Những số phận bi đát ở làng có hàng chục người điên
Hàng chục năm qua, số người điên ở xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) lúc nào cũng trên 30 người. Đắng lòng hơn, có nhiều người trong một gia đình cứ nối tiếp nhau phát điên từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Khỏe nhất làng bỗng thành người điên
Đến làng Đọi Nhất những ngày cuối tháng 3, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm để tập trung ra đồng làm vụ lúa mới. Ngoài đường, thỉnh thoảng gặp một vài người áo quần rách rưới, bẩn thỉu, vừa đi vừa nói, vừa hát, vừa cười một cách vô hồn. Hình ảnh đó ám ảnh đến đau lòng mà những vị khách lạ đều cảm nhận được khi bước chân lạc vào “thế giới của những người điên” ở dưới chân núi Đọi này.
Nằm ép mình dưới chân núi, nhà ông Lê Thế Bình ở xóm Cộng Hòa thấp lè tè và mục nát. Trong căn nhà trống rỗng đó, ông Bình cứ lảm nhảm những câu vô nghĩa với những vị khách đến thăm nhà. Nói đến gia đình ông, ở cái làng, cái xã này không ai không biết. Cả hai thế hệ, từ ông đến con đều bị căn bệnh tâm thần hành hạ.
Khi nhắc đến hai chữ gia đình, nhắc đến chồng, nhắc đến con là bà Đinh Thị Thuận lại nước mắt ngắn dài. Lúc bà nghẹn lại, lúc bà nấc lên nức nở. Bởi làm sao cầm lòng được khi cuộc sống gần 30 năm của bà phải gắn liền với gia đình là những người điên?
Ông Lê Thế Bình giờ đã tỉnh táo sau mấy chục năm bị điên và bỏ đi lang thang. Ảnh: P.B
Câu chuyện của gia đình bà Thuận bắt đầu từ năm 1988, khi ông Bình khoét núi, lấy đá trên núi Đọi để làm nhà. “Thời đó, ông ấy vẫn còn là người bình thường và khỏe nổi tiếng trong vùng. Ông ấy đi khắp các nơi làm nghề xẻ gỗ, xẻ đá thuê lấy tiền nuôi vợ, nuôi con. Nhưng sau khi ngôi nhà của gia đình hoàn thành thì ông ấy có biểu hiện hay nói linh tinh, rồi cứ đi biệt tích từ tháng này sang tháng khác. Đó cũng là thời điểm mà tôi đã mơ hồ cảm nhận được rằng, cuộc đời của mình sẽ bắt đầu với những chuỗi ngày đau đớn và tủi nhục”, bà Thuận nói trong nước mắt.
Ông Bình bị điên. Cái tin đó ở xóm Cộng Hòa dưới chân núi Đọi này bắt đầu lan ra khắp nơi, nhưng người dân ở đây không hề lạ. Bởi trước ông Bình, đã có hàng chục người khác bị như thế. Những ngày tháng bị bệnh, ông Bình cứ đi lang thang từ nơi này sang nơi khác. Thấy nhiều người nói với nhau do ông Bình khoét đá, xây nhà phạm vào một ngôi đền nên bị phạt phát điên, bà Thuận ngày ngày lên thắp hương, cầu khấn, sau đó, ông Bình đã tự tìm về nhà, có vẻ tỉnh táo hơn.
Nhưng khi bà Thuận chưa kịp vui thì đứa con trai đầu Lê Thế Hòa (SN 1992) cũng có biểu hiện như bố. Hòa cũng bỏ đi lang thang khắp nơi. Một thời gian Hòa cũng tỉnh táo và tìm đường về nhà. Chưa được bao lâu, cậu em Lê Thế Hiền (SN 1994) cũng lại có biểu hiện như anh trai và bố.
Bà Thuận, vợ ông Bình, khóc nức nở khi kể về hoàn cảnh mấy chục năm chăm chồng, chăm con bị bệnh.
Khổ giống nhau, bi đát giống nhau
Mấy chục năm qua, gia đình bà luôn thuộc hộ nghèo. Hàng tháng, bà Thuận xuống trạm y tế xã lấy thuốc và lĩnh tiền chế độ cho 3 bố con. “Cũng mừng là ông Bình và Hòa giờ đã tỉnh táo. Mong trời đất phù hộ để hai bố con bớt bệnh, Hiền cũng tìm đường về với gia đình”, những giọt nước mắt của bà Thuận lại lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ.
Theo lời bà Đinh Thị Liên (hàng xóm), hoàn cảnh của bà Thuận cũng chỉ như một trong nhiều gia đình có người bị tâm thần ở xã Đọi Sơn này. Có người tâm thần bẩm sinh, có người sinh ra tỉnh táo rồi đến ngưỡng nào đó là mắc bệnh nên hoàn cảnh ai cũng khổ sở như nhau.
BS Nguyễn Anh Phương, Trạm phó Trạm Y tế xã Đọi Sơn khi nhắc đến các trường hợp bị bệnh ở đây giọng cứ nghèn nghẹn: “Một gia đình có người bị bệnh thì khổ trăm bề. Đằng này có gia đình 2, 3 người điên. Gia cảnh nhà nào cũng nghèo giống nhau, khổ giống nhau và bi đát giống nhau”.
Theo danh sách đang quản lý của Trạm Y tế xã Đọi Sơn, tôi lần tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1970) ở làng Đọi Trung. Bao năm qua, mẹ của chị Duyên phải đi ăn xin khắp nơi để nuôi con. Rồi sang xóm Đọi Tín có anh Bùi Văn Chuyển cũng bị điên mấy chục năm nay, bố đã mất, mẹ già đang ốm liệt giường chẳng ai chăm nên anh Chuyển đi lang thang, gặp gì ăn nấy. Bà Trần Thị Mến (SN 1955), ở một mình, bị bệnh hàng chục năm qua không người chăm sóc, cũng đi lang thang khắp nơi. Rồi ông Trần Văn Nam (SN 1950), ở thôn Đọi Tín cũng bị bệnh, ở với mẹ già đã 90 tuổi...
“Trước tình trạng có quá nhiều người mắc bệnh tâm thần bất thường như ở xã Đọi Sơn, một số cơ quan ban, ngành đã về tìm hiểu, xét nghiệm nguồn nước xung quanh núi Đọi nhưng kết quả đều không có chất gây hại. Có người lại cho là do các lò gạch luôn nhả khói và khí độc nên dẫn đến tình trạng này”, BS Phương cho biết.
Theo BS Phương, hiện ở xã Đọi Sơn có tổng cộng 30 người, nhưng đó là con số có trong sổ quản lý. Còn những người không thể quản lý được (như đi lang thang, mất tích lâu ngày, gia đình không khai báo...) thì còn nhiều hơn nữa. BS Nguyễn Anh Phương cho rằng, theo chính sách chung, mỗi bệnh nhân tâm thần, gia đình báo cáo, lập hồ sơ và được quỹ bảo trợ xã hội tỉnh trợ cấp cho 270.000 đồng một tháng. Thuốc uống thì miễn phí, mà nếu không có danh sách thì thuốc uống cũng chỉ mất mấy chục nghìn đồng mỗi tháng mà thôi. Người được uống thuốc đều thì bệnh có thể còn thuyên giảm, kiềm chế được những cơn chấn động, nhưng cũng có nhiều người đang bị chính gia đình họ bỏ rơi, không quan tâm chăm sóc, không lấy thuốc để uống.
“Trong khi cố công tìm hiểu nguyên nhân, có lẽ chính các gia đình, ban, ngành nên quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân tâm thần ở đây. Nó không hẳn là trách nhiệm, càng không phải là quy định, mà nó là tình thương yêu và lương tri của những người tỉnh”, BS Phương nói.