Nhật Bản nổi giận, thề trả thù phiến quân IS
Ngày 1/2, khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tung lên mạng đoạn video chặt đầu nhà báo Kenji Goto, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phản ứng đầy giận dữ và tuyên bố sẽ “khiến những kẻ khủng bố phải trả giá”.
Lời tuyên bố trả thù này là bình thường ở các nước phương Tây, nơi các nhà lãnh đạo thường phải đối mặt với nhiều tội ác của những kẻ cực đoan, nhưng nó lại vô cùng hiếm hoi ở một quốc gia có hiến pháp yêu chuộng hòa bình như Nhật Bản.
Lời kêu gọi trả thù IS của Thủ tướng Abe cho 2 con tin người Nhật bị IS sát hại đã khiến cả giới quân sự của nước này cũng phải “nhướn mày”, đồng thời khiến nhiều người Nhật tin rằng cuộc khủng hoảng con tin vừa qua sẽ là một “giọt nước tràn ly” đối với quốc gia vốn luôn theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình này.
Cựu thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akihisa Nagashima viết trên Twitter: “Nhật Bản chưa từng chứng kiến lời tuyên bố trả thù kiểu phương Tây này trước kia. Phải chăng ông Abe muốn trao cho Nhật Bản khả năng hiện thực hóa lời nói của mình?”
Khi cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 12 ngày vừa qua đi đến một kết cục đau buồn với cái chết của nhà báo Goto, thế giới bỗng trở nên nguy hiểm hơn đối với Nhật Bản, một quốc gia hòa bình, thịnh vượng vốn từ lâu không hề phải đối mặt với những kiểu bạo lực mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đang phải đối phó.
Một số người mô tả rằng cuộc khủng hoảng con tin này gây ra cú sốc với Nhật Bản chẳng khác gì nước Mỹ sau vụ khủng bố 11/9 hay nước Pháp sau vụ thảm sát ở tòa báo Charlie Hebdo.
Ông Kunihiko Miyake, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao Nhật Bản nói: “Đây là một vụ 11/9 của Nhật Bản. Đã đến lúc Nhật cần phải chấm dứt giấc mộng hão huyền rằng những dự định tốt đẹp và cao quý của mình sẽ đủ để tự vệ trước một thế giới nguy hiểm ngoài kia. Người Mỹ đã đối mặt với thực tế khắc nghiệt này, người Pháp cũng đã nhận ra, và giờ đây chúng ta cũng vậy”.
Cuộc khủng hoảng con tin cũng diễn ra trong một thời khắc quan trọng trong lịch sử đương đại Nhật Bản. Sau 2 năm nắm quyền, Thủ tướng Abe đang muốn thay đổi hiến pháp hòa bình có từ sau Thế Chiến II của nước này để Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.
Các chuyên gia phân tích và ngoại giao cho rằng 2 vụ sát hại con tin dã man trên sẽ là một phép thử quan trọng đối với khả năng sẵn sàng của Nhật Bản để bước lên vũ đài quốc tế. Câu hỏi mà họ đặt ra là 2 vụ sát hại con tin liên tiếp này sẽ khiến Nhật Bản chùn bước, hay càng khiến họ quyết tâm tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hơn.
Trong đoạn video chặt đầu nhà báo Goto, IS đưa ra lời cảnh báo rằng người Nhật Bản sẽ không còn được an toàn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chiến binh bịt mặt hành quyết nhà báo Goto tuyên bố: “Hãy để cơn ác mộng với Nhật Bản bắt đầu”.
Tokyo đã phản ứng lại đầy giận dữ và đau buồn trước cái chết của Goto, một phóng viên chiến trường dày dạn kinh nghiệm. Các đài truyền hình Nhật liên tục phát những đoạn video quay cảnh nhà báo này tác nghiệp ở Iraq và Syria, nơi anh đưa tin về cuộc sống của dân thường và trẻ em trong vùng chiến sự.
Ít nhất là cho đến nay, nỗi tức giận đó đã giúp người dân Nhật Bản có quyết tâm bác bỏ mọi lời đe dọa của IS và ủng hộ nỗ lực của ông Abe nhằm tăng cường vai trò của Nhật Bản trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
Nhiều người dân Nhật Bản cũng bắt đầu thích ứng với hoàn cảnh mới, khi các chuyên gia và chính trị gia bắt đầu bàn bạc về những biện pháp tăng cường an ninh như giám sát người nước ngoài nhập cảnh, thiết lập một cơ quan tình báo hải ngoại hay xây dựng một điều luật mới cho phép quân đội Nhật Bản hành động tự do hơn ở nước ngoài để bảo vệ hơn 1,5 triệu kiều dân.
Ông Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật ở Mỹ nói: “Tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ người Nhật chùn bước, trái lại, họ càng giận dữ hơn. Việc người dân Nhật đoàn kết ở mức độ như thế này để đứng lên chống lại IS quả là điều đáng ngạc nhiên”.
Các chuyên gia phân tích khác cũng nhất trí rằng người dân Nhật dường như đang hết mình ủng hộ các nhà lãnh đạo trong thời kỳ khủng hoảng. Chuyên gia Kubo ở Đại học Tokyo nhận định: “Sự tàn bạo của IS đã khiến Nhật Bản nhận ra một thực tế khắc nghiệt mới. Giờ đây họ nhận ra rằng họ phải đối mặt với những mối nguy hiểm giống như các nước khác”.
Tuy nhiên, những chuyên gia này cũng cảnh báo rằng khi cơn sốc qua đi, sẽ có nhiều tiếng nói chất vấn cách thức xử lý cuộc khủng hoảng của chính phủ, cũng như trách nhiệm của ông Abe trong việc để cuộc khủng hoảng con tin xảy ra.