Phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở Sơn Tây: Liệu có nhân được giống?

Sáng qua (12/4), thông tin phát hiện ra cá thể rùa Hoàn Kiếm mới ở hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội gây chấn động dư luận. Như vậy Việt Nam đang có 2 trong số 4 cá thể loài này được biết đến trên thế giới. Hai cá thể còn lại ở Trung Quốc.

Phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở Sơn Tây: Liệu có nhân được giống? - 1

Bức ảnh ghi nhận cá thể rùa Hoàn Kiếm mới được phát hiện ở hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Sử dụng kỹ thuật gene hiện đại để xác định loài

Cá thể rùa Hoàn Kiếm mới được phát hiện bởi các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP). Địa điểm phát hiện là hồ Xuân Khanh, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, gần với hồ Đồng Mô - nơi sinh sống của cá thể rùa Hoàn Kiếm duy nhất còn lại tại VN trước khi có phát hiện chấn động này.

Theo anh Hoàng Hà, cán bộ của ATP, hồ Xuân Khanh đã được tập trung khảo sát vào năm 2012. Thời gian đó, xuất hiện bức ảnh chụp một cá thể rùa lớn trên hồ. Tuy nhiên, bức ảnh này không đủ rõ để xác nhận đây là ảnh một cá thể rùa. Các đợt quan sát trong thời gian này không cho kết quả khả quan.

Năm 2016, khi có được các thông tin mới, ATP một lần nữa tiến hành các đợt quan sát trong năm 2017. Sau hàng nghìn giờ quan sát, nhóm nhìn được cá thể rùa một vài lần. Tháng 5/2017, một bức ảnh rùa được chụp bởi anh Nguyễn Văn Trọng, ngư dân từng tham gia vào công tác bảo tồn cùng với ATP từ năm 2007. Bức ảnh với chất lượng tốt hơn cho thấy đây là một cá thể rùa mai mềm lớn, nhưng lại không đủ tốt để định dạng loài.

“Chúng tôi quyết định đã đến lúc cần phải tiến hành thu mẫu eDNA và tiến hành phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington, Mỹ”, anh Hà chia sẻ. Trước đó, ATP đã hợp tác với Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA; www.turtlesurvival.org ) của Mỹ và Tiến sỹ Caren Goldberg thuộc Đại học bang Washington của Mỹ để ứng dụng kỹ thuật Gen môi trường (eDNA) trong việc tìm kiếm loài rùa này. eDNA là một kỹ thuật mới được nghiên cứu và ứng dụng trong nghiên cứu rùa và động vật hoang dã. Tiến sỹ Goldberg là một trong số các chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực này. Kỹ thuật tập trung vào việc phát hiện các dấu vết di truyền nhỏ nhất trong mẫu nước được thu tại nơi cần xác minh sự tồn tại của một loài rùa động vật nào đó. Phương pháp này thường được áp dụng đối với các loài cá và lưỡng cư, gần đây, kỹ thuật này đã được ứng dụng với các loài rùa nguy cấp.

Anh Hà chia sẻ, kết quả phân tích dương tính với kết luận rằng các dấu vết di truyền từ các mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của loài, cho thấy cá thể rùa trong hồ là một cá thể thuộc loài rùa Hoàn Kiếm. Phát hiện này đã nâng tổng số lượng cá thể của loài hiện được biết đến trên thế giới lên con số bốn.

Như vậy hành trình nhiều năm tìm kiếm cá thể rùa Hoàn Kiếm của ATP đã có được kết quả đột phá. Trước đó, theo anh Hà, nhiều khu vực ưu tiên cho công tác bảo tồn loài đã được xác định. Tuy nhiên, đối với phần lớn các khu vực này, các ghi nhận về việc săn bắt loài đã cũ và có thể loài rùa này đã biến mất hoàn toàn ở nhiều khu vực. Hầu hết các cá thể rùa khổng lồ đã bị săn bắt ở các khu vực hồ nhân tạo được xây dựng. Ngoài ra, loài rùa này có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường sử dụng phần lớn thời gian của mình ở các vùng nước sâu. Điều này khiến cho việc định dạng các cá thể được ghi nhận là vô cùng khó khăn và tốn thời gian.

Phát hiện rùa Hoàn Kiếm ở Sơn Tây: Liệu có nhân được giống? - 2

Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô. Ảnh: ATP.

Mở ra hy vọng nhân giống

Sau cái chết của cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm vào tháng 1/2016, thế giới ghi nhận chỉ có 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm tồn tại. Hai cá thể đang được nuôi tại Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Một cá thể được phát hiện năm 2007 tại khu vực hồ Đồng Mô, phía Bắc Hà Nội vào năm 2007.

Việc nhân giống loài rùa Hoàn Kiếm rất khó khăn, gần như bế tắc. Cặp rùa ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc gồm một cá thể cái và cá thể đực già đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 nhưng các nỗ lực nhân giống vẫn chưa thành công do trứng rùa không được thụ tinh. Việc tìm ra cá thể rùa Hoàn Kiếm mới mở ra hy vọng khả năng ghép đôi để bảo tồn loài rùa vô cùng quý hiếm này.

Tuy nhiên, anh Hà cho biết, cá thể rùa này vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ do hồ Xuân Khanh là hồ nhỏ, đang được tư nhân quản lý, hoạt động quây lưới, đánh bắt thủy sản vẫn diễn ra. Vì thế, ATP vừa gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan chức năng gồm UBND thành phố Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn … đề xuất phối hợp bảo vệ cá thể rùa này. Trước mắt, tiếp tục bảo tồn cá thể rùa tại hồ Xuân Khanh. Trong trường hợp cá thể rùa này bị bắt có thể cứu hộ đưa đến hồ Đồng Mô. “Tại đây có một hòn đảo chúng tôi đã khảo sát kỹ lưỡng để có thể cứu hộ tạm thời cá thể rùa Hoàn Kiếm. Nơi đây cũng thuận lợi cho việc phối giống loài rùa này nếu đủ điều kiện”, anh Hà chia sẻ.

Việc nhân giống loài rùa Hoàn Kiếm rất khó khăn, gần như bế tắc. Cặp rùa ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc gồm một cá thể cái và cá thể đực già đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 nhưng các nỗ lực nhân giống vẫn chưa thành công do trứng rùa không được thụ tinh. Việc tìm ra cá thể rùa Hoàn Kiếm mới mở ra hy vọng khả năng ghép đôi để bảo tồn loài rùa vô cùng quý hiếm này.

Cơ hội nhân bản rùa Hoàn Kiếm

Bảo quản các mô sống của cụ rùa hồ Gươm là việc làm cực kỳ cấp bách và cần thiết vì không có nhiều lựa chọn cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN