“Nhân vật của năm” và cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình
Các nhân viên y tế, những người chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống lại Ebola mới đây đã được tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của năm”. Vinh dự là một trong những khuôn mặt được xuất hiện trên trang bìa của tạp chí danh tiếng này, người lái xe cứu thương Foday Gallah ở thủ đô Monrovia, Liberia đã kể lại câu chuyện của mình trong cuộc chống lại tử thần Ebola.
Foday Gallah trên trang bìa của tạp chí Time
Vào hồi tháng 8, Foday Gallah, 33 tuổi, phải chở một cậu bé 4 tuổi từ nhà tới bệnh viện. Trước đó, anh đã đưa 7 thành viên của gia đình này đi cấp cứu, và cả 7 người đều đã tử vong. Cậu bé này là người cuối cùng.
Buổi chiều của ngày hôm đó, sau khi đưa cha, bà nội và anh em của em này tới bệnh viện, Foday lại nhận được điện thoại. Anh lái xe đi thẳng tới ngôi nhà, nhìn thấy cậu bé đang nằm thoi thóp và nôn mửa.
Người lái xe cứu thương nhanh chóng bế cậu bé trên tay và đưa ra xe, một lần nữa, bệnh nhân lại nôn thẳng vào ngực anh. Lúc này, anh mới phát hiện ra rằng, bộ đồng phục bảo vệ đang mặc không hề kín, nhưng bất chấp điều đó, anh nhanh chóng lái xe tới trung tâm điều trị của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) càng sớm càng tốt.
Ngay ngày hôm sau, Foday Gallah bắt đầu bị sốt. Anh đã uống một số loại thuốc nhưng cơn sốt vẫn không hạ. Foday tự cách ly mình với những người thân trong gia đình, và đi đến trung tâm điều trị để kiểm tra vào ngày hôm sau nữa.
Anh chia sẻ: “Tôi biết rằng cuối cùng tôi cũng đã bị nhiễm bệnh. Rất nhiều bác sĩ và y tá kiên cường trên mặt trận này cũng đã tử vong. Tôi đã cố gắng cẩn thận, nhưng Ebola vẫn không chừa tôi ra. Tôi đã chở rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh, rất nhiều người đã chết trên tay tôi. Tôi lo sợ và cầu Chúa đừng để nỗi sợ hãi đó chiến thắng.”
Người lái xe cứu thương đã từng có giây phút cận kề tử thần Ebola
Foday trải qua quãng thời gian 2 tuần tại một căn lều ở trung tâm điều trị, cùng lều với anh, một em bé mới được 2 tháng tuổi đã chết vì Ebola. Và thật may mắn, Foday đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự chăm sóc tận tụy của các bác sĩ, cùng những người thân luôn bên anh lúc hoạn nạn, những người truyền cho anh sự can đảm. Đối với Foday, Ebola không hẳn là một bản án tử hình.
Vào đầu tháng 12, Foday Gallah bắt đầu quay trở lại công việc. Giờ đây Foday đã có khả năng miễn dịch với Ebola, anh có thể làm việc mà không cần phải cẩn trọng như trước kia. Với những kinh nghiệm của mình, anh đã truyền hy vọng đến cho bệnh nhân trên chiếc xe cứu thương.
Anh nói với họ: “Hãy nhìn đi, bạn sẽ không chết đâu, chúng tôi đang chở bạn tới trung tâm điều trị. Hãy lắng nghe lời khuyên của những bác sĩ ở đây và uống thuốc. Rồi bạn sẽ ổn thôi và được trở về với gia đình.”
Công việc của Foday trước khi đại dịch Ebola hoành hành, đó là chở những trường hợp cấp cứu như phụ nữ mang thai, người bị tai nạn và bệnh nhân tăng huyết áp.
Nhưng giờ đây, chiếc xe làm việc không lúc nào ngừng nghỉ, khi mà trên khắp thành phố, luôn có ca tử vong. Công việc quá tải đến mức, mặc dù khối lượng công việc của lái xe cứu thương đã tăng gấp 3 lần nhưng vẫn không có đủ xe chở người bệnh ở Monrovia.
Anh nói: “Mới đây tôi đã chở 11 người tới từ khu vực Omega, họ đều đã chết. Đôi khi tôi thấy thật đau buồn khi nhìn vào ai đó và biết rằng họ đã chết. Nhiều lúc tôi muốn từ bỏ công việc này. Rất nhiều người bạn không dám tới gần vì công việc của tôi. Một số người còn liên lạc qua điện thoại nhưng họ sẽ không gặp tôi trực tiếp.”
Những bệnh nhân nghi nhiễm Ebola tại một trung tâm điều trị của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới vào hồi tháng 8
Không chỉ có vậy, anh và đồng nghiệp đôi khi còn nhận được thái độ hằn học của người thân bệnh nhân khi họ không cho bác sĩ mang người bệnh đi. Các bệnh nhân thì lo sợ và khóc lóc rất nhiều. Họ khóc vì đau đớn, vì bị gia đình xa lánh.
Anh kể lại: “Tôi nhớ một trường hợp là bà cụ 70 tuổi. Khi chúng tôi tới nhà, chỉ còn bà nằm một mình trong căn hộ có 4 phòng ngủ, những đứa trẻ đã đi khỏi nhà, chồng và các thành viên trong gia đình không ai còn ở lại, chỉ còn lại một mình bà và nằm run rẩy. Tôi có thể nhìn thấy sự tuyệt vọng trong đôi mắt của bà ấy.”
Foday cũng cho biết, sự kỳ thị và xa lánh là một cách hoàn toàn sai lầm trong cuộc chiến chống Ebola, đó là lý do vì sao nhiều người bị chết trước khi được họ được đưa tới trung tâm điều trị.
“Đó là kẻ thù giấu mặt mà chúng ta đang phải chiến đấu. Trong những ngày đất nước chìm trong cuộc nội chiến, không lâu trước đây, nếu như bạn nghe thấy rằng kẻ thù đang tới từ phía bắc, bạn có thể đóng gói đồ đạc và đi về phía đông. Vào ban đêm, bạn có thể thấy đạn bay, thấy những người đàn ông và những khẩu súng trên các con phố. Nhưng Ebola thì lại vô hình, không có cách nào để biết rằng cuộc tấn công tiếp theo là từ đâu.”