Nỗi buồn “người hùng sông Gianh”
Cứu 36 người thoát chết từ chuyến đò định mệnh trên sông Gianh cách đây hơn 4 năm, được nhận nhiều lời khen, tiền thưởng, kể cả lời hứa cấp đất, song giờ đây gia đình “người hùng sông Gianh” khốn khó vô cùng.
Căn nhà gỗ của ông Mai Văn Luyện (48 tuổi) nép mình bên dòng sông Gianh đoạn thượng nguồn chảy qua thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nay đã xuống cấp nặng nề sau bao mùa mưa nắng. Những cơn lũ có lúc từng nhấn chìm cả nóc nhưng chủ nhân ngôi nhà xập xệ này vẫn giữ nguyên vẹn hàng chục tấm bằng khen về hành động dũng cảm của mình.
Xả thân cứu hàng chục người
Đã hơn 4 năm trôi qua song ông Luyện không thể nào quên được cảnh tượng bi thảm đến xé lòng trên dòng sông Gianh vào sáng 25/1/2009. Đó là buổi sớm ngày 30 Tết. Con đò nhỏ chở gần 80 người ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, trong đó phần nhiều là phụ nữ và trẻ em, qua sông Gianh để xuống chợ Ba Đồn mua sắm đồ đón Tết Kỷ Sửu.
Vợ chồng bà Trần Thị Tâm - ông Mai Văn Luyện trong căn nhà gỗ đã xuống cấp nặng
Chỉ chưa đầy 20 m nữa thôi là con đò ấy cập bờ. Bất ngờ, con đò chao đảo rồi lật chìm trong phút chốc. Hàng chục người bị hất văng xuống dòng sông sâu thẳm, lạnh lẽo. Quá hoảng loạn và không biết bơi, họ bấu víu lẫn nhau để tìm đường sống trong tuyệt vọng.
Cách đó 100 m, ông Mai Văn Luyện và con trai Mai Thanh Phong cùng 2 người cháu là Trần Quốc Thắng, Trần Quốc Hoàn đang trên con đò sắp ngược dòng về quê ăn Tết. Thấy cảnh hãi hùng, không một chút chần chừ, họ liền ào đến cứu.
Mặc cho trời mưa phùn, rét như cắt da, lại đói bụng, 2 chàng trai trẻ Mai Thanh Phong và Trần Quốc Hoàn cởi áo ấm, cầm dây thừng được buộc chặt vào đò rồi nhảy xuống sông. "Vừa xuống nước thì Phong và Hoàn bị những người sắp chìm nắm lấy tay, cổ rất chặt. Hai đứa phải lặn một hơi xuống tới đáy mới thoát được, sau đó nắm tóc từng người một mà kéo lên. Tôi và Thắng đứng trên đò dùng dây hỗ trợ, đưa những người được cứu lên đò và chạy vào bờ" - ông Luyện kể.
Dòng sông Gianh đoạn này sâu gần 10 m, trời đang mưa phùn giá rét nên việc cứu nạn rất khó khăn. Hơn 1 giờ sau, gần 40 người trên chuyến đò định mệnh đó được nhóm ông Luyện cứu, đưa vào bờ. 42 người đã chết chìm dưới sông Gianh. Trong những người được cứu, một số do kiệt sức nên đã không qua khỏi, còn 36 người sống đến bây giờ. "Nếu hôm đó thời tiết không quá khắc nghiệt thì số người được cứu đã nhiều hơn" - ông Luyện nói, mắt đượm buồn.
Suốt ngày hôm đó, 4 "người hùng sông Gianh" miệt mài cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn lặn tìm thi thể những người mất tích. Cả ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Kỷ Sửu, xã Quảng Hải chìm trong tang tóc.
Gia cảnh bế tắc, suy sụp
Sau lần xả thân cứu người ấy, 4 "người hùng sông Gianh" được rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tặng bằng khen, tiền bạc. Ông Mai Văn Luyện cho biết gia đình ông nhận được tổng cộng khoảng 40 triệu đồng. Nhà ông thuộc diện hộ nghèo, 7 miệng ăn nhờ vài sào ruộng và nghề chở thuê trên sông Gianh.
Ông Mai Văn Luyện mong được cấp đất như đã hứa để gia đình ông có nơi ở mới Ảnh: Quang Nhật
Cách đây ít hôm, ông Luyện trở về nhà sau 20 ngày điều trị và phẫu thuật dạ dày ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ca phẫu thuật chỉ tốn 9 triệu đồng nhưng vợ ông phải cầm cố chiếc xe máy và chạy vạy vay thêm tiền mới đủ. Bà Trần Thị Tâm, vợ ông Mai Văn Luyện, buồn bã: "Anh ấy bị loét dạ dày và sỏi mật từ lâu nhưng không có tiền chạy chữa nên ngày càng nặng, hôm rồi đang làm việc thì ngã quỵ, phải đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu. Khi đó, trong nhà chỉ còn 20.000 đồng nên tôi bảo con đem chiếc xe máy đi cầm được 5 triệu đồng, vay mượn thêm 4 triệu nữa để đưa ảnh vào Đồng Hới mổ gấp". Các bác sĩ cho biết dạ dày ông Luyện còn bị loét một chỗ khác nữa, phải mổ gấp, nếu không sẽ bị ung thư. "Tiền đâu mà mổ?" - bà Tâm rầu rĩ.
Vào ngày ông Luyện xuất viện, Mai Thanh Phong đón xe trở lên Gia Lai làm thuê sau nửa tháng về quê chăm sóc cha. Vì hoàn cảnh gia đình túng quẫn, Phong đã nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS. Bà Tâm bảo rằng tưởng số Phong sẽ thoát khỏi cảnh nghèo, được tiếp tục ăn học sau khi bỏ học lớp 9 vì từng được nghệ sĩ Kim Cương nhận làm con nuôi nhưng nay con trai bà vẫn trở lại với kiếp làm thuê.
Em kế của Phong là Mai Thị Loan cũng vào Bình Dương xin làm thợ may sau khi tốt nghiệp THPT. Hành lý mà Loan mang theo có tờ giấy báo dự thi vào ngành mầm non Trường ĐH Sư phạm Huế. "Con Loan học giỏi lắm nhưng nhà tôi quá nghèo nên chẳng có tiền cho theo học. Nó bảo vào miền Nam làm thuê kiếm tiền để sang năm dự thi" - bà Tâm kể.
Người con gái đầu của ông Luyện - bà Tâm là Mai Thanh Nhung đã tốt nghiệp ngành tiếng Anh Trường ĐH Bình Dương, thất nghiệp triền miên nên Nhung đành lấy chồng về Thanh Hóa làm ruộng. Và mùa hè năm nay, đứa con út của ông bà là Mai Thanh Phú đang học lớp 9 cũng phải bỏ học vì nhà quá nghèo...
Hứa cấp đất rồi... im! Sau vụ cứu người trên sông Gianh, một lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đến nhà thăm ông Mai Văn Luyện. Thấy gia cảnh ông Luyện nghèo khó, nhà lại sát bờ sông quanh năm bị xói lở nên bảo ông làm đơn xin cấp đất để huyện yêu cầu xã bố trí cho một lô tại thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa. Năm 2009, ông Luyện đã làm đơn gửi UBND xã Đồng Hóa, xin được cấp lô đất vốn trước đây ông đã trúng đấu giá nhưng không có tiền lấy. Thế nhưng, chẳng lâu sau, lô đất đó đã được bán cho người khác. Ông Đoàn Đại Thế, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, cho biết vì lô đất ông Luyện xin nằm trong quy hoạch đấu giá nên xã không thể cấp. Xã đã bố trí vài lô để chọn nhưng ông Luyện đều chê vì nằm ở nơi heo hút. Ông Luyện cho biết: "Tôi có gặp ông Thế để hỏi về vụ cấp đất. Ông ấy nói sẽ bố trí lô đất khác nhưng rồi mọi chuyện đến giờ vẫn... im ru!". |