Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Tại hai bờ sông Cầu đoạn qua TP Bắc Ninh và huyện Việt Yên (Bắc Giang), nhà dân xây kín mít, có nhà cách mép nước chỉ 10 m, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê và thoát lũ.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 1

Bấm để lật
Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 2

Sông Cầu là ranh giới tự nhiên ngăn cách giữa tỉnh Bắc Ninh (góc trái) và Bắc Giang. So với năm 2013 qua bản đồ vệ tinh, hai bên sông Cầu chảy qua phường Vạn An, TP Bắc Ninh và xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có mật độ dân số cao, cư dân xây nhà sát mép nước, chiếm hầu hết khu bãi bồi.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 3

Tuyến đê hữu Cầu trước đây nằm sát bờ sông. Từ năm 2002, để phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Ninh dịch chuyển và nâng đê cách vị trí cũ khoảng 40-50 m. Nhiều hộ dân trước đây sống trong đê thì nay trở thành ngoài đê.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 4

Bên phía đê hữu Cầu, tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê điều diễn ra suốt đoạn đê hơn 8 km, từ xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho đến khu vực xảy ra sụt lún tại TP Bắc Ninh.

Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh thống kê từ năm 2021 đến nay có 58 công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ ở xã Tam Đa. Có công trình đang xây, có nhà 5 tầng đã hoàn thiện.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi khẳng định các công trình cũ do lịch sử để lại thì chấp nhận. Với các công trình xây mới, đơn vị này đã phát hiện từ ngay khi người dân đào móng và đã chuyển phản ánh đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý không triệt để dẫn tới việc người dân xây những ngôi nhà cao 4-5 tầng.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 5

Ngôi nhà 5 tầng đang xây dang dở ở xã Tam Đa chỉ cách mép nước khoảng 10 m.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch xã Tam Đa, thừa nhận ngôi nhà này không có sổ đỏ. Người dân "cơi nới" dựa trên móng ngôi nhà cũ có từ lâu đời nên chính quyền chỉ nhắc nhở, rất khó xử phạt.

"Làng Tam Đa dân số rất đông, người dân sống dọc theo hai bên bờ đê đã hàng trăm năm, truyền từ đời này sang đời khác. Khi họ xây dựng chúng tôi xuống nhắc nhở thì họ chấp hành, nhưng sau đó vẫn tranh thủ làm", ông Hải nói.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 6

Trên mái đê hữu Cầu đoạn chạy qua xã Tam Đa người dân sinh sống kín mít hai bên đường mặt đê.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 7

Ngoài những công trình xây mới kiên cố, đa phần nhà lấn chiếm hành lang bảo vệ, thoát lũ sông Cầu là nhà tạm.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 8

Làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, tỉnh Bắc Giang nằm đối diện vị trí xảy ra sụt lún có mật độ dân số 20.000 người/km2, gấp hơn 40 lần mật độ dân số tỉnh Bắc Giang, gần 10 lần Hà Nội và hơn 60 lần cả nước. Dân đông, diện tích đất nhỏ, người dân phải xây dựng nhà ra sát mép sông.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 9

Người dân đổ rác, phế thải xây dựng tràn ra lòng sông Cầu. Ông Đàm Phương Bắc, Chi cục trưởng Thủy lợi Bắc Ninh, cho rằng có bốn nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở ở phường Vạn An những ngày qua.

Nguyên nhân khách quan là dòng chủ lưu ép về phía nào thì phía đó sạt lở, nền đất yếu, dòng sông cong; chủ quan là người dân xây dựng gây nên quá tải, đổ rác, phế thải làm thay đổi dòng chảy.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 10

Cách vị trí sạt lở hơn 100 m, hiện tượng xói lở xảy ra từ khoảng hai năm nay. Chính quyền Bắc Ninh đang đầu tư xây kè bảo vệ đê.

Nhà xây dày đặc trên hành lang bảo vệ đê sông Cầu - 11

Trước đó sáng 7/4, 5 ngôi nhà kiên cố cùng 2 công trình đang xây dang dở ở tổ dân phố Vạn Phúc, phường Vạn An, TP Bắc Ninh bị sụt lún. Cùng với ngôi nhà bị sụt xuống sông hồi tháng 3/2024, chính quyền đã sơ tán 12 hộ dân.

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành tình trạng khẩn cấp về sạt lở đê, yêu cầu các ngành chức năng sớm lên phương án di dời, tái định cư cho người dân, đồng thời khảo sát, đánh giá hiện tượng sạt lở để có phương án khắc phục hợp lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Khu dân cư ven sông Cầu, phường Vạn An (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) trống huơ trống hoác sau chuỗi ngày sạt lở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Chính ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN