Những dấu mốc trong cuộc đời Tướng Giáp

Năm 14 tuổi bắt đầu hoạt động cách mạng, đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những nhà chiến lược quân sự tài ba nhất lịch sử Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, những bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc. Xin điểm lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng.

Năm 1925, 14 tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng. Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt Cách Mạng Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế) vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp.

Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp,  ông được thả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội.

Ông hoạt động đấu tranh cách mạng trên mặt trận văn hóa, viết bài cho những tờ báo công khai hồi đó như Tin Tức, Nhân Dân, Tiếng nói của chúng ta, Lao động; làm biên tập viên cho các báo của Đảng; dạy Sử - Địa ở trường tư thục Thăng Long.

Những dấu mốc trong cuộc đời Tướng Giáp - 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911. Năm 37 tuổi, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân hàm Đại tướng.

Năm 1935, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái, bạn học tại trường Quốc học Huế, một Đảng viên Cộng sản, em ruột nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi kết hôn tại Vinh, hai người trở ra Hà Nội, ngụ tại một ngôi nhà ở phố Đường Thành, sau chuyển sang phố Nam Ngư. Năm 1942, bà bị đày đi nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), qua đời năm 1944.

Năm 1940, với bí danh là Dương Hoài Nam, ông cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 5 năm 1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông cùng các cán bộ cao cấp khác xây dựng cơ sở cách mạng, lập ra Mặt trận Việt Minh, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

Năm 1942, ông phụ trách ban "Xung phong Nam tiến’’. Tháng 12/1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Ngày 22/12/1944, tại một khu rừng ở Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy nhiệm ông đứng ra tuyên bố thành lập đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay).

Cuối tháng 3/1945, ông đưa đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân tiến xuống phía Nam, hội quân với đội Cứu Quốc quân của Chu Văn Tấn ở vùng chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải Phóng Quân.

Tháng 8/1945, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, làm tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải Phóng Quân và Ủy viên Ban chỉ huy lâm thời khu Giải phóng Việt Bắc.

Năm 1946, ông lập gia đình với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).

Những dấu mốc trong cuộc đời Tướng Giáp - 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng cùng Trung đoàn trưởng Thái Dũng (ngồi bên trái) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch biên giới. 

Ngày 19/12/1946, chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản, ông bắt đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) với cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.

Ngày 25/1/1948, ông được phong Đại tướng. Tháng 6/1950, theo Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, ông giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh, Tổng Chính ủy Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông liên tục đảm nhiệm những chức vụ trên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975).

Trong 21 năm (1954-1975) của cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh.

Trong một thời gian ngắn từ tháng 7/1960 đến tháng 1/1963, ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Người thay thế ông ở Bộ Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, một trong những cộng sự lâu năm nhất của ông.

Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80.

Con người và sự nghiệp của ông không chỉ tỏa sáng rực rỡ trên lĩnh vực quân sự mà còn trên mặt trận văn hóa-tư tưởng và một số lĩnh vực khác. Ông viết hàng trăm bài báo; gần 100 bản luận văn có giá trị trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt, ông viết nhiều sách văn học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (Tham khảo tư liệu: quangbinh.gov.vn) ([Tên nguồn])
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN