Nhiều cơ quan nợ tiền nhậu: Cán bộ góp tiền trả

Sự kiện: Đắk Nông

Hơn 10 cơ quan, đơn vị nhà nước của một huyện tại tỉnh Đắk Nông đã nợ tiền ăn nhậu, tiếp khách tổng số tiền gần 400 triệu đồng.

Nhiều cơ quan nợ tiền nhậu: Cán bộ góp tiền trả - 1

Nhiều cơ quan, đơn vị của UBND huyện Krông Nô nhậu nợ

Ngày 25-4, ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông - cho biết UBND huyện vừa chỉ đạo thanh tra huyện và Phòng Nội vụ làm rõ việc nhiều cơ quan, đơn vị nợ tiền của quán ăn Phương Đông (tổ 4, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô).

"Quan điểm của UBND huyện là không có chuyện huyện chi ngân sách cho các đơn vị tiếp khách nên sẽ làm việc với các đơn vị xem trách nhiệm của ai để xử lý, nợ của đơn vị nào, của cá nhân nào thì phải trả" - ông Ánh khẳng định.

Theo bà Đinh Thị Đông, chủ quán nhậu Phương Đông, những năm qua, rất nhiều cán bộ, cơ quan nhà nước gồm UBND các xã, thị trấn và các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện nợ tiền ăn nhậu. Tính đến nay, hơn 10 đơn vị, cá nhân nợ tiền với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Cá biệt có đơn vị nợ gần 10 năm không chịu trả.

Vì khách đều là cán bộ làm trong cơ quan nhà nước nên bà Đông tin tưởng cho "nhậu nợ". Thế nhưng, nhiều cán bộ cứ tới ăn nhậu hết lần này đến lần khác mà không chịu trả khiến bà rất khó xử. Sau khi số nợ nhiều và bị bà đòi thì những đơn vị này không tiếp tục nhậu ở quán bà, trong khi lượng khách ngày một thưa dần. Trước tình trạng này, bà phải vay mượn vốn để duy trì hoạt động của quán.

Nhiều cơ quan nợ tiền nhậu: Cán bộ góp tiền trả - 2

Hàng chục hóa đơn nhậu nợ

"Những năm qua, đã nhiều lần tôi liên hệ với đại diện các cơ quan này để đòi tiền nhưng không được. Một phần số nợ đã tồn tại từ lâu, một phần bộ máy lãnh đạo tại các cơ quan hầu hết đều thay đổi, chuyển công tác nên họ cứ đổ lỗi cho nhau" - bà Đông bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thái Châu, quyền Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô, cho hay khi lên tiếp nhận nhiệm vụ, chủ quán đã phản ánh với ông đơn vị nợ 23 triệu đồng tiền tiếp khách. Ngay sau đó, ông đã yêu cầu bộ phận kế toán rà soát, đối chiếu và làm việc với ông trưởng phòng cũ thì đúng là nợ bà Đông 23 triệu đồng từ những năm 2012 đến nay.

"Chúng tôi thống nhất với anh em trong năm 2018 sẽ trả hết nợ. Số tiền trả nợ từ kinh phí chi thường xuyên và anh em trong cơ quan đóng góp. Từ hồi đó đến giờ cũng toàn anh em chứ có ai đâu nên anh em phải chịu khó bỏ ra" - ông Châu nói.

Còn theo ông Cao Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, tiền nợ do lãnh đạo thời trước để lại, ông mới về nên không nắm rõ. Cơ quan cũng đang rà soát lại nợ nần bao nhiêu, từ đó báo cáo lên cấp trên để xử lý. Tương tự, ông Lương Văn Tích, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, cho biết tiền nợ từ lãnh đạo thời trước. Xã đang rà soát lại, đối chiếu xem số nợ có đúng 40 triệu đồng như bà Đông trình bày để xin ý kiến cấp trên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kiền, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mâm, cho rằng ông mới nhận nhiệm vụ nên khi biết cơ quan còn nợ quán Phương Đông hơn 70 triệu đồng, ông đã yêu cầu bộ phận kế toán rà soát xem số nợ đó là tiền tiếp khách vì mục đích chung của cơ quan hay vì mục đích cá nhân. "Trong trường hợp tiền nợ vì tiếp khách của cơ quan, chúng tôi sẽ xem xét và xin ý kiến của cấp trên để xử lý. Ngược lại, nếu số tiền nợ mập mờ, không rõ ràng, tôi sẽ mời lãnh đạo của nhiệm kỳ trước lên làm việc, đối chiếu. Nếu không phải vì mục đích cơ quan thì ai nợ, người đó phải có trách nhiệm trả" - ông Kiền khẳng định. 

Theo danh sách bà Đông cung cấp, UBND xã Đắk Drô nợ 17,6 triệu đồng, UBND xã Tân Thành nợ 34 triệu đồng, UBND xã Nam Xuân nợ 40 triệu đồng, UBND thị trấn Đắk Mâm nợ 73 triệu đồng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nợ gần 15 triệu đồng; Phòng Kinh tế - Hạ tầng nợ 23 triệu đồng; Huyện Đoàn nợ 28 triệu đồng… 

Dùng ngân sách tiếp khách vô tội vạ

Nhiều cơ quan nhà nước ở Gia Lai dùng ngân sách tiếp khách tràn lan dẫn đến vượt dự toán, thậm chí không tiếp khách nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên (Người lao động)
Đắk Nông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN