Những câu chuyện kỳ lạ ở miền đất được "thần cá" chọn làm nơi an nghỉ
Dọc theo tuyến biển Diễn Châu (Nghệ An), nhiều làng có miếu hoặc lăng thờ cá Voi (tức tục thờ cá Ngư ông). Đây được xem là nét tiêu biểu đặc trưng nhất của văn hoá cư dân vùng biển.
Những bộ xương khổng lồ của cá voi vẫn được bà con Diễn Châu lưu giữ cẩn thận tại miếu.
Chúng tôi đến xã ven biển Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu), tại đây 3 lăng thờ cá Voi được người dân trang hoàng, sửa sang, quét sơn rất chu đáo. Không chỉ bà con ngư dân Diễn Thịnh mà dịp mồng 1, ngày rằm hay lễ tết, rất nhiều ngư dân trong huyện về đây bày đồ lễ hương đăng, hoa quả cúng Ngư Ông.
Theo quan niệm của người dân vùng biển, khi gặp cá Voi chết hoặc dạt vào bờ, ngư dân nơi đây xem đó là điềm lành, là phúc đến bởi mảnh đất này được thần cá chọn làm nơi yên nghỉ, được thần cá tin tưởng phó thác việc an táng, mỗi lần có cá Ông dạt vào bờ thì bà con đánh bắt thuận lợi, ra khơi vào lộng an toàn.
Anh Phạm Việt Long (trú ở xóm 2, xã Diễn Thịnh) chia sẻ: Diễn Thịnh đã có 4 con cá voi dạt vào bờ biển, trong đó 1 con được nhân dân cứu sống trở về biển, còn 3 con chết được xây lăng thờ cúng chu đáo. Theo kinh nghiệm thì năm nào có cá về thì nghề biển của bà con được hơn, vạn chài ở trong huyện đến thắp hương coi như đó là vị thánh thần.
Còn chị Hoàng Thị Hương (người dân địa phương) cho biết, tháng nào gia đình chị cũng đến đây tạ ơn Ngư ông đã che chở, phù hộ cho chồng con ra khơi an toàn, cuộc sống ấm no.
Tiếp tục tìm đến xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu), chúng tôi được nghe người dân nơi đây vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện huyền bí thiêng liêng về cá Ông với những điềm báo mộng và che chở cho con người trên biển như huyền thoại giữa đời thường.
Năm 1984, một người dân địa phương ra khơi vớt được con cá voi khá lớn, trên mình còn có chữ nho và những hàng tóc rất lạ, ngư dân đã đưa về lập miếu thờ phụng.
Bà con xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đến với miếu Ngư ông để thắp hương, cầu may.
Miếu thờ Ngư ông ở xã Diễn Ngọc được ngư dân nơi đây dựng lên, miếu nằm ngay sát cửa sông Lạch Vạn nhìn ra biển. Và cứ thế theo thời gian, bà con ngư dân đã mang về miếu đến hơn chục bộ cốt cá voi.
Theo tục lệ, cứ mỗi người dân trước khi bước lên tàu ra biển, họ đều sắm lễ vật đến miếu cầu mong sóng yên biển lặng, mùa cá bội thu. Và sau khi từ biển trở về, họ lại mua lễ vật, đến miếu thờ Ngư ông để trả lễ.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Chính (trú ở xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc): Cá voi mà về thì không thấy bão gió, ra khơi vào lộng thắng lợi, bà con biết ơn ngài che chở nên hương khói thường xuyên.
Ông Thái Bá Tranh (người trông coi miếu thờ Ngư ông) cho biết: Từ hồi xây lại miếu thờ này thì bà con phấn khởi, làm ăn gặp nhiều may mắn, an toàn.
Được biết, tại huyện Diễn Châu có 6 miếu, lăng mộ thờ Ngư ông trải dọc các xã ven biển, tập trung chủ yếu ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Ngọc, Diễn Bích và Diễn Kim. Mỗi nơi đều gắn với một câu chuyện, giá trị lịch sử, có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân.
Để tỏ lòng thành kính đối với Ngư ông, vào dịp đầu năm mới, ngư dân vùng biển Diễn Ngọc đều tổ chức lễ hội cầu ngư một cách trang trọng, mang đậm chất tâm linh với mong muốn cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt đạt năng suất cao. Đây còn là dịp để bà con động viên cùng nhau vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Vận – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) cho hay: Phong tục thờ cúng cá Voi đã thể hiện sự tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân Diễn Châu. Nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của bà con vùng biển Diễn Châu thêm vui tươi, giàu ý nghĩa.
Trong tháng 5, hai con cá voi kiệt sức liên tiếp dạt vào bờ biển thuộc 2 xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng...