Những "thước phim câm” nơi núi lở
Suốt những ngày lê lết bùn đất đến với thảm họa vùi lấp 20 con người khốn khổ ở La Pán Tẩn, tôi rất ít có dịp mở miệng. Bởi bất đồng ngôn ngữ với phần đa bà con Mông ở vùng heo hút. Phần nữa, là vì nỗi đau thấu trời xanh và sự day dứt kinh hoàng kia đã khiến tôi cứ lút chìm vào im lặng.
Những thước “phim câm” cứ trần trụi, tê tái hiện ra bởi những chuyện một lần biết đến thì sợ đến già! Nếu không viết ra thì sợ mình sẽ có lỗi với những người chết oan nằm đó.
Nỗi đau mất mát người thân đã khiến cho gương mặt người dân ở La Pán Tẩn như hoá đá
“Sao Giàng không cho tôi chết thay thằng Vếnh, thằng Sàng?”
Thi thể và nhiều mảnh thi thể của 17 sinh linh vô tội đã được tìm thấy trong đống đất đá nhiều nghìn mét khối đó. Công việc bới đất tìm xác người vẫn tiếp tục giữa rừng xanh núi đỏ, cách trụ sở uỷ ban những 7km, người ta chỉ còn mỗi cách đi bộ dăm bảy giờ đồng hồ để xuyên rừng già và những núi đất chờ chực ụp xuống.
Đường nhão nhoét, mưa vẫn ào ạt. Tôi và công an viên phụ trách bản La Pán Tẩn - anh Hạng A Tảng - bò dọc núi đến thăm hỏi phúng viếng ở các gia đình. Đi bộ còn ngã như đập mẹt, nói gì đến xe cộ.
Leo đã mệt, mệt đến mức không ai nói gì với ai. Nhưng đến các đám tang thì người ta dễ quỵ ngã chứ không chỉ là mệt mỏi.
Bản La Pán Tẩn chon von đỉnh núi, nhà người Mông nền đất thấp tè, vịt, ngan, lợn, bò cứ chạy như cung quăng. Lý A Vếnh và Lý A Sàng, hai anh em ruột, đều ngoài hai mươi tuổi, cùng chết dưới trăm nghìn tấn đất đá do vụ lở núi ngày 7/9 ở La Pán Tẩn. Người anh A Sàng thì vừa mới được lực lượng cứu hộ đào lên.
Tìm mãi, chỉ thấy hai cánh tay và khúc thân giữa từ cổ xuống đến rốn. Tất cả đã biến mất vĩnh viễn trong đất đá, có thể chúng đã được trôi về tít dưới Tú Lệ, cách hiện trường vài chục cây số rồi. Bởi ở Tú Lệ, người ta vừa cũng tìm được nhiều phần thi thể, có khi chỉ là “mảng miếng” to bằng vốc tay, không biết của ai.
Giàng Thị Dở (phải) ngồi đợi lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể chồng mình là Lý A Xinh
Có 2 xác người vừa được bới lên ở dòng suối đặc bùn đất cách trung tâm hiện trường 5km. Người em A Vếnh thì thi thể dập nát nhưng vẫn khá đủ các bộ phận. A Vếnh và A Sàng đã ra đi vĩnh viễn. Mỗi người để lại một cô vợ quá trẻ và hai đứa con quá sức thơ dại. Đứa bé con của A Vếnh vẫn đỏ hỏn, nằm thiêm thiếp trong cái địu mà mẹ cháu quàng trước ngực.
Tiếng trống rúc lên thê thiết, người khóc lu loa. Hàng trăm người lũ lượt đứng trước thi thể của Vếnh. Còn A Sàng muôn phần đau xót hơn, anh ta chết bất toàn thây, được táng trong một chiếc quan tài xẻ vội bằng gỗ tươi bé xíu. Nó quá bé, bởi áo quan chỉ cần đủ lớn để chôn hai cánh tay và một khúc thân ngắn tũn của Sàng.
Ông Lý Chờ Rùa, ngoài bảy mươi tuổi, từng là cha của 14 người con - trong đó có A Vếnh và A Sàng. Con ông bị chết rơi chết rụng nhiều lắm, giờ đến lượt Sàng và Vếnh ra đi trong tích tắc hôm qua. Nhà chật, không đủ diện tích để mai táng hai người cùng một lúc, ông Chờ Rùa và thôn bản bèn tính chuyện đặt chiếc quan tài bé xíu của A Sàng ở ngoài núi xa. Cứ chôn rấp cho xong, rồi sau này sẽ làm lễ “rước hồn về” cho nó thật cẩn thận.
Trong nhà, bà con đến viếng A Vếnh rất đông. Thi thể của A Vếnh (bản Trống Páo Sang) được bó quần áo truyền thống khá nhiều màu sắc. Tư thế nằm thẳng, nhìn lên nóc nhà. Xung quanh là cờ phướn trắng đục. Thi thể treo cao, mặt mũi vỡ nứt, máu me đọng đầy. Chân thò ra khỏi quần.
Trên bụng, trong không gian tối bịt bùng của gian giữa ngôi nhà mái thấp ủ trong sương trắng lẫn mưa phùn, thi thể của A Vếnh nằm đuỗn, hai tay chắp bụng. Trên bụng Vếnh là cơ man nào cơm, xôi, thịt thà, thịt mỡ cứ trắng xóa rủ kín cả khúc thân. Chính giữa bụng và giữa các thức ăn mời người xấu số “ăn lần cuối” đó, trong tiếng khóc than rền rĩ, tiếng trống thê lương... là một ngọn đèn dầu đỏ đòng đọc.
Bố của A Sàng, A Vếnh nắm tay tôi, đôi mắt đục lờ ép ra hai hàng lệ. Ông nói mãi, các gương mặt thất thần, chứa chan khóc, không ai phiên dịch. Mãi rồi A Tảng mới thủ thỉ: ông Chờ Rùa bảo ông ngoài bảy mươi tuổi rồi, không làm gì được nữa, không muốn ăn gì nhiều nữa. Sao Giàng không cho ông ấy chết thay con, con còn trẻ, cháu còn bé, vợ các con còn dại, sao bắt chúng nó phải chết.
Khiêng xác người xấu số được tìm thấy về bản
Người chết có mở mắt được cho người sống?
Bản La Pán Tẩn có 200 hộ dân, với 800 nhân khẩu, mà bỗng dưng các góc núi nhỏ ềm ệp vài nóc nhà trong sương đó phủ trắng màu tang. Nóc nhà cắm cờ tang. Nhiều khu, ba bốn ngôi nhà, nhà nào cũng có người chết. Cạnh nhà Chờ Rùa, có nhà Sùng Thị Dở vừa chết, cạnh nhà Dở có Hạng A Sú mới chết, qua nhà Sú đến nhà có 3 người chết là Hạng Tồng Chua (chồng) - Thào Thị Của (vợ) - Hạng A Giàng (con của hai người trên)...
Toàn những hộ nghèo, “túng làm liều” đi mót quặng ở vùng người ta làm cho thậm nguy hiểm. Nhà bé xíu, mốc thếch, lợp fibroximăng. Nhà nào cũng vắng teo. Bởi các đám tang đều được tổ chức trên núi. Làm gì có nhà nào đủ rộng để tổ chức lễ tang cho cả hai vợ chồng gia chủ và đứa con trai gần ba mươi tuổi của họ? Hạng A Giàng chết theo bố mẹ già, để lại cô vợ trẻ chửa 7 tháng, bụng đã vượt mặt.
“Những thước phim câm” cứ chầm chậm diễn ra trước mắt tôi, hiếm hoi lắm mới có một lời bình của ai đó, giữa tang tóc thảm thương đến mức nói gì cũng có cảm giác thừa và vô duyên. Cái điều cần phải nói thì lại không ai nói. Ấy là trong vụ lở núi làm 17 người đã chết thảm, 1 người mất tích, 2 người đang thập tử nhất sinh kia, những người xấu số có giúp đông đảo người sống “mở mắt” ra để lo cho một cuộc sống không vô cảm và bớt rủi ro hơn không? Điều ấy, tiếc thay lại không ai chịu trả lời. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Mù Căng Chải đều từ chối đề cập vấn đề này hoặc nợ câu trả lời khi tôi chất vấn: Trách nhiệm thuộc về ai?
Những gương mặt thất thần ở La Pán Tẩn. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Một con toán đơn giản. Theo như bà con phản ánh, dăm bảy năm nay, doanh nghiệp Thịnh Đạt đã vào La Pán Tẩn khai thác quặng. Thứ quặng này đắt đỏ. Họ được cấp phép, họ đào xuyên vào lòng núi khai thác “hầm lò” theo hình “mỏ quạ”. Thế là núi vỡ âm, là đất đá trôi xuống đã không ít lần. Cả cây cối rùng rùng chuyển động, cả ngọn núi ập xuống những lương dân vô tội đi mót quặng kiếm ăn.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái thừa nhận, chỗ sạt lở có diện tích bãi thải của công ty khai quặng. Công an xã bảo: Doanh nghiệp không đào bới, thì làm sao đất sạt được dễ dàng thế?
Nhóm cứu hộ, người làm quặng có mặt tại hiện trường hôm đó (dân bản La Pán Tẩn) rất đông, trả lời phỏng vấn của chúng tôi (do ông Hạng A Chao, người am hiểu và sõi tiếng Kinh nhất nói và phiên dịch thêm). Theo đó, đây không phải lần đầu khu vực bị khai thác cẩu thả kia nó sạt. Lần trước nó đã sạt vài lần, dân không có mặt đúng lúc nó sạt nên không việc gì. Lần này, nó sạt quá... đúng lúc nên mới khổ. Nhiều thanh niên trong bản ồ lên: “Nhà báo vào núi mà xem kỹ, núi đã bị nứt nhiều chỗ lắm. Còn mưa thì còn sạt nữa”.
Đúng hôm xảy ra vụ vùi lấp 20 người xấu số, trước 9h sáng, công nhân của công ty khai quặng kia vẫn làm việc. Điều này trái hoàn toàn với việc cơ quan chức năng nhất tề nói, vì mưa lũ công ty đã đóng cửa mỏ. Việc sạt lở là do mưa lớn, thiên tai hoành hành.
Những gương mặt thất thần vì nỗi đau mất người thân ở La Pán Tẩn. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Điều khó hiểu là hầu hết cán bộ địa phương ra sức bảo vệ sự “vô can” của lực lượng được cấp phép tổ chức khai quặng ở La Pán Tẩn, trong khi công ty này tuyệt đối không thấy “ra mặt”. Sự cẩu thả, sự thiếu an toàn trong khai thác gây lở núi, sạt đồi và chết nhiều người dân vô tội kia liệu có là sự thật? Cán bộ xã, cán bộ huyện và tỉnh ở đâu trong việc để xảy ra thảm họa này?
Trước nhiều bằng chứng mà các nhà báo nỗ lực cung cấp, những người có mặt trong cuộc họp báo tại xã La Pán Tẩn (gồm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái...) đều hứa sẽ đặc biệt lưu ý, xem xét khi điều tra, xử lý, kiểm điểm các tổ chức cá nhân để xảy ra tình trạng đau lòng kể trên.
Trước những lời hứa và khất câu trả lời, nhiều nhà báo chỉ biết buồn bã xuống núi, với hy vọng người chết sẽ góp phần “mở mắt” cho những người đang sống. Bởi Yên Bái có quá nhiều điểm mỏ phức tạp, có quá nhiều điểm nóng sạt lở đã được khảo sát và lên kế hoạch di dời dân khỏi “miền tử thần”... nhưng công việc vẫn quá ngổn ngang.
Và, tiếng cưa gỗ vẫn xoèn xoẹt. Quan tài vẫn được đóng mới nữa. Có nạn nhân chỉ tìm được một cánh tay, nhưng nhờ ngón tay cụt mà người thân nhận ra. Có người chỉ nửa hộp sọ, nhờ chiếc răng vàng mà không lẫn. Có nữ nạn nhân được nhận diện nhờ mái tóc rất dày.
Tít dưới Tú Lệ xa xôi, dọc con suối kinh hoàng, người ta vẫn nhặt được những cục thịt, miếng tay chân của ai đó. Tiếng khóc rúc lên, gương mặt Lý A Vếnh nằm ai oán trên giá treo giữa nhà có cái gì thật rùng rợn và tê tái.
Vếnh xui tôi nghĩ về những thước phim câm, những câu hỏi chưa có lời giải về một sự thật tím ruột bầm gan: Có ai đó đã vô cảm, đã cẩu thả, đã vô trách nhiệm với sự bình an của bà con mình?
Thủ tướng yêu cầu sớm làm rõ nguyên nhân sạt lở đất ở Yên Bái Hôm qua (9/9), Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp tìm kiếm người bị nạn, cứu chữa người bị thương, mai táng người bị thiệt mạng và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định. L.S |