Phí nước thải: "Đừng thấy dân dễ mà thu"

“Ngân sách hàng năm có chi cho môi trường, cố gắng tận dụng hiệu quả, không phải thấy dân hiền lành, dễ dãi mà thu được thêm phí là thu”.

Đó là ý kiến của GS. TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, khi trao đổi với PV về Nghị định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải vừa được Chính phủ ban hành.

Thu phí nước thải để làm gì?


Theo Nghị định 25 về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải vừa được ban hành ngày 29/3, kể từ 1/7/2013, người dân dùng nước sinh hoạt sẽ nộp phí. Mức thu được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% giá bán nước.

Theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh, Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đây không phải là quy định mới. Luật Tài nguyên nước 2005 đã nhắc đến. Chiến lược tài nguyên nước đến năm 2020 cũng đã xác định từng bước phải tiến tới việc khai thác, sử dụng, xả nước thải phải trả tiền.

Tuy nhiên, GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, khi thu tiền của dân cần làm rõ mục đích thu. Nhà nước trả lời cho người dân câu hỏi người nộp phí được quyền lợi gì?

Ông Hoan ví dụ: “Thu phí nước thải sinh hoạt, bảo đảm người dân không phải chịu ô nhiễm từ nước thải của mình. Luật Quản lý tài nguyên nước từ 2005 đã quy định thu phí nước thải, nhưng tôi thấy, khu dân cư chúng tôi chưa có nhà máy xử lý nước thải. Nước thải ô nhiễm, cống rãnh vẫn còn, vậy làm sao để thuyết phục dân nộp phí? Người dân mất phí, cần thấy được kết quả đồng phí mình đã bỏ ra. Giống như nộp phí thu gom rác, mỗi ngày đều có người đến gom rác sạch sẽ vậy".

Theo ông Hoan, quy định quản lý và sử dụng quỹ trong Nghị định thu phí này chung chung, chưa rõ ràng. Cụ thể quy định: Quỹ dùng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải; tổ chức các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường nước.

Ông Hoan cho rằng, đọc quy định, người dân không thấy quyền lợi cụ thể, trước mắt của mình ở đâu. Cần quy định, thu gom nước thải, xử lý, đào vét cống rãnh... cụ thể thời gian, địa điểm cho dân.

Phí nước thải: "Đừng thấy dân dễ mà thu" - 1

Ngoài tiền mua nước, người dân phải nộp thêm phí xả nước (Ảnh minh họa)

Không phải cứ thu được phí là thu

Như vậy, người dân sẽ có thêm một loại phí nước thải sinh hoạt bên cạnh nhiều loại thuế, phí thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có thể kể ra như thuế bảo vệ môi trường; phí dịch vụ thu gom chất thải rắn và rác thải; phí môi trường trong giá xăng dầu...

Đó là người dân, doanh nghiệp còn “khủng” hơn. Có doanh nghiệp kêu ca phải trả chi phí vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt, chi phí duy trì hoạt động hệ thống xử lý khí thải, nước thải...

Theo PGS. TS. Lê Bắc Huỳnh, người dân phải nộp nhiều loại phí trong cùng một việc bảo vệ môi trường dễ gây tâm lý phiền hà, bức xúc. Trong khi đại đa số người dân còn nghèo, kinh tế  khó khăn. Chỉ cần mỗi “ngành” lại thêm một hai loại phí, dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Chẳng hạn với tỷ lệ thu 10% giá bán nước sạch cho phí nước thải sinh hoạt. Tính ra, trung bình hộ gia đình 4 người, mỗi tháng sử dụng hết 100 nghìn đồng tiền nước, nộp phí 10 nghìn đồng. Đây không phải là số tiền lớn, nhưng nhiều số nhỏ thành số lớn.

Ông Huỳnh cho rằng, cơ quan quản lý cần rà soát, đánh giá lại hệ thống các quy định về thuế, phí, lệ phí. Từ đó hoàn thiện các quy định  trùng lặp, chồng chéo, không hợp lý,… Chẳng hạn, tất cả những thứ thuế, phí,… về tài nguyên, môi trường có thể gộp lại, thu một lần, hợp với điều kiện đời sống kinh tế người dân.

Theo ông Vũ Hoan, mỗi thứ phí có một giá trị riêng, nhưng trong lúc đời sống khó khăn, bớt được đi thứ phí nào cũng tốt cho dân. Nhất là công nhân khu công nghiệp - đối tượng chịu phí nước thải sinh hoạt, đời sống vốn đã khó khăn.

“Ngân sách hàng năm có chi môi trường, cố gắng tận dụng, làm hiệu quả để bớt thu của dân. Không phải thấy dân dễ dãi, hiền lành mà thu được phí gì của dân là thu”, ông Vũ Hoan bày tỏ.

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

Để lại một phần số phí thu được cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí; chi phí đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải phục vụ cho việc thẩm định phí, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về quy định này, theo Lê Bắc Huỳnh, cần cân nhắc kỹ. Quy định để lại một phần nguồn thu phí cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để góp phần trang trải chi phí cho các hoạt động liên quan... không hợp lý.

Nguồn thu phí phải được nộp hoàn toàn về ngân sách nhà nước.  Như vậy, người dân sẽ không có ấn tượng “nộp” để nuôi hoặc vào túi “người thu”. Chưa nói đến việc, đây là nguồn thu nhỏ, trong khi lĩnh vực “môi trường”, đã có ngân sách nhà nước bảo đảm thường xuyên với mức 1% chi ngân sách hằng năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN