Putin phớt lờ mọi cảnh báo của Mỹ ở Crimea

Bất chấp các cảnh báo của Mỹ, Nga vẫn tăng cường ảnh hưởng của mình tại Crimea.

Trong những ngày gần đây, liên tiếp những lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin đều bị gạt sang một bên trong khi ông Putin càng thúc đẩy các nỗ lực nhằm kiểm soát bán đảo Crimea của Ukraine.

Sau khi ông Obama lần đầu tuyên bố rằng Nga sẽ phải “trả giá” nếu Putin đưa quân vào Crimea, các lực lượng thân Nga ở đây đã dần dần chiếm được quyền kiểm soát cả bán đảo này và họ đã quyết định tổ chức sớm một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của vùng đất này.

Mặc dù ông Obama tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý này là vi phạm pháp luật quốc tế, nhưng ở khu vực mà người gốc Nga chiếm đa số, nhiều khả năng cuộc trưng cầu dân ý sẽ trở thành một trở ngại đối với nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Putin rút quân khỏi Crimea.

Putin phớt lờ mọi cảnh báo của Mỹ ở Crimea - 1

Ông Obama trao đổi qua điện thoại với ông Putin về tình hình Ukraine

Ông Andrew Kuchins thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Trong cách nghĩ của Putin, cuộc trưng cầu dân ý này là sự hợp thức hóa sự hiện diện của Nga tại khu vực đó.”

Nếu người dân Crimea nhất trí sáp nhập vào Nga, cuộc trưng cầu dân ý này sẽ đặt chính quyền Obama vào một vị thế khó khăn nếu phản đối nguyện vọng của đông đảo người dân.

Mỹ đã tìm cách bắt kịp những động thái nhanh chóng của người Nga bằng cách đưa ra một loạt biện pháp cấm vận tài chính và đi lại đối với người Nga cùng các đối thủ chính trị của chính quyền lâm thời ở Kiev. Các quan chức Mỹ cũng ra sức ngoại giao con thoi khắp thế giới để thuyết phục các nước rằng hành động quân sự của Moscow ở Crimea là trái pháp luật, và thậm chí Mỹ còn muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc, đồng minh chống phương Tây của Nga.

Hôm thứ Năm, ông Obama đã tuyên bố: “Tôi tin rằng chúng ta đang cùng nhau tiến lên, thống nhất quyết tâm phản đối những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và ủng hộ chính phủ, nhân dân Ukraine.”

Cũng trong hôm đó, EU thông báo đã chấm dứt các cuộc hội đàm với chính phủ Nga trong việc ký kết một thỏa thuận kinh tế quan trọng và ngừng quy chế miễn visa du lịch cho công dân Nga trong 28 quốc gia thuộc khối.

Nhà Trắng vẫn tin rằng họ vẫn có thể giải quyết tranh cãi hiện nay với Nga bằng biện pháp ngoại giao. Hôm thứ Năm, Obama đã trò chuyện qua điện thoại với Putin suốt hơn một giờ đồng hồ, đưa ra những giải pháp như Nga rút lực lượng ra khỏi Crimea và tổ chức đàm phán trực tiếp giữa Nga với Ukraine.

Putin phớt lờ mọi cảnh báo của Mỹ ở Crimea - 2

Lực lượng Nga đã kiểm soát gần như toàn bộ bán đảo Crimea

Tuy nhiên những diễn biến mau lẹ ở Crimea cho thấy câu hỏi cuối cùng mà ông Obama đang đối mặt không phải là Mỹ có thể làm gì để ngăn chặn Nga kiểm soát Crimea, mà Mỹ nên có quan hệ với Nga như thế nào sau khi điều đó xảy ra.

Các cố vấn Nhà Trắng vẫn nói cứng rằng Mỹ sẽ không thể duy trì quan hệ bình thường với Nga nếu Moscow sáp nhập Crimea hoặc thừa nhận nền độc lập của vùng đất này. Tuy nhiên có vẻ như lời đe dọa đó chẳng là gì với Kremlin, vì cả Mỹ và châu Âu cũng đã từng đe dọa như vậy sau khi Nga thừa nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia vào năm 2008, và cho đến nay họ vẫn duy trì lực lượng quân sự ở 2 khu vực này.

Các quan chức Mỹ cho rằng Nga đang áp dụng chiến thuật tương tự như ở Abkhazia và Nam Ossetia để gia tăng ảnh hưởng của mình ở Crimea. Còn các chuyên gia trong khu vực thì cho rằng Putin còn có một mục tiêu lớn hơn: áp đặt ảnh hưởng lên các nghị sĩ ở thủ đô Kiev thông qua cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5 tới đây.

Mặc dù chưa ai có thể biết chắc được về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tới đây ở Crimea, song có nhiều dấu hiệu chứng tỏ người dân ở đây sẽ lựa chọn về với Nga. Khoảng 60% dân số Crimea tự coi mình là người Nga, và hôm qua Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu nhất trí với việc sáp nhập vào Nga.

Putin phớt lờ mọi cảnh báo của Mỹ ở Crimea - 3

Dân Crimea hoan nghênh quyết định sáp nhập vào Nga của Quốc hội

Trước đây cuộc trưng cầu dân ý được ấn định vào ngày 30/3, song các nghị sĩ Crimea đã đẩy nhanh nó sớm 2 tuần so với kế hoạch. Và cuộc trưng cầu dân ý trước đây chỉ đưa ra khả năng về việc Crimea có được thêm quyền tự trị hay không, còn bây giờ lại thêm một tùy chọn là Crimea có nên sáp nhập vào Nga hay không.

Các quan chức Mỹ tin rằng Nga sẽ ít nhiều gây tác động lên cuộc trưng cầu dân ý này, mặc dù Putin vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào về kế hoạch đó. Hồi đầu tuần, Putin đã khẳng định rằng Nga không hề có ý định sáp nhập Crimea, tuy nhiên ông lại tuyên bố người dân Crimea có quyền quyết định số phận của mình thông qua trưng cầu dân ý.

Mỹ cũng cho biết họ nhận thấy rất ít dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc sẽ đứng về phía họ, mặc dù đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố rằng nước này ủng hộ việc “không can thiệp” và tôn trọng chủ quyền, thống nhất lãnh thổ của Ukraine.

Có vẻ như Trung Quốc sẽ không có những hành động quyết liệt để chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc cũng nhìn nhận vấn đề Crimea dưới lăng kính của một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới và có quan hệ gắn bó hơn với nước láng giềng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo ABC) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN