Những hồ bùn đỏ khổng lồ chực chờ gây họa

Sự kiện: Thời sự Bình Thuận

Nhiều hồ chứa bùn đỏ ở mỏ khai thác titan đã bị vỡ nhưng mối họa này vẫn chưa được ngăn chặn.

Bình Thuận được nhiều người biết đến với những đồi cát màu nâu đỏ nằm ven biển, đẹp nguyên sơ. Những năm gần đây, vì khai thác titan ồ ạt, có rất nhiều đồi cát đã biến thành những “hố bom” hoang tàn. Nguy hiểm hơn, các mỏ khai thác titan tạo ra những hồ chứa bùn đỏ khổng lồ nằm trên cao, chẳng khác nào những “túi bom” chực chờ gây họa.

Tỉnh nói ngưng, mỏ vẫn hoạt động

Chúng tôi có mặt tại các khu vực khai thác titan ở Bình Thuận vào những ngày đầu tháng 8, sau khi có thông tin những mỏ khai thác titan (do Bộ TN&MT cấp phép) đã tạm dừng hoạt động. Thế nhưng khi tiếp cận sâu bên trong mỏ và dùng thiết bị ghi hình từ trên cao, chúng tôi nhận thấy một số mỏ vẫn có dấu hiệu hoạt động.

Cụ thể, tại khu vực Thiện Ái (huyện Bắc Bình) do Công ty ĐC khai thác, chúng tôi thấy có rất nhiều công nhân và phương tiện cơ giới hoạt động. Hình ảnh ghi nhận từ trên cao còn cho thấy mỏ này đang tạo ra nhiều hồ bùn đỏ, có hồ rộng như sân bóng đá nằm ngay trên đỉnh đồi.

 “Nếu hồ chứa bùn này bị vỡ, chắc chắn dòng bùn đỏ sẽ tràn ra tới biển vì xung quanh không thấy công trình gì có thể ngăn chặn được” - một kỹ sư về môi trường đi cùng chúng tôi nhận định.

Tại khu vực Long Sơn - Suối Nước (TP Phan Thiết), chúng tôi cũng ghi nhận được ở khu vực giáp ranh giữa hai mỏ do Công ty ĐT SG và Công ty PH khai thác, có công nhân thường xuyên bơm nước đỏ quạch từ các hố khai thác quặng. Người dân địa phương cho biết thời gian qua họ vẫn thường xuyên thấy cảnh này nên lo ngại những dòng nước đó sẽ tràn ra môi trường hoặc ngấm dần xuống đất. “Chúng tôi không được vào khu vực mỏ, chỉ quan sát từ xa. Thấy họ bơm nước đỏ như thế nên rất lo. Nếu xảy ra sự cố, nước đỏ tràn xuống dưới này thì hoa màu chết hết” - một người dân trồng dưa hấu dưới chân đồi phản ánh.

Ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận (có nhiều năm giám sát hoạt động khai thác titan ở Bình Thuận), cho biết tại buổi tọa đàm về khai thác titan vào tháng 7-2017, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết các mỏ khai thác titan do Bộ TN&MT cấp phép đã tạm dừng khai thác do chưa đảm bảo các quy định liên quan. Thế nhưng sau đó ông đi khảo sát thực tế vẫn thấy nhiều mỏ có dấu hiệu hoạt động. “Tôi cũng không hiểu vì sao tỉnh nói mỏ đã ngưng nhưng vẫn thấy hoạt động. Tôi sẽ tiếp tục chất vấn về chuyện này” - ông Thiện bày tỏ.

Những hồ bùn đỏ khổng lồ chực chờ gây họa - 1

Hồ chứa bùn đỏ khổng lồ nằm ngay trên đồi cao,  khu vực mỏ titan của Công ty ĐC. Ảnh: TH.PH 

Những hồ bùn đỏ khổng lồ chực chờ gây họa - 2

Sự cố tràn hồ bùn đỏ năm 2016 của Công ty Tân Quang Cường gây ra nhiều thiệt hại. Ảnh: PN

Nhiều lần hồ vỡ, nguy cơ vẫn còn

Từ những hình ảnh do chúng tôi cung cấp, một kỹ sư địa chất cho rằng những hồ bùn đỏ khổng lồ nằm trên những đồi cát cao như thế là rất nguy hiểm.

“Hình ảnh cho thấy những hồ này không có bờ thành chắc chắn, chỉ là những lớp bùn cát đắp chồng lên nhau. Do đó chỉ cần xuất hiện vài cơn mưa là hồ có thể bị vỡ, nước sẽ tràn ra môi trường, chảy xuống các khu dân cư, các khu du lịch ven biển. Trên thực tế, ở Bình Thuận đã từng xảy ra nhiều vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ gây thiệt hại rất nặng nề” - vị này phân tích.

Qua thu thập nhiều tài liệu liên quan, chúng tôi phát hiện nếu làm đúng theo thiết kế, các mỏ khai thác titan không có những hồ bùn đỏ nằm trên đồi cao. Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế, việc tuyển quặng chỉ diễn ra trong moong (khu vực khai thác), xung quanh có bốn vách ngăn. Nước dùng để tuyển quặng được sử dụng theo kiểu “tuần hoàn khép kín”. Do đó, việc phát sinh những hồ nước - bùn đỏ khổng lồ cho thấy các mỏ này hoạt động không đúng thiết kế hoặc không xây dựng thiết kế mỏ.

Đơn cử, đối với mỏ khai thác của Công ty QC, nơi xảy ra vụ vỡ hồ bùn đỏ vào năm 2016, trong hồ sơ thiết kế mỏ chúng tôi cũng không thấy thể hiện thông tin về hồ chứa bùn đỏ. Sau khi xảy ra sự cố, trong một văn bản gửi HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết theo xác định của Sở TN&MT tỉnh, nguyên nhân là do công ty này tự làm hồ chứa và sự cố xảy ra khi công ty chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định. “Sở TN&MT đã có báo cáo nhận khuyết điểm và tổ chức họp kiểm điểm trước UBND tỉnh” - văn bản thể hiện thêm.

Trao đổi với chúng tôi về những hồ bùn đỏ khổng lồ ở những mỏ titan đang chực chờ gây họa và vai trò giám sát của đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thiện cũng bất bình. Ông nói: “Sau khi xảy ra các vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở các mỏ khai thác titan, Chính phủ không ít lần yêu cầu kiểm tra, làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa thấy có đơn vị nào nêu được nguyên nhân cụ thể là do đâu. Vì sao đã xảy ra nhiều vụ vỡ hồ bùn đỏ rồi mà các mỏ vẫn còn tình trạng này? Vấn đề này tôi liên tục chất vấn các đơn vị liên quan nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, các sở, ngành lại hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Đến giờ vẫn chưa thấy”.

Liên tục vỡ hồ, bùn đỏ tuôn như thác

Chỉ từ năm 2010 đến nay, ít nhất đã có bảy vụ vỡ hồ chứa nước - bùn đỏ ở các mỏ khai thác titan tại Bình Thuận.

Vụ vỡ hồ chứa bùn gần đây nhất xảy ra vào tháng 6-2016, tại mỏ khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Lượng bùn đỏ từ mỏ này tuôn như suối, tràn qua nhiều khu dân cư, khu du lịch và chảy ra tới biển, gây nhiều thiệt hại.

Đơn vị để xảy ra vỡ hồ nhiều nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận với ba vụ. Trong đó có vụ lượng bùn đỏ tuôn chảy hơn 3 km.

Lâm Đồng: Nước bùn đỏ tràn ra khỏi hồ không độc hại

Một đoạn đê dài 5m, cao 1m tại hồ thải quặng thuộc dự án tổ hợp Bauxit Nhôm Lâm Đồng vừa bị sạt lở khiến nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRUNG THANH - KHANG BÁCH (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN