Quảng Nam: Lắp trạm quan trắc động đất
Để đáp ứng nhu cầu bức thiết ở địa phương trong việc sớm tìm hiểu nguyên nhân động đất tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC) có kế hoạch tổ chức lắp đặt khẩn cấp mạng trạm quan trắc động đất xung quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 muộn nhất vào đầu tháng 10/2012.
TS Nguyễn Xuân Anh Viện VLĐC cho biết, do tính cấp thiết của công việc, Viện VLĐC đã xin chủ trương của Viện Khoa học&Công nghệ VN đặt năm trạm quan trắc động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2.
Cụ thể, nhà trạm sẽ được xây dựng vào cuối tháng 9/2012, và việc lắp đặt sẽ được thực hiện vào đầu tháng 10.
Ông Anh cùng các nhà khoa học của Viện sẽ vào lắp đặt. “Chúng tôi đã khảo sát và chọn xong địa điểm, đã xác định xong sơ đồ vị trí đặt trạm. “Ngoài các máy địa chấn, chúng tôi sẽ cho lắp đặt thêm một số máy đo gia tốc để đo dao động nền” – TS Anh nói.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện VLĐC, có được máy gia tốc để đo gia tốc nền là rất cần thiết, vì đấy mới là số liệu mà dựa vào đó, người ta thực hiện mô tả các dấu hiệu phá hủy trên mặt đất mỗi khi xảy ra động đất theo các thang động đất.
Sơ đồ đới đứt gãy ở Bắc Trà My
Lâu nay, việc liên tục công bố các giá trị đo gia tốc do các máy đo gia tốc đặt ở các vị trí khác nhau của đập Thủy điện Sông Tranh mà không giải thích rõ dễ gây hiểu nhầm cho công chúng.
Các giá trị gia tốc đo được và công bố thời gian qua là phản ánh mức độ dao động các thành phần của đập khi xảy ra động đất, qua đó, đánh giá độ bền của đập hoặc khả năng chịu rung chấn của đập đối với động đất.
Nhưng nền đất, nơi có các công trình dân sinh và dân sinh sống, sẽ có gia tốc dao động (các nhà khoa học gọi là gia tốc dao động nền) khác và thấp hơn nhiều so với các giá trị đo gia tốc mặt đập hay vai đập.
Bản thân vai đập Sông Tranh 2, vị trí thấp nhất của đập đặt máy đo gia tốc, đã cao hơn nền đất tới 80 m, theo TS Lê Tử Sơn, Viện VLĐC.
Vẫn theo TS Sơn, các nhà chuyên môn của Viện VLĐC chọn được các máy quan trắc tốt nhất ở mức có thể trong điều kiện Viện VLĐC đang không có nguồn kinh phí bổ sung nào để mua máy mới.
“Kể cả có tiền mua máy mới, cũng mất không dưới nửa năm mới nhận được máy tính từ khi kinh phí được duyệt”, TS Sơn nói.
Một khi mạng trạm quan trắc được thiết lập ở thủy điện Sông Tranh 2, nhiều trận động đất ở đó sẽ được ghi lại với độ chính xác cao. Đấy sẽ là nguồn thông tin hữu ích để nhận định và phán đoán các trận động đất ở vùng này.
TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, Viện VLĐC cho rằng, đây cũng sẽ là mạng trạm quan trắc động đất địa phương đầu tiên ở khu vực Quảng Nam, được thiết lập cạnh mạng trạm địa chấn quốc gia.
Mời tiếp chuyên gia ngoại đánh giá động đất
Khoảng cuối năm nay, chuyên gia động đất từ nhiều nước khác nhau sẽ được mời tham gia khảo sát tình hình động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, các chuyên gia động đất dự kiến mời có thể là các nhà khoa học đầu ngành lĩnh vực này đến từ các nước Nhật, Mỹ, Nga, Ý, Ba Lan.
Khoảng tháng 11/2012, sau khi tham dự kỷ niệm 25 năm thành lập Viện VLĐC và 55 năm ngành VLĐC Việt Nam, một vài trong số các nhà khoa học ấy sẽ được mời đến hiện trường Thủy điện Sông Tranh 2.
Tại đó, họ sẽ có các khảo sát cùng các nhà khoa học VN và đánh giá tình hình động đất ở đó trong mối quan hệ với công trình Thủy điện Sông Tranh 2.