để bán, phần còn lại để gia đình ăn Tết”.

Tát đìa xong, anh Triều chọn vài con cá lóc to đem đi nướng trui bằng rơm. Khi rơm cháy hết cũng là lúc những con cá lóc, cá rô vừa chín tới, chỉ cần gạt sơ lớp vảy cá dính bụi than bên ngoài, thịt cá trắng, thơm, vẫn bốc hơi nóng lên thơm lừng.

Sau tát đìa, chủ nhà sẽ chọn những con cá lóc to để nướng trui đãi khách.

Sau tát đìa, chủ nhà sẽ chọn những con cá lóc to để nướng trui đãi khách.

Nhóm bạn của anh Triều cũng bắt tay chuẩn bị tiệc theo kiểu chân quê. Họ lấy lá chuối làm mâm, bày cá nướng lên, tất cả ngồi quây quần bên nhau, xen lẫn tiếng cười rôm rả giữa cơn gió tháng Chạp vi vu trên đồng. Mấy con cá nướng còn nóng, từng lớp thịt chín trắng chấm muối ớt khiến những ai một lần được thưởng thức khó thể nào quên.

Nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ với chuyện “bắt cá hôi”, anh Lâm Hoàng Anh (ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Hồi nhỏ, chủ đìa bắt cá ăn Tết thì mấy đứa con trai chừng 10-12 tuổi trong xóm cứ đi qua đi lại "chờ thời". Chừng nào chủ đìa tuyên bố bỏ đìa, đám trẻ chúng tôi liền nhào xuống "hôi" cá. Bữa nào trúng mánh, cá nhiều, mấy đứa trẻ liền xách xâu cá xỏ dây về cho mẹ, quần áo, mặt mày ai nấy cũng lấm lem bùn sình. Dân nghèo nhờ đó mà có được bữa cơm tươm tất hơn vào ngày cuối năm”.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau tiếng trống khai hội, hàng nghìn người dân ở Hà Tĩnh lao xuống đầm nước rộng lớn để đánh bắt cá cầu may. Đây là lễ hội truyền thống của địa phương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Lộc ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN