Phóng xạ - mối nguy hiểm tiềm tàng

Bên cạnh những lợi ích, thiết bị có chứa chất phóng xạ còn là mối nguy hại cho cộng đồng nếu không được sử dụng đúng mục đích. Thế nhưng, trên thực tế, việc kiểm tra, quản lý các thiết bị này ở nước ta còn khá nhiều bất cập, khó khăn.

Phóng xạ - mối nguy hiểm tiềm tàng

 

Hiện nay, sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước đã khiến cho ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế xã hội của nước ta gia tăng một cách nhanh chóng. Theo đó, các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng ngày càng rộng rãi trong các ứng dụng công nghiệp, xây dựng, hải quan... như các thiết bị đo mức, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, thăm dò khai thác dầu khí, sản xuất xi măng...

Phóng xạ - mối nguy hiểm tiềm tàng - 1

Thiết bị có chứa chất phóng xạ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao…

Theo thống kê về thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, hiện tại trên cả nước có khoảng gần 1.000 cơ sở đang tiến hành công việc có sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ với khoảng gần 6.000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn với các mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau.

Bên cạnh các lợi ích mang lại, những thiết bị này cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng vô cùng lớn. Thế nhưng, trên thực tế, dường như việc kiểm tra, quản lý các thiết bị, nguồn phóng xạ nói trên vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ phía đơn vị sở hữu cũng như các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo quản lý nhà nước về an toàn bức xạ của 63 sở Khoa học & Công nghệ gửi Cục An toàn bức xạ hạt nhân, trong năm 2013 có 36 sở thanh tra đối với 682 đơn vị, phát hiện 54 cơ sở sai phạm, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 334 triệu đồng. Trong đó, TP.HCM có 12/40 cơ sở được thanh tra đã phát hiện vi phạm, Phú Thọ 8/26 cơ sở, Bình Dương 6/25 cơ sở.

Cũng trong năm 2013, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã mở 14 đợt thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân theo kế hoạch và đột xuất đối với 61 đơn vị trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố. Trong đó, các đơn vị được thanh tra hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp là chủ yếu (30 đơn vị)  chiếm 49%, y tế 19%, hỗ trợ dịch vụ an toàn bức xạ 6%, sa khoáng 2%, nghiên cứu 5%, các đơn vị hoạt động giáo dục - đào tạo, hải quan vàng bạc chiếm 19%. Kết quả, các đoàn thanh tra của Cục ATBXHN đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị với số tiền phạt là 28 triệu đồng.

Có thể nói, với các ngành nghề khác, số lượng đơn vị vi phạm như trên có thể là một con số không đáng kể, nhưng với lĩnh vực thiết bị phóng xạ hạt nhân, con số này quả thực hết sức đáng báo động, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng rất dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Mới đây nhất, việc một thiết bị chứa nguồn phóng xạ kín Ir-192 (Iridium-192) bị lấy cắp tại TP.HCM đã khiến cho dư luận xôn xao.

Phóng xạ - mối nguy hiểm tiềm tàng - 2

Thiết bị có chứa chất phóng xạ được thu hồi vào đêm 18/9

Đề xuất phân cấp quản lý phóng xạ cho địa phương

TP.HCM hiện là địa phương chiếm hơn 30% tổng số thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ của cả nước, trong đó không ít thiết bị có chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm, có hoạt độ cao.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM, việc kiểm tra, quản lý và xử phạt các thiết bị này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa được phân cấp về quản lý. “Hiện tại, Sở chỉ có chức năng quản lý đối với các thiết bị phóng xạ có hoạt độ thấp, sử dụng tại các cơ sở y tế, giáo dục…. Đối với các thiết bị chứa nguồn phóng xạ có hoạt độ cao, sử dụng chủ yếu trong công nghiệp vẫn thuộc quyền quản lý từ phía Bộ Khoa học & Công nghệ”.

Chính bởi sự phân cấp trong quản lý này, dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, bản thân Sở không thể tự đứng ra giải quyết mà cần phải có sự phối hợp từ Bộ cũng như nhiều cơ quan chức năng khác nhau.

Nhằm giải quyết vấn đề này, ông Trung cho biết, mới đây Sở đã kiến nghị lên UBND TP.HCM nhằm có đề xuất lên phía Bộ Khoa học & Công nghệ phân cấp việc quản lý các thiết bị phóng xạ nhiều hơn nữa cho các địa phương. “Trong thời gian tới, nếu được phê duyệt, Sở sẽ tiến hành gắn thiết bị theo dõi đối với tất cả các thiết bị có chứa chất phóng xạ đang lưu hành trên địa bàn TP. Điều này sẽ giúp cho việc kiểm tra, quản lý được dễ dàng hơn, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng ứng biến khi xảy ra sự cố”.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học & Công nghệ cũng đề xuất UBND TP.HCM tự chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân, thành lập một đội ngũ chuyên trách, thường xuyên kiểm tra, giám sát các nguồn, thiết bị phóng xạ, ngăn chặn từ trong trứng nước những mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN