Phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika nguy hiểm như thế nào?
Các chuyên gia khuyến cáo, những phụ nữ nhiễm virus Zika ở 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ cao hơn.
Muỗi Aedes là tác nhân lan truyền virus Zika tại nhiều nước trên thế giới.
Sáng 5.4, trong buổi gặp mặt báo chí tại Hà Nội, Bộ Y tế thông báo Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika. Hai bệnh nhân đều là nữ, một bệnh nhân 64 tuổi ở Khánh Hòa và một bệnh nhân 33 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, đang mang thai 8 tuần.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cộng đồng không nên lo lắng quá mức về việc có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ở Brazil đã ghi nhận 6776 trường hợp đầu nhỏ nhưng chỉ có 944 trường hợp nghi là có liên quan đến virus Zika. Có nghĩa, không phải tất cả những trường hợp có hội chứng đầu nhỏ đều liên quan đến virus Zika, và không phải tất cả trường hợp nhiễm virus Zika có liên quan đến hội chứng đầu nhỏ.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các bằng chứng xác thực về việc có mối tương quan lớn giữa hội chứng đầu nhỏ và virus Zika.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống sản nhi có hướng dẫn đối với các bà mẹ mang thai trong vòng 3 tháng đầu, nếu có các biểu hiện như sốt, biểu hiện sốt phát ban, có triệu chứng của viêm kết mạc thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có vắc xin phòng virus Zika và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong do virus Zika.
PGS. TS Trần Danh Cường cho hay, trẻ bị hội chứng đầu nhỏ sẽ chậm phát triển về trí tuệ và ảnh hưởng đến vận động.
PGS. TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh cho hay, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến não nhỏ (hội chứng đầu nhỏ) như nhiễm trùng, ký sinh trùng, rubella. Hiện nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, có thêm nguyên nhân gây não nhỏ là do virus Zika nhưng chưa khẳng định mà là có sự liên quan nhất định. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác dẫn đến đầu nhỏ như di truyền, nhiễm độc do chiếu xạ, hóa chất...
Ông Cường cho biết thêm, nếu phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ cao hơn bởi đây là thời kỳ hình thành thai nhi. Do đó, cần phải theo dõi sát sao, siêu âm đo kích thước đầu 2 tuần/lần, sau đó, so với biểu đồ phát triển đầu bình thường sẽ biết được tốc độ phát triển đầu của thai nhi.
“Trẻ bị hội chứng đầu nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc não không phát triển, gây ra nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ và ảnh hưởng đến vận động”, ông Cường nói.
Ông Cường khuyến cáo, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh dịch bệnh lây lan là diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi.
Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khí Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Virus Zika không trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng đầu nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Theo thống kê, đến nay, dịch bệnh do virus Zika đã có tại 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. |