Những chiếc "quan tài nổi" trên các vùng biển Đông Nam Á

Mỗi chiếc tàu chở khoảng 400 người vượt biển mang về cho các đường dây xã hội đen ở Đông Nam Á khoảng 800.000USD... Lợi nhuận gia tăng cùng sự bất nhân của bọn tội phạm đã đẩy hàng ngàn người đến bước đường cùng.

Những chiếc quan tài nổi

Trong những ngày qua, gần 3.000 người nhập cư đã được cứu vớt hoặc bơi được vào bờ biển của các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Trong khi đó, hàng ngàn người khác dường như đang trôi dạt ở biển khơi, trên những con thuyền quá tải, thiếu nước và lương thực vì lực lượng tuần duyên Malaysia, Indonesia tìm mọi cách xua đuổi họ. Liên Hợp Quốc cảnh báo, việc từ chối cho các tàu cập bến có thể biến các con tàu đó thành những “quan tài nổi”.

Những chiếc "quan tài nổi" trên các vùng biển Đông Nam Á - 1

Người tị nạn đến từ Myanmar trong một trại tị nạn ở Kuala Cangkoi, Indonesia ngày 18.5.   (Ảnh: Reuters)

Nạn nhân chủ yếu là những người Bangladesh nghèo khó ra đi tìm một cuộc sống mới và những người thiểu số Rohingya ở Myanmar. Bọn buôn người đã câu kết với một số quan chức địa phương để làm giàu trên những bất hạnh của các di dân.

Theo báo Daily Star của Bangladesh, hàng ngàn di dân ước mơ tìm được công ăn việc làm đã bị đường dây buôn người giam giữ nhiều tháng (có khi hàng năm) trong những lán trại thô sơ ở miền nam Thái Lan. Họ bị đánh đập, bị bỏ đói cho đến khi thân nhân nộp đủ tiền chuộc mạng khoảng từ 2.000-3.000USD để được tự do. Nếu không, những di dân này bị bán cho các nhà máy hay nông trại ở Malaysia và Thái Lan.

Tờ Daily Star ước lượng, dựa theo lời khai của các nạn nhân và các tổ chức nhân quyền, ít nhất 250.000 người Bangladesh và Rohingya đã rơi vào đường dây nô lệ mới từ năm 2007 đến nay. Dưới sức ép của dư luận quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, tháng 1.2015, chính quyền quân sự Thái Lan đã truy tố hơn 10 quan chức chính quyền tỉnh. Cơ quan tư pháp Thái Lan đã phát 60 lệnh truy nã, trong đó có một nghị sĩ có bí danh là “Đại ca Tong”. Hơn 50 cảnh sát viên và sĩ quan cảnh sát bị thuyên chuyển do có những hành động bao che, tiếp tay cho bọn tội phạm.

Hồi đầu tháng 5 này, Thái Lan cũng đã tiến hành một chiến dịch truy quét các lán trại của đường dây buôn người ở miền nam và phát hiện nhiều hố chôn tập thể. Chính sách mới của Bangkok đã làm xáo trộn mạng lưới tổ chức vượt biển vượt biên, các tay buôn người phải bỏ tàu, bỏ khách hàng trên biển và trong rừng.

Khủng hoảng nhân đạo

Cuộc khủng hoảng nhân đạo này đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị giữa các nước Đông Nam Á. Thái Lan đã có phản ứng và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nước này trong việc đón nhận tạm thời những người nhập cư.

Ngày 17.5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ “ngày càng quan ngại” về tình cảnh của những người di cư và tị nạn đang bị mắc kẹt trên các con thuyền lênh đênh ở các vùng biển Đông Nam Á. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha về vấn đề này. Liên Hợp Quốc cho rằng cần thiết phải bảo vệ tính mạng của người di cư, thực hiện nghĩa vụ cứu người trên biển và bảo đảm luật pháp quốc tế.

Hiện khoảng 8.000 người di cư được cho là đang lênh đênh trên biển trong các điều kiện bấp bênh. Cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đánh giá đây là một thách thức xuyên biên giới mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, do đó các nước trong khu vực cần phối hợp chia sẻ trách nhiệm.

Trong hôm nay (19.5), Malaysia sẽ tổ chức hội nghị 3 bên tại Kuala Lumpur với Ngoại trưởng của Indonesia và Thái Lan. Malaysia cũng đề nghị Myanmar tham dự vì sự có mặt của Myanmar là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Dự kiến, ngày 29.5 tới, 15 nước trong khu vực sẽ tổ chức một cuộc họp để bàn về hồ sơ tị nạn tại Thái Lan. Tuy nhiên, Myanmar lại đe doạ sẽ tẩy chay cuộc họp này. Chính phủ Myanmar khẳng định vấn đề di cư không phải là trách nhiệm của nước này.Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan cũng đang tính đến khả năng lập các trại tị nạn cho những người di dân này.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 18.5, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết Kuala Lumpur duy trì cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước bị ảnh hưởng và các thành viên của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề người di cư hiện nay tại Đông Nam Á. Malaysia cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này bằng cách phối hợp với các quốc gia xuất xứ, quá cảnh và điểm đến của những người di cư.

Theo BBC ngày 17.5, những người di cư được cứu sống từ một con tàu chở 700 người chìm ngoài khơi Indonesia ngày 15.5 vừa qua  kể rằng, khoảng 100 người đã chết sau một vụ ẩu đả giành những thực phẩm còn sót lại. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền My ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN