Nơi cảm hóa học sinh cá biệt

“Những học sinh bị kỷ luật, quậy phá buộc phải thôi học từ các trường khác, thậm chí bỏ học 1-2 năm vì lãnh án tù treo, nếu có nguyện vọng xin vào học lại, nhà trường sẵn sàng tiếp nhận”.

Đó là khẳng định của thầy Trần Cang - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Từ lá thư của một học sinh bị đuổi học

Câu chuyện bắt đầu từ năm học 2009-2010, lãnh đạo nhà trường nhận đơn xin học của em Ph. Qua tìm hiểu, ban giám hiệu phát hiện em là nữ sinh cá biệt, thường xuyên tổ chức quậy phá, đánh lộn ở trường cũ. Năm lớp 12, Ph. mang thai, phải nghỉ học hai năm để nuôi con. “Lúc cầm đơn xin vào học lại của nữ sinh này, tôi rất băn khoăn và lo lắng. Nhiều thầy cô trong trường phản đối vì chất lượng đầu vào của trường đã thấp, nay lại tiếp nhận những trường hợp rủi ro cao sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Nhưng nếu chúng tôi không nhận thì em sẽ đi về đâu” - thầy Cang nhớ lại.

Sau gần hai tuần “đấu tranh”, thầy Cang đã thuyết phục được ban giám hiệu nhận Ph. vào học với quyết tâm sẽ cảm hóa được cô. Nhưng không có giáo viên chủ nhiệm nào đủ “can đảm” để nhận Ph. vì sợ ảnh hưởng thành tích của lớp. Thầy Cang lại tìm đến các thầy, các cô chủ nhiệm để động viên. Sau cùng Ph. cũng được nhận vào lớp 12/10 do cô giáo Lê Vũ Nữ Thuyền Quyên chủ nhiệm.

Nơi cảm hóa học sinh cá biệt - 1

Nhiều học sinh cá biệt đã trưởng thành nhờ một giáo án mềm dẻo của Trường Lê Hồng Phong - Quảng Nam. Ảnh: TT

Sau khi tiếp nhận Ph., nhiều học sinh cá biệt, bị kỷ luật ở các trường khác cũng làm đơn xin về Trường THPT Lê Hồng Phong. Đầu năm 2011, NHK, một học sinh cá biệt của Trường T. bị TAND huyện Duy Xuyên tuyên án năm tháng tù treo. Mặc cảm với bạn bè, K. không dám trở lại trường cũ. Khi nhận được đơn của K., nhà trường đã đứng ra bảo lãnh cho em vào học.

Những giáo trình “đặc biệt”

Số lượng học sinh cá biệt xin về học tại trường cứ thế tăng dần theo thời gian. Trong năm học 2011-2012, nhà trường đã tiếp nhận hơn 11 trường hợp là học sinh vi phạm kỷ luật ở các trường khác. Theo thầy Cang, đối với những học sinh cá biệt cũng cần phải có một giáo trình giảng dạy “đặc biệt”. “Các thầy cô trong trường có phương án giáo dục riêng biệt cho từng em. Chẳng hạn, nữ sinh sa chân lỡ bước, sinh con khi còn tuổi học sinh thì giao về cho các cô giáo chủ nhiệm kèm cặp, động viên. Còn các học sinh nam quậy phá, vi phạm kỷ luật thì giao về cho các thầy lớn tuổi, có kinh nghiệm khuyên răn, uốn nắn dần” - thầy Cang cho hay.

Cô Quyên tâm sự: “Ngoài chương trình học căn bản như các học sinh bình thường khác, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các em làm bài tập thêm ở nhà. Các em luôn mặc cảm với lỗi lầm nên cần phải có biện pháp mềm dẻo”.

Đầu năm học mới, nhà trường lại tiếp nhận thêm ba trường hợp học sinh cá biệt từ các trường khác chuyển đến. “Khi quyết định tiếp nhận các em, nhà trường đã chấp nhận những thua thiệt về thành tích thi đua. Không thể vì những thành tích đó mà đóng sập cánh cửa đến trường đối với các em, như vậy là chưa làm tròn trách nhiệm của nghề giáo” - thầy Cang tâm sự.

Nâng cánh những ước mơ

Những ngày này, TTNH, một cựu học sinh của trường đang chuẩn bị hành trang để vào TP.HCM nhập học. Năm 2007, H. trúng tuyển vào lớp 10 nhưng do ham chơi, bị bạn bè lôi kéo H. trở thành học sinh cá biệt. H. mang thai và phải nghỉ học hai năm để nuôi con. Vào đầu năm học 2011-2012, H viết đơn xin vào học lại lớp 12 tại Trường THPT Lê Hồng Phong và được nhà trường tiếp nhận. H. đã đỗ tốt nghiệp loại khá. Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa rồi, H. đỗ vào Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM với số điểm khá cao: 18 điểm.

Nhiều học sinh cá biệt khác cũng đã trưởng thành từ ngôi trường đặc biệt này. Hầu hết các em đều đã thi đậu vào các trường ĐH, CĐ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Tài (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN