Nỗi kinh hoàng trong thế giới người điên

Trong thế giới ấy có biết bao câu chuyện vừa “bi” lại vừa “hài” khiến lương tâm những người không “điên” cũng cần suy nghĩ. Bên cạnh những câu chuyện về người tâm thần gây án, người tâm thần bị cùm nhốt, người tâm thần bị lạm dụng tình dục…

“Điên”, “rồ” hay “thần kinh” đều là những cụm từ người ta gọi những người mang biểu hiện tâm thần hay bị tâm thần. Trong thế giới ấy có biết bao câu chuyện vừa “bi” lại vừa “hài” khiến lương tâm những người không “điên” cũng cần suy nghĩ. Bên cạnh những câu chuyện về người tâm thần gây án, người tâm thần bị cùm nhốt, người tâm thần bị lạm dụng tình dục… Chuyện về cơ chế chính sách và quản lý người tâm thần hiện nay vẫn là bài toán khó cho nhiều cơ quan quản lý Nhà nước.

Chuồng nhốt người “điên”

Câu chuyện lạ kì này chúng tôi bắt gặp ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Bà Phùng Thị Nở cho biết: “Vì thương con nên tôi “giết” con từng ngày. Tôi không gông nó bấy nhiêu năm thì nó mới được làm người, còn không nó bỏ đi và sẵn sàng đánh cả làng. Người ta cứ bảo là tôi làm thế là giết con chứ đâu phải thương, thương con sao lại nhốt nó như thú dữ vậy?”.

Đến xem sự việc, nếu là con người có lương tri thì không ai cầm được nước mắt. Bà Phùng Thị Nở nhốt con trai mình như một loài thú dữ nguy hiểm. Trước đây chỉ dùng xích hay dây sắt để buộc thôi nhưng bây giờ bệnh nó nặng hơn, hung hãn hơn thì có nghèo mấy cũng phải lo cho nó cái chuồng chắc chắn không thì không ổn. Khúc ruột mình “cắt” ra thì ai mà không xót, không đau nhưng theo suy nghĩ của bà Nở thì, nhốt nó để nó được làm người. Không làm vậy nó đi đánh người ta thì không có tiền mà đền.

Bà nhốt con nhưng bà vẫn đếm từng ngày từng tháng một. Khi được hỏi, bà cho biết họ tên đầy đủ của con bà là Phạm Văn Năm. Bà nhớ rất rõ là con bà đang đi học lớp 8 thì tự nhiên hóa điên, ăn nói liên thiên, bỏ đi và rất hay gây sự đánh người. “Nó bị rồ đã hơn 30 năm nhưng tôi mới nhốt nó được gần 20 năm các anh ạ. Đời tôi khổ lắm người ta đẻ ra con thì được nhờ nhưng con tôi bệnh tật, gây thù chuốc oán, nó đã mấy chục tuổi đầu mà tôi nuôi nó còn khổ nhục hơn nuôi con mọn”. Trong hoàn cảnh ấy bà vẫn nuôi con và từng giờ chăm sóc con. Nhiều người gặp hoàn cảnh như bà chắc cũng hóa “điên” cùng con chứ đâu nhẫn nại được như bà.

Nghe người mẹ nói, mới nhốt con được gần 20 năm sao mà chua xót. Có lẽ bà  đã quá quen với những điều đang xảy ra. Hàng xóm nhiều người cũng đã quên mất một anh Năm rồ vì anh đã bị tách biệt với thế giới bên ngoài rất lâu. Chính ông Q một người hàng xóm ngay cạnh nhà bà Nở đưa tôi đến cũng thừa nhận, giá hôm nay không đi cùng anh thì tôi cũng chẳng biết mặt mũi nó ra sao bởi lẽ hơn chục năm rồi từ ngày tôi được anh em nhà bà Nở nhờ sang để bàn xem nên làm chuồng nhốt Năm sao cho an toàn từ đó đến giờ tôi cũng chẳng được nhìn mặt nó.

Nỗi kinh hoàng trong thế giới người điên - 1

Anh Năm và cái chuồng gia đình xây dựng để nhốt anh

Ông Q với gia đình bà Nở là hàng xóm tốt bụng, ông được trời phú cho sức khỏe lại nhiệt tình nên lần nào lên kế hoạch nhốt con, bà Nở cũng “mời” ông. Mỗi lần được nhờ, ông chẳng băn khoăn. Tuy nhìn đồng loại của mình bị nhốt, bị trói ông đâu vô cảm nhưng không làm thế không ổn. Năm đã từng đánh rất nhiều người cùng làng, còn người trong nhà thì Năm đe dọa và đánh nhiều đến mức bà Nở không nhớ nổi.

Do Năm bị nhốt quá lâu nên việc đóng cũi, xây chuồng cũng được thay đổi “công nghệ” và thiết kế liên tục để phù hợp với từng mức độ “điên”. Theo lời kể của ông Q, đầu tiên gia đình xích chân Năm bằng xích chó nhưng anh đã từng phá tan mấy chục đời xích. Sau khi gia đình đã lồng mấy xích vào nhau nhưng Năm vẫn phá được và bỏ đi lang thang 6 tháng, may sao có một người cùng làng gặp Năm và đã gọi cho gia đình lên đưa anh về. Sau khi về gia đình bà Nở  nhờ mấy thanh niên làm cũi nhốt Năm. Cũi to, rộng anh Năm bị nhốt và cho ăn như người ta cho con chó, con mèo ăn, nhưng theo năm tháng do Năm vệ sinh, ăn uống tại chỗ nên những cây gỗ bị mục, anh lại trốn ra và vác dao đi khắp làng. Theo nhiều người dân ở Mỹ Lung cho biết, anh Năm rồ mà ra thì hầu như phải báo động cả xóm. Anh vác dao đi khắp làng, anh đi lầm lũi như con thú hoang và dùng dao phá bất cứ thứ gì hoa màu hay cây cối mình gặp.

Có một câu chuyện mà trong tiềm thức của tôi và nhiều người biết không bao giờ quên đó là việc bà Nở đã dùng bốn tấm gỗ quan tài để làm cũi nhốt con. Xã Mỹ Lung là vùng sâu vùng, xa nên vẫn còn tập tục mua sẵn cỗ quan tài trong nhà để lo hậu sự. Bà Nở cũng vậy, gia cảnh bần hàn lo cho sự sống đã vậy sự chết bà cũng phải lo. Cỗ quan tài bà dành dụm bấy lâu nay nhưng khi bí bà cũng nhờ người ta mang ra để làm cũi. Bà không tiếc vì khi bà chết, có nghèo đến mấy cũng chẳng đến nỗi xã hội gói bà vào chiếu sau đó mang chôn. Điều bà Nở suy nghĩ là khi bà chưa chết mà đã phá quan tài của bà để làm cũi nhốt con, làm như vậy chẳng khác nào bà chôn sống con mình.

Bà cố cóp nhặt xây cho con cái chuồng kiên cố. Nghe người ta bàn ra bàn vào mãi, bà đã vay mượn mua gạch, cát, vôi… để xây chuồng cho người con khốn khổ. Chuồng được xây lên rộng khoảng gần chục mét vuông, bà không có tiền làm cửa nên đành nhờ anh em mang mấy mảnh ván quan tài được tháo dỡ  từ chiếc cũi bằng gỗ trước đây để làm cửa nhưng thật trớ trêu, ván lâu ngày mục, Năm dùng chiếc đầu khỏe như trâu mộng húc đổ và lại thoát ra ngoài.

Gia đình lại phải đi đóng cho anh một cánh cửa mới bằng gỗ thịt chắc chắn hơn. Để đề phòng người “điên” húc đổ cánh cửa như lần trước, gia đình đã  mua mấy chục nghìn tiền đinh về đóng phông theo hướng từ ngoài vào trong. Cánh cửa thành một bàn chông khổng lồ khiến Năm bất lực, tuy chưa lần nào lao thẳng đầu vào cái “bẫy” chết người ấy nhưng trong căn phòng chật hẹp tối đen như nhà ngục ấy không tránh khỏi chuyện anh quyệt vào đinh dài nhọn hoắt, nên trên người anh đầy vết trầy xước lở loét.

Mở cửa chuồng, ngắm nơi ở của người “điên”

Một sự thật phũ phàng là chính bà Nở mấy năm rồi mới được thấy mặt con. Chuồng nhốt con được bà đặt sát ngay gian trái. Ở cách con có mấy bước chân nhưng mấy năm rồi bà mới được gặp con. Cả căn nhà mấy gian được làm bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian. Riêng chuồng nhốt con rộng chưa đầy 6m2 thì được xây bằng bê tông cốt thép.

Chỉ nhìn cách đóng và khóa cửa “nơi ở” của Năm tôi cũng hiểu khi bị “sổng chuồng” thì mọi việc sẽ nguy hiểm thế nào. Cánh cửa chỉ rộng khoảng 60cm cao 1,5m làm bằng lõi xoan nguyên chất. Ghé mắt nhìn vào trong chúng tôi chỉ thấy một màu đêm u tối. Vừa nhìn tôi phải lùi ra mấy bước chân không sẽ nôn ọe vì mùi xú uế và thức ăn thừa. Phía ngoài cửa là một then cài bằng thép, chiếc khóa Việt Tiệp ngoại cỡ được đứa cháu bà đi làm thuê ở tận Hà Nội mua về. Nhìn cảnh nhốt người một cách tàn độc chúng tôi thầm hỏi không biết liệu chính quyền, ngành y tế của địa phương có biết, hay họ biết nhưng lương tri đã ngủ quên…

Sau những tiếng gõ chan chát vào cánh cửa, tiếng búa tạ nện vào chiếc cọc tre chắc nịch đóng chẹn sát vào chiếc cối to, cánh cửa “ngục” của người điên đã được mở. Người “điên” xuất hiện cũng là lúc một đám người không “điên” bỏ chạy vì một thứ mùi mà người trần khó ai chịu nổi. Tôi cố bịt mũi lấy chiếc khẩu trang thủ sẵn trong ba lô và  bấm máy chụp lia lịa.

Anh Năm dưới ống kính không một mảnh vải che thân. Anh bị đối xử như con vật nhưng với tôi anh là một con người máu đỏ da vàng. Ngượng thay cho người “điên” tôi nhờ người nhà đưa cho anh một mảnh vải để che đi những chỗ mà con người vẫn phải che kín.

Cảnh làm tôi ái ngại nhất là ngục giam được đóng vài trăm chiếc đinh xuyên theo chiều từ ngoài vào trong. Theo như người nhà anh nói, nếu Năm “sổng chuồng” ra ngoài chắc hẳn anh sẽ giết những người thân trong gia đình bất kì lúc nào và cả ngôi làng ấy có lẽ phải chứng kiến những chuyện chẳng lành do Năm “điên” gây nên. Ai chẳng biết người nhà anh làm như vậy để ngăn không cho anh gây án nhưng những người có lương tri có nghĩ được rằng anh có thể đâm đầu vào cánh cửa có hàng trăm, hàng nghìn chiếc đinh như cái bàn chông khổng lồ đó mà chết không?

Người nhà anh Năm mở cửa, tôi nhìn thấy anh như một người nguyên thủy mới được bước chân vào thế giới của con người. Anh là người, không ai dám phủ định điều đó nhưng có một điều ai ai cũng biết là đã mấy nghìn ngày qua anh đang bị coi như một loài thú dữ tàn độc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Thuận – V.B (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN