Ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã nộp bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả?

Theo cáo trạng, bị can Trịnh Văn Quyết và các bị can đã nộp khắc phục hậu quả gần 200 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch FLC) và 49 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Theo cáo trạng, hiện các bị can và nguời liên quan tới vụ án nêu trên đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả thiệt hại tổng số tiền là hơn 195 tỷ đồng. Trong đó, riêng bị can Trịnh Văn Quyết nộp hơn 189,5 tỷ đồng.

Các bị can Nguyễn Thanh Bình (cựu phó tổng giám đốc FLC) nộp hơn 2,6 tỷ đồng; Trần Thế Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Faros) nộp 1,1 tỷ đồng, Lê Thành Vinh (cựu chủ tịch Công ty Faros) nộp hơn 596 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều bị can và người liên quan nộp từ vài chục triệu đến hơn 200 triệu đồng.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Để chiếm đoạt được tiền, ông Trịnh Văn Quyết giao ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) và bà Trịnh Thị Minh Huế (cựu Kế toán tổng hợp FLC, em gái ông Quyết) trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros. 

Cáo buộc cho rằng, các bị can thuộc Công ty Faros, Công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế... đã thực hiện chỉ đạo của ông Doãn Văn Phương và bà Trịnh Thị Minh Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống; ghi nhận thông tin gian dối này vào Báo cáo tài chính kiểm toán, Bản cáo bạch để hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. 

Trong khi đó, các bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN, VSD (Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam) và sàn HOSE đã sử dụng những thông tin gian dối trên Báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ tài liệu của Công ty Faros cung cấp để chấp thuận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE. 

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng. 

Theo VKSND Tối cao, để xảy ra hậu quả trên, có sự tham gia giúp sức tích cực của các bị can trong vụ án vào quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức dòng tiền từ vốn góp khống; xác định vốn góp khống; chấp thuận niêm yết cổ phiếu để tạo điều kiện giúp ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. 

Đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, bị can Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để bà Huế thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Tiếp đó, bà Huế quản lý, sử dụng các tài khoản để thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Cáo trạng đánh giá hành vi phạm tội của các bị can là rất nghiêm trọng. Các bị can biết rõ là không có tiền góp vốn, các cá nhân không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng đã cùng nhau dùng thủ đoạn gian dối thực hiện các hành vi để nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros; sau đó phát hành cổ phiếu, đăng ký niêm yết số cổ phiếu này trên sàn HOSE lừa dối các nhà đầu tư lầm tưởng là cổ phiếu có giá trị thật.

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết cùng 7 bị can khác bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán theo điểm a, khoản 4, Điều 174 và điểm b, khoản 2, điều 211, Bộ luật Hình sự. Bị can Trịnh Văn Quyết cùng nhiều đồng phạm được đánh giá là thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, có tình tiết giảm nhẹ như tác động gia đình khắc phục hậu quả, đóng góp trong công tác làm từ thiện. Nhiều bị can trong gia đình có công với cách mạng, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong lao động, công tác…Các bị can không bị áp dụng tình tiết tăng nặng.

Nguồn: [Link nguồn]

Cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư chứng khoán

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Tuấn ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN