Pakistan có nữ phi công chiến đấu đầu tiên

Một cô gái 26 tuổi đang trở thành hình mẫu cho hàng triệu phụ nữ Pakistan khi là nữ phi công chiến đấu đầu tiên của không quân nước này.

Tình hình tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan ở khu vực Kashmir vẫn đang vô cùng căng thẳng. Sau khi bị chia cắt, đã hai lần những tranh chấp ở khu vực này gây ra những cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia kình địch này, và hiện nay căng thẳng đó lại một lần nữa bùng lên. Cả hai nước đều tuyên bố mình bị đối phương tấn công bằng vũ khí nhỏ và pháo binh.

Nếu những tranh chấp biên giới này một lần nữa làm bùng lên cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan, cô Ayesha Farooq sẽ là một trong những phi công chiến đấu đầu tiên của không quân Pakistan xuất kích. Cô đã làm nên lịch sử ở Pakistan khi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm phi công chiến đấu trong phi đội tiên phong của không quân Pakistan.

Pakistan có nữ phi công chiến đấu đầu tiên - 1

Nữ trung úy không quân Farooq trên buồng lái máy bay chiến đấu

Ở tuổi 26, nữ trung úy không quân Farooq cho biết cô đã sẵn sàng cho thử thách khắc nghiệt nhất. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph ở sở chỉ huy không quân Pakistan tại Islamabad, cô tâm sự: “Nếu chiến tranh bùng nổ, tôi sẽ là phi công yểm trợ cho cấp chỉ huy của mình.”

Hồi tháng trước, Ấn Độ đã cáo buộc quân đội Pakistan sát hại 5 lính của mình, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong những người theo chủ nghĩa dân tộc ở nước này. Đối với trung úy Farooq, đó sẽ là cơ hội để chứng tỏ rằng phụ nữ cũng gan dạ chẳng kém gì đàn ông trong buồng lái máy bay.

Cô nói: “Tôi muốn tự chứng tỏ bản thân, để cho mọi người thấy rằng tôi làm được điều gì đó cho đất nước.” Trong năm nay, cô đã hoàn thành chương trình huấn luyện để trở thành nữ phi công sẵn sàng chiến đấu đầu tiên của Pakistan lái chiếc F7-PG, một phiên bản máy bay Mig 21 do Trung Quốc chế tạo.

Pakistan có nữ phi công chiến đấu đầu tiên - 2

Những cô gái trong không quân Pakistan

Trong quá trình này, cô đã trở thành hình mẫu cho hàng triệu cô gái ở đất nước Pakistan, nơi rất nhiều phụ nữ không được học hành và bị ép buộc phải quanh quẩn quanh xó nhà. Tuy nhiên trung úy Farooq vẫn phải tuân thủ một số phong tục mà phụ nữ Pakistan phải tuân theo. Ba tuần trước, cô đã kết hôn với một người anh họ của mình trong một cuộc hôn nhân sắp đặt.

Cô cho biết: “Chúng tôi chơi với nhau từ khi còn nhỏ nên tôi cho rằng anh ấy biết tôi sẽ không phải là một người phụ nữ truyền thống.” Hiện có khoảng 4000 phụ nữ đang phục vụ trong quân đội Pakistan, trong đó chỉ có 6 phi công nữ. Trong số 6 phi công nữ này, trung úy Farooq là người duy nhất vượt qua khóa đào tạo để trở thành phi công chiến đấu và bay tuần tra dọc biên giới.

Trung úy Farooq tiết lộ: “Cùng với việc thực hiện nghĩa vụ với đất nước, tôi đang góp phần thay đổi nhận thức của mọi người. Đó là một trách nhiệm rất lớn lao.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN