Ông Thăng ví việc góp vốn vào OceanBank như "gả chồng cho gái đã có chồng"
Ông Thăng ví von việc PVN góp vốn vào OceanBank giống như gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai, nhưng đây lại là cô gái đã có chồng nên tiêu chuẩn phải khác.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa chiều 19/3
Thỏa thuận không có giá trị pháp lý
Chiều 19/3, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 6 người khác về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Trả lời trước tòa, ông Đinh La Thăng cho hay, trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn dầu khí từ tháng 2/2006 đến tháng 7/2011 ông ký nhiều thỏa thuận với một số tổ chức, trong đó có OceanBank.
Về lý do hợp tác với OceanBank, bị cáo Thăng thừa nhận có ký thỏa thuận góp vốn với OceanBank, biên bản đó thống nhất về mặt chủ trương, đồng ý sẽ mua cổ phần của OceanBank. Tuy nhiên, theo ông Thăng, việc này xuất phát từ lý do PVN không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt. Khi ký thỏa thuận hợp tác, OceanBank sẽ tiếp nhận toàn bộ máy cũng như hạ tầng PVN đã đầu tư để mở ngân hàng Hồng Việt trước đó.
Ông Thăng cho biết, báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó TGĐ PVN) nêu rất rõ tình hình của OceanBank, ngân hàng này quy mô nhỏ, tính thanh khoản thấp, chính vì vậy mới có nhu cầu tăng vốn và như vậy PVN mới có điều kiện để góp vốn vào. Ông Thăng cũng khẳng định OceanBank có hệ số tín dụng trung bình khá, khi PVN tham gia góp vốn vào cùng các cổ đông khác thì vốn điều lệ sẽ tăng lên, khả năng huy động vốn tăng lên, ngân hàng sẽ hoạt động có hiệu quả.
“Trước khi ký thỏa thuận này có xin ý kiến của HĐQT không”, chủ tọa đặt câu hỏi. Bị cáo Thăng trả lời: Trước khi ký đã khảo sát, về mặt chủ trương các lãnh đạo PVN đều biết. Sau khi ký thỏa thuận có báo cáo HĐQT.
“Thỏa thuận số 6934 (thỏa thuận góp vốn vào OceanBank ngày 18/9/2008) nêu trên có phải tiền đề cho những lần góp vốn lần sau”, HĐXX hỏi. Bị cáo Thăng trả lời: Biên bản này không phải là tiền đề, muốn làm phải theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc ký biên bản thỏa thuận nhưng nếu sau đó HĐQT không thông qua thì không có cơ sở pháp lý.
Bị cáo Thăng cho biết thêm, Nghị quyết của HĐQT của PVN về việc góp vốn vào OceanBank chưa phải là đã được góp vốn vào OceanBank mà phải được sự đồng ý của Thủ tướng.
Lý giải về việc tại sao ký Nghị quyết về việc góp vốn trước khi xin ý kiến Thủ tướng, ông Thăng cho rằng, không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định ký Nghị quyết của HĐQT phải có trước hay có sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, chỉ có quy định trước khi đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
“Cô gái có chồng nên tiêu chuẩn phải khác”
Về việc Bộ Tài chính có văn bản nêu ý kiến: để bảo đảm tính hiệu quả, đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của OceanBank, xác định giá trị thực cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro trước khi quyết định đầu tư... ông Thăng cho rằng, đây chỉ là văn bản mang tính “khuyến cáo” của Bộ Tài chính, chứ PVN không cần phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Tài chính. Văn bản của VPCP cũng không yêu cầu PVN phải báo cáo.
Ông Thăng cho biết, thực tế, HĐQT đã yêu cầu Ban TGĐ triển khai thực hiện các yêu cầu trên từ 12/10, sau khi HĐQT ký nghị quyết chứ không phải sau khi Bộ Tài chính có văn bản ngày 14/10.
“Khi bị cáo nhận được công văn của Bộ Tài chính thì có suy nghĩ gì về vấn đề này không, trước khi ký nghị quyết góp vốn vào OceanBank?”, HĐXX hỏi.
Ông Thăng trình bày thêm tại tòa, OceanBank có quy mô nhỏ, khi tăng vốn lên thì quy mô hoạt động tăng lên, tính thanh khoản tăng lên... Thực tế PVN đầu tư vào OceanBank đem lại hiệu quả rất lớn. Năm 2009, PVN được chia cổ tức trên 10%, 2010 đến 16%...
Theo ông Thăng, việc PVN góp vốn vào các ngân hàng không phải là chủ động đầu tư mà do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, PVN phải gương mẫu xin dừng thành lập ngân hàng Hồng Việt. Tuy nhiên, để giải quyết hậu quả về các khoản đầu tư thành lập ngân hàng Hồng Việt trước đó PVN phải xin góp vốn vào ngân hàng khác và ngân hàng OceanBank đã tiếp nhận.
Ông Thăng ví von việc PVN góp vốn vào ngân hàng khác giống như gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai khác nhưng đây lại là cô gái đã có chồng nên tiêu chuẩn phải khác.
“Có chồng rồi thì tiêu chuẩn để gả phải khác. Nếu là ngân hàng Ngoại thương hay Ngân hàng đầu tư phát triển thì người ta chả cho (góp vốn - PV). Vì vậy phải tính toán khả năng phát triển OceanBank và họ chấp nhận điều kiện của mình”, ông Thăng nói.
Trong phiên xử sáng nay, ông Đinh La Thăng mặc áo sơ-mi có gắn băng tang trước ngực và giữ gương mặt khá bình tĩnh khi khai...