5 năm 'tạo sóng' cổ phiếu họ FLC của ông Trịnh Văn Quyết

Hà Nội - Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bị cáo buộc dùng nhiều chiêu để đẩy giá chứng khoán lên đỉnh rồi bán tháo, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng.

Vui sướng, tuyệt vọng, hy vọng rồi cuối cùng ôm món nợ vài tỷ đồng là những gì nhà đầu tư Nguyễn Trường Lê, 35 tuổi, ở Hà Nội, đã trải qua trong năm 2020-2021 khi chạy theo "sóng" của các cổ phiếu họ nhà FLC. Không chỉ anh Lê mà nhiều nhà đầu tư cũng bị cuốn theo "cuộc chơi" của ông Trịnh Văn Quyết với kỳ vọng "giàu lên nhanh chóng".

Hiện, 6 cổ phiếu họ nhà FLC là AMD, HAI, GAB, ART, FLC, ROS, đều bị hủy niêm yết. Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng 42 người bị cáo buộc trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bảy cán bộ nhà nước ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM bị cáo buộc giúp sức với hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

"Lùa" nhà đầu tư bằng cách tạo cung cầu mua - bán giả

Theo kết luận điều tra, ông Quyết lập Công ty CP Tập đoàn FLC, giữ cương vị chủ tịch HĐQT từ năm 2009. Sau 11 năm, hệ sinh thái FLC có 15 công ty con, hai công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với cương vị thuyền trưởng FLC, ông Quyết chỉ đạo em gái ruột là Trịnh Thị Minh Huế nhờ 45 người trong gia đình đứng tên lập hồ sơ để mở 20 công ty. Sau đó, bà Huế mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên 20 công ty, 45 cá nhân để quản lý, sử dụng, thực hiện hành vi thao túng.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Ngọc Thành

Từ 26/5/2017 đến 10/1/2022, bà Huế dùng danh nghĩa 33/45 cá nhân, pháp nhân để sử dụng 190 tài khoản chứng khoán tại 18 công ty và 83 tài khoản ngân hàng khi giao dịch mua bán cổ phiếu. Thủ đoạn chung bị cáo buộc là "liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm để không dẫn đến chuyển thực sự quyền sở hữu".

Bà Huế còn đặt nhiều lệnh mua bán với khối lượng lớn để "chi phối thị trường vào thời điểm mở, đóng cửa", đặt lệnh mua bán sau đó hủy lệnh. Mục đích nhằm tạo cung cầu giả, "lùa" nhà đầu tư, kết luận điều tra nêu.

Cảnh sát xác định trong 562 phiên giao dịch, nhóm của ông Quyết đã đặt hơn 27.200 lệnh mua 5,7 triệu cổ phiếu; tuy nhiên chỉ khớp lệnh mua gần 1,3 triệu với giá trị hơn 15.000 tỷ đồng. Trong thời gian dài, bà Huế chủ động hủy 5.000 lệnh đặt mua hơn 1,6 triệu cổ phiếu, đặt 11.900 lệnh bán 1,4 triệu cổ song hủy ngay khi chưa khớp lệnh.

Để có tiền đặt lệnh mua, ông Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản mà em gái đang quản lý. Từ đó, BOS hơn 1.500 lần cấp hạn mức ảo cho 79 tài khoản với tổng trị giá khống 170.500 tỷ đồng. Có tiền, bà Huế dùng để đặt 15.000 lệnh mua 2.800 triệu cổ phiếu họ nhà FLC và đã khớp lệnh 463 triệu cổ phiếu.

5 năm 'tạo sóng' cổ phiếu họ FLC của ông Trịnh Văn Quyết - 2

Từ việc cấp hạn mức khống, BOS bị cáo buộc thu lợi bất chính 42,6 tỷ đồng qua thu phí giao dịch, phí quản lý tài khoản chứng khoán. Khi giá cổ phiếu tăng, ông Quyết chỉ đạo bán, thu hơn 723 tỷ đồng.

Cán bộ quản lý chứng khoán bị cáo buộc giúp sức thế nào?

Không chỉ thao túng 5 mã có sẵn, ông Quyết còn mở chiến dịch nâng khống vốn điều lệ cho Công ty CP Xây dựng Faros. Đây là một công ty giải trí được ông Quyết và cộng sự mua lại với giá 1,5 tỷ đồng sau đó 5 lần tăng vốn khống, lên 4.300 tỷ đồng.

Ông Quyết muốn Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Tiến trình này gặp nhiều cản trở do có mâu thuẫn về cơ sở xác định vốn thực góp, song ông Quyết đã được bảy lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE "giúp sức", theo kết luận điều tra.

Nhóm cán bộ này bị cáo buộc khi thẩm định hồ sơ đã phát hiện Faros không đủ cơ sở xác định vốn góp nhưng không kiểm tra mà ký văn bản chấp thuận hồ sơ đăng ký rồi công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tháng 8/2016, Faros được Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam chấp nhận đăng ký cổ phiếu ROS, mệnh giá 10.000 đồng/cổ, số lượng đăng ký 430 triệu. Một tháng sau, ROS chính thức lên sàn HOSE với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ.

Sau khi ROS lên sàn, ông Quyết chỉ đạo cấp hai lần tăng vốn điều lệ khống lên 5.600 tỷ đồng. Thực chất việc này là tạo "bánh vẽ" để thu hút nhiều nhà đầu tư chứng khoán, làm tăng giá trị cổ phiếu ROS.

Với mục đích chiếm đoạt tài sản, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, ông Quyết đã chỉ đạo bà Huế bán gần 400 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 người, thu về 4.800 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, ông Quyết đã chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Ông Quyết từng là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Việc điều tra bắt nguồn từ chiều 10/1/2022 khi ông bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng trước đó không công bố thông tin theo quy định.

Một ngày sau, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM ra thông báo hủy bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Nhà đầu tư bị thiệt hại được xác định thế nào?

Quá trình điều tra, C01 trưng cầu giám định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (Bộ Tài chính) để làm rõ hành vi thao túng của ông Quyết và đồng phạm đã gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, HAI, GAB, ART, FLC trong giai đoạn từ 26/5/2017 đến 10/2/2022.

Cơ quan điều tra đặt câu hỏi: "Nếu gây thiệt hại cho các nhà đầu tư thì phương pháp tính thiệt hại như thế nào, căn cứ ở đâu?".

Cách giải quyết của cơ quan chức năng về vấn đề này là điều anh Lê trăn trở từ khi xảy ra vụ án. Anh hiện vẫn sở hữu 100.000 cổ phiếu họ nhà FLC nhưng "mông lung về số phận pháp lý của tài sản đang nắm giữ". Anh không thể giao dịch mua bán, không được trả lại tiền dù đã gửi kiến nghị khắp nơi.

Trả lời cơ quan điều tra, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Pháp luật hình sự hiện chưa có quy định hướng dẫn về xác định hành vi thu lợi bất chính và khoản thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ tội phạm về chứng khoán. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại do thao túng thị trường chứng khoán có thể dựa trên giá trị thua lỗ từ giao dịch của nhà đầu tư trong giai đoạn thao túng, kết luận của công an và "đơn thư chứng minh bị thiệt hại của nhà đầu tư".

Bộ Tài chính cho rằng các giao dịch của nhà đầu tư diễn ra thường xuyên, có thể mua bán "liên tục một mã cổ phiếu trong thời gian dài". Nếu nhà đầu tư phát sinh nhiều mua bán cùng một mã cổ phiếu thì việc xác định họ đã bán cổ phiếu mua thời điểm nào và mua của ai là không thể. Giai đoạn xảy ra hành vi thao túng "có nhà đầu tư lãi, có người lỗ". Việc thua lỗ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có "yếu tố chủ quan của nhà đầu tư".

"Do vậy không có cơ sở đánh giá chính xác nhà đầu tư bị thua lỗ do bán cổ phiếu đã mua của nhóm thao túng. Từ đó không đủ căn cứ chứng minh thiệt hại, thể hiện mối quan hệ nhân quả từ hành vi thao túng và giao dịch của nhà đầu tư", kết luận điều tra trích dẫn nội dung giám định.

Cổ phiếu họ nhà FLC bị bán tháo thời điểm tháng 1/2022. Ảnh: Tất Đạt

Cổ phiếu họ nhà FLC bị bán tháo thời điểm tháng 1/2022. Ảnh: Tất Đạt

Ngoài 5 mã cổ phiếu thao túng, ông Quyết còn bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nâng khống vốn điều lệ rồi bán tháo cổ phiếu ROS. Hai tội danh, hành vi khác nhau, vậy quyền lợi của những người mua cổ phiếu ROS sẽ được giải quyết như thế nào? Họ có phải là bị hại trong vụ án từ hành vi lừa đảo của chủ tịch FLC gây ra?

Quá trình điều tra, C01 nhận được 685 đơn của nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng của ông Quyết với cả 6 mã chứng khoán "họ nhà FLC".

C01 kết luận, không có căn cứ xác định thiệt hại với các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, HAI, GAB, ART, FLC. Còn với nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS, C01 đã phân loại, ghi lời khai, xác định là bị hại.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS vẫn băn khoăn khi "làm thế nào để chứng minh mình là bị hại"? Và nếu được cơ quan điều tra ghi nhận là bị hại, họ sẽ lấy lại tiền như thế nào. Kết luận điều tra chưa nêu cách giải quyết vấn đề này.

C01 đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn cụ thể làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư; từ đó có căn cứ xác định cấu thành tội phạm của các tội về chứng khoán, đặc biệt là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong số 51 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, có nhiều người thân, bạn bè của chính ông Trịnh Văn Quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN